14:57 - 07/09/2018
Singapore và Malaysia tranh nhau di sản văn hoá ẩm thực đường phố
Singapore đề xuất LHQ thừa nhận thức ăn đường phố của đảo quốc này đã gây ra một cuộc tranh cãi xuyên biên giới, với những đầu bếp giận dữ ở nước láng giềng Malaysia như dội nước lạnh vào ý tưởng đó.
Thành phố-quốc gia này là nơi có nhiều khu ẩm thực ngoài trời, nơi những người cung cấp được gọi là “người bán hàng rong” bán các món như thịt gà và cơm, mì và thịt xiên với giá tương đối rẻ. Một số người bán hàng rong thậm chí còn được tặng sao Michelin và được đưa vào cái được gọi là kinh thánh ẩm thực phiên bản Singapore năm 2016.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã tuyên bố hôm 19/8 rằng Singapore sẽ đề xuất văn hoá hàng rong được đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO. Ông mô tả các trung tâm hàng ăn của thành phố-quốc gia như là các nhà ăn cộng đồng tạo thành một phần bản sắc của đất nước.
Nhưng động thái này đã kích động sự giận dữ ở Malaysia. Bên xứ này từ lâu công dân trong nước tuyên bố thức ăn đường phố của họ – vốn có nhiều nét tương đồng với Singapore – hơn xa bất cứ thứ gì có bên hàng xóm nhỏ bé của họ. Đầu bếp nổi tiếng người Mã Lai Redzuawan Ismail, thường được biết dưới danh hiệu Chef Wan, nói với AFP, đề xuất của Singapore lên Liên hiệp quốc (LHQ) thật “rác rưởi”.
“Khi quý vị nói về những người bán hàng rong, Singapore không phải là nơi duy nhất có văn hoá hàng rong… Tại sao lại phải cần đến UNESCO cấp pa tăng? Của quý vị đặc biệt đến thế sao?”, Chef Wan nói thêm. Ông đã có lần xuất hiện cùng với cố đầu bếp người Mỹ nổi tiếng Anthony Bourdain.
Một đầu bếp khá nổi tiếng khác, ông Ismail Ahmad, nhấn mạnh rằng đất nước của ông là một “thiên đường” thức ăn đường phố và đáng lý Malaysia có được sự công nhận của LHQ. “Ngay cả những người Singapore đến Malaysia cũng khoái các quầy ăn của chúng tôi”, ông nói.
Nhưng dân Singapore đã bác bỏ sự tức giận của Malaysia, lấy lý do là sự xếp hạng của UNESCO gồm nhiều thứ chứ không chỉ là thức ăn. “Chính di sản văn hoá thức ăn đường phố kết nối mọi người với nhau và được chính phủ và ngành thực phẩm hỗ trợ, vì đó chính là cộng đồng. Nếu quý vị có văn hoá ấy, hãy phô trương nó”, lời nhà phê bình thực phẩm K.F. Seetoh được nhật báo New Paper trích dẫn lại.
Hai nước đã có những quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” từ khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập hồi năm 1965, sau khi bị loại ra khỏi một liên minh ngắn ngủi với Malaysia, nhưng sự om sòm về ẩm thực có chiều hướng đặc biệt nóng lên.
Singapore dự định trình đề cử lên UNESCO hồi tháng 3, và một thông báo liệu đệ trình có thành công không dự kiến sẽ được đưa ra vào năm 2020.
Khởi Thức (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này