09:50 - 14/08/2017
Khi người Việt và người Thái ‘khen hàng’ nhau
Tại Hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vừa qua, dường như các gian hàng Việt Nam đều “được lòng” người Thái, nhất là các doanh nhân.
Việc này có ý nghĩa rất lớn trong nỗ lực quảng bá thương hiệu hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Thái Lan.
Được biết, tham dự Hội chợ lần này có mặt 10 doanh nghiệp Việt Nam như: Công ty CP hạt điều Gia Bảo; Công ty Cửu Long; Công ty Vinamit; Công ty Lương Quới… cùng đa dạng mặt hàng như: Cơm dừa sấy khô, nước mắm Phú Quốc, hạt điều rang muối…
Ông Sanan Angubolkul – Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam cho biết: “Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được nhiều thành viên hiệp hội quan tâm và có kế hoạch nhập về bán tại thị trường Thái Lan. Người dân Thái cũng thích các sản phẩm Việt Nam nên cơ hội cho hàng Việt xâm nhập thị trường Thái Lan rất sáng nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý”.
Theo Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng thông tin rằng “đối tác Thái cho biết sẵn sàng mua giá cao để đưa vào phân khúc hàng quý, cao cấp”. Đây chính là tin vui lớn cho các doanh nghiệp và hàng Việt Nam.
Thời gian qua, người Việt rất chuộng các mặt hàng của Thái Lan, đặc biệt là mặt hàng tiêu dùng tràn lan trên “sân nhà” Việt Nam. Ngoài các chuỗi siêu thị lớn, thì ở một số địa phương như Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… người ta chỉ cần đi dọc quốc lộ 1A qua địa phận các địa phương này sẽ thấy có rất nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái lan, Lào.
Phải nói rằng, Thái Lan và Việt Nam có khả nhiều điểm tương đồng về sản phẩm, nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu thị trường. Điều mấu chốt ai cũng nhìn thấy đó là sản phẩm của các công ty Thái Lan có chất lượng tốt, nhưng giá cả hợp lý. Đó là lý do khiến hàng Thái Lan đã chiếm lòng tin của người dùng Việt.
Cũng chính vì hai nước có khá nhiều điểm tương đồng mà ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Thái Lan thì trước tiên phải giải quyết được bài toán “chất lượng – giá cả”. Kế đến mới tính đến các yếu tố khác như: Văn hóa và phong cách sống của người Thái…
Mặt khác, hàng Thái xâm nhập Việt Nam tương đối dễ vì khoảng cách địa lý gần, cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vậy nên, thêm một vấn đề cần bàn là ngoài sự năng động của bản thân doanh nghiệp, thì vai trò của Nhà nước cần cụ thể trong từng vấn đề.
Ví như, làm sao cho doanh nghiệp nội thấy được cơ hội ở xứ người? Khi doanh nghiệp muốn đầu tư thì mọi thủ tục phải tương đối thuận lợi cho họ. Và các cuộc triển lãm hàng Việt – Thái, Thái – Việt cần phải xúc tiến thường xuyên hơn, vì đây là một trong những kênh quan trọng mang tính chiến lược để kết nối khách hàng và sản phẩm.
Thông qua Hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ diễn ra tại Bangkok vừa qua, người Thái đã rất ấn tượng với nhiều sản phẩm trưng bày tại các gian hàng Việt Nam. Việc “được lòng” này sẽ “mở đường” cho hàng Việt đến tay người tiêu dùng Thái một cách dễ dàng hơn.
Thành thử, chuyện cả người Thái lẫn người Việt đều “khen hàng” của nhau, có thể đã đến lúc các doanh nghiệp của cả hai nước cùng tìm ra được cách thức tốt nhất để khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm và thị trường của nhau.
Điều này không chỉ mang lại niềm vui riêng cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Mà đây có thể là cơ hội, gợi mở thêm hướng giải quyết bài toán “tồn kho, rớt giá” cho không ít các mặt hàng nông nghiệp nói chung hiện nay sang xứ sở Chùa Vàng nếu chúng ta chú trọng vấn đề chất lượng.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này