
09:28 - 20/06/2018
Hãy ‘quét’ tôi đi!
Chỉ một việc nhỏ: cách doanh nghiệp tự giới thiệu cũng đổi thay rồi. Một gian hàng trống trơn chỉ có một tấm bảng nhỏ cỡ giấy A5, ghi vỏn vẹn: “Scan me”.

Các doanh nghiệp tự giới thiệu cũng đổi thay rồi. Một gian hàng trống trơn chỉ có một tầm bằng nhỏ cỡ giấy A5, ghi vỏn vẹn: “Scan me”. Tức yêu cầu dùng smartphone chiếu vào QR Code để truy xuất thông tin. Ảnh: TLKH.
Vừa từ Nhật về sau chuyến đi gặp và thăm nhà máy đối tác muốn mua sản phẩm của Cỏ May,
CEO Phạm Minh Thiện đã đưa ra một đề nghị: “BSA (trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) hãy tổ chức chuyến đi thăm nhà máy Nhật để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ được tận mắt chứng kiến cách quản lý chất lượng của họ để từ đó xây dựng mô hình sản xuất chuẩn mực hơn”.
Thiện đặc biệt ấn tượng giải pháp giảm tối đa, nhất là bụi (khuếch tán trong không khí) ảnh hưởng sức khoẻ, môi trường… tại nhà máy sản xuất gạo của Nhật. “Nếu giảm tối đa bụi, có thể giảm đến gần 1,8% chi phí. Vào nhà máy xay lúa và lau bóng gạo của Nhật, họ dùng tất cả biện pháp kiểm tra bụi như dùng lăn tay trên áo quần, quạt mạnh thổi bụi…”, Thiện kể.
Chuẩn mực đạo đức!
Với Thiện, đó là nguyên tắc hành xử đạo đức vì khách hàng, vì con người chứ không chỉ là chuẩn mực kỹ thuật. Thiện cho rằng, các công ty Việt Nam cũng có cùng tiêu chuẩn HACCP nhưng thực hành còn khá xuề xoà.Về kỹ thuật, bịt kín các chỗ bụi bay vào hoàn toàn làm được, nhưng “những chỗ rò rỉ trong đầu” thì… công nghệ có thể mua.Máy móc có thể trang bị.Nhưng nguyên tắc và thực tế hành xử trong tổ chức sản xuất không dễ thủ đắc được ngay.Thiện mong các doanh nghiệp trẻ tận mắt ngắm nhìn, nghĩ sâu về tính kỷ luật và cam kết. Thiện nghĩ: “Cỏ May nếu muốn thực hiện quy trình đó, có thể… bán vé cho khách vào xem. Không phải thu tiền mà chính là công khai, minh bạch để buộc cả bộ máy tự đặt mình trước sự xét nét của khách hàng. Doanh nhân trẻ này còn “giao” BSA tổ chức tour đi Nhật, vì tin BSA hiểu ý nghĩa công việc, có đủ sựchi tiết, cẩn thận, vì doanh nghiệp!
Lại nghĩ về chặng đường trước mắt của nông dân và doanh nghiệp Việt để hội nhập.Vượt qua những xuề xoà, thậm chí, làm chứng nhận tiêu chuẩn chỉ nhằm đối phó kiểm tra của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, thật không dễ chút nào.
Thực tế, nông dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam thường lúng túng để thực hiện các yêu cầu của tiêu chuẩn. Gặp một người bạn là đánh giá viên cao cấp của một công ty đánh giá chứng nhận đa quốc gia, vừa đánh giá một công ty ở New Caledonia về, tôi hỏi ông: “Công việc có gì khác khi đánh giá doanh nghiệp Việt Nam?”. Ông suy nghĩ một hồi rồi nói: “Công ty nước ngoài họ “thật” hơn, họ làm cho chính nhu cầu thật của họ. Còn công ty Việt Nam, nhiều trường hợp muốn làm cho qua nhằm lấy tấm giấy chứng nhận để đối phó”.
Doanh nghiệp đã vậy, với nông dân càng khó khăn hơn.Họ không có thói quen ghi chép (ghi nhật ký làm đồng), trong khi nguyên tắc của tiêu chuẩn là dựa trên bằng chứng, còn không ghi chép coi như không có bằng chứng. Ngoài ra, nông dân Việt quen xài thuốc trừ sâu, hoá chất nên cũng bất chấp luôn “danh sách” thuốc được phép. Tiêu chuẩn quốc tế viết cho các nước có nền nông nghiệp cơ giới hoá, trong khi nông dân mình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… Gần đây, chuyên gia của dự án bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” có trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp về HACCP. Phải trải qua nhiều khâu xem xét về sơ đồ nhà máy, lối đi riêng cho công nhân, nguyên liệu, rác thải, thành phẩm; kiểm soát nguyên liệu đầu vào, quy chuẩn kỹ thuật nguồn nước sản xuất, quy trình vệ sinh sản xuất… Một loạt câu hỏi… khó dữ dằn cũng chỉ mục đích là cho “bằng anh bằng chị”.
Khó mấy cũng phải làm
Nhưng dù khó, cũng không thể tránh né vì cục diện cạnh tranh trên thị trường đang thay đổi rất nhanh. Chỉ một việc nhỏ: cách doanh nghiệp tự giới thiệu cũng đổi thay rồi. Một gian hàng trống trơn chỉ có một tấm bảng nhỏ cỡ giấy A5, ghi vỏn vẹn: “Scan me”. Tức yêu cầu dùng smartphone chiếu vào QR Code để truy xuất thông tin. Hay để giới thiệu về uy tín của công ty, họ chỉ đưa ra một chuỗi những số và chữ, tên của các tiêu chuẩn quốc tế. Các nhà phân phối, các công ty lớn nhìn là biết ngay đẳng cấp của công ty đó cỡ nào, chuyên ngành gì, thị trường mục tiêu ở đâu…
Trong khi tham gia hoạt động với nông dân, các hợp tác xã, tôi cũng thấy được những “mầm mống tích cực” của sự am hiểu và quan tâm về tiêu chuẩn. Ở câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh, ông chủ nhiệm “lâu năm” vì thành viên không chịu cho nghỉ là Nguyễn Trường Chinh, đang ăn nên làm ra chỉ với các loại chả hoa, chả lụa vậy mà cũng đã có tiêu chuẩn HACCP mấy năm rồi. Ông Minh “Nhí” cũng đã đầu tư “vườn rau lớn” hướng tới chuẩn an toàn. Nhiều nhà sản xuất khác cũng trao đổi với tôi về cách tiến hành lấy các chứng nhận tiêu chuẩn.Họ hiểu lợi ích từ thị trường.Nhưng tập tành, học hành để hiểu sâu, hiểu đúng cách làm còn là một quá trình dài.
Một thực tế cần lưu ý trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đa số nông dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam chưa quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, nên khi tham gia kết nối thị trường với nhà bán lẻ hiện đại (hệ thống siêu thị) thường “rớt từ vòng gửi xe”. Chính quyền cần giúp bằng nhiều cách để họ tiếp cận và tiếp nhận các chứng nhận tiêu chuẩn, từ tiêu chuẩn phổ quát nhất là VietGAP.Các hiệp hội, tổ chức xúc tiến cũng cần giúp họ xây dựng tiêu chuẩn.
Chi phí dịch vụ xây dựng tiêu chuẩn của các công ty đa quốc gia hiện nay rất cao, xứng với uy tín thương hiệu. Một số công ty nhỏ đang làm dịch vụ này, chưa có uy tín, làm qua loa, thậm chí có những trường hợp nông dân hay doanh nghiệp “mua” được giấy chứng nhận. Ai kiểm soát tình hình này để giúp cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ đừng phí tiền bạc, thời gian để mua nhầm đồ giả?Công việc này là một loại dịch vụ có tính trách nhiệm xã hội cao. Cần có chính sách thúc đẩy hỗ trợ và giám sát của Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Kim Hạnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này