15:44 - 31/07/2017
Hàng Việt vào thị trường ASEAN: chuyện của Thiên Long và Qui Phúc
Không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất muốn thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN, nhưng chưa biết làm từ đâu. Những doanh nghiệp HVNCLC thành công khi thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN đã làm thế nào?
Chiến lược “gieo hạt giống” và “con bò sữa”
Trong một cuộc gặp mới đây với Hội DN HVNCLC, bàn về việc DNVN làm sao để vào thị trường ASEAN, đại diện công ty Thiên Long, anh Lê Nhật Quý Thiệu – Nhân viên phát triển thị trường đang làm tại Thái Lan cho biết: Trong khu vực ASEAN, Thiên Long làm thị trường theo 2 “mảng miếng” cách khác nhau.
Thứ nhất, làm thị trường theo kiểu “gieo hạt gống”, Thiên Long đi vào những thị trường mới nổi, như Campuchia, Myanmar, đầu tư vào khi thị trường chưa phát triển để lấy thị phần, danh tiếng.
Thứ hai, đối với thị trường kiểu như “con bò sữa”, đây là những thị trường có dân số đông, mức tiêu dùng tương đối như Philippines, Thái Lan.
Trong ASEAN, còn một dạng thị trường nữa có phân khúc khá cao là Malaysia, Singapore. Tại hai quốc gia này, Thiên Long đã vào được, đó là sự khẳng định thương hiệu Thiên Long so với khu vực ASEAN.
“Thị trường hiện nay chúng tôi đang muốn phát triển và đã có những bước đi cơ bản là thị trường Indonesia, đây là thị trường tiềm năng và dân số đông nhất trong khu vực”, anh Lê Nhật Quý Thiệu cho hay.
Vào thị trường Thái Lan có khó?
Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các thị trường khu vực, nhất là tại Thái Lan, anh Lê Nhật Quý Thiệu chia sẻ thêm, Thái Lan là một thị trường rất cạnh tranh nhưng không phải là thị trường khó thâm nhập, mà ngược lại rất dễ vào.
“Vì người tiêu dùng Thái Lan, với bất kỳ sản phẩm nào cũng dễ thay đổi hành vì, tâm lý tiêu dùng, chỉ cần thương hiệu đó đánh trúng vào tâm lý của họ”.
Theo anh Thiệu, điều này hoàn toàn trái ngược, bởi khi chưa qua Thái Lan Thiên Long nghĩ đây là thị trường rất khó, nhưng qua thực tế lại khá dễ bởi sự nhạy cảm của NTD Thái với những thứ mới.
Thiên Long chọn Bangkok là “điểm đến đầu tiên” vì đây là khu vực có mức chi tiêu cao nhất, từ đó làm bàn đạp “loang” ra khu vực Central, khu vực đông Bắc, khu miền Nam.
“Tôi nghĩ không riêng Thiên Long, những DN Việt khác muốn vào cũng nên đi theo hướng đó”, anh Thiệu nhận xét.
“Nhất là khu vực miền Nam, nếu DN Việt có sản phẩm có giá trị cao sẽ dễ phát triển vì đây là khu phát triển du lịch tốt nhất Thái Lan.
“Còn doanh nghiệp có sản phẩm phân khúc thấp thì nên phát triển ở khu vực Đông Bắc, vì đây là khu vực đông dân, lại giáp Lào, Campuchia và Việt Nam nên tiềm năng là không ít.
“Tôi khuyên các DN, ngoài thị trường Philippines ra nói tiếng Anh, còn những thị trường khác, nên học nói ngôn ngữ bản địa của nước đó.
Năm 2016, Công ty đã đạt tăng trưởng tại Philippines là 122%, trong khi ở thị trường Myanmar là 49%. Ở những thị trường truyền thống như Campuchia, Lào tăng trưởng năm 2016 lần lượt đạt 34% và 50%…”
Còn với doanh nghiệp Qui Phúc, họ coi Myanmar được coi là “mảnh đất vàng” của ASEAN, theo ông Nguyễn Tấn Thọ, Giám đốc xuất nhập khẩu Qui Phúc cho rằng, người dân Myanmar rất thích các sản phẩm của Việt Nam, vì mới mở cửa, hàng hóa sản xuất trong nước còn rất ít, do vậy người dân rất mong muốn các sản phẩm có chất lượng nhập khẩu vào. Đây là cơ hội để hàng Qui Phúc xâm nhập thị trường.
Cũng theo ông Thọ, sau khi đã vào Campuchia, Myanmar, và hiện nay đang đi tiếp ở Thái Lan, Maylaysia và họ cũng đã bán được sản phẩm.
Tới đây, Thiên Long, Qui Phúc và 8 DN HVNCLC sẽ tham dự Hội chợ Quốc tế ASEAN – ẤN ĐỘ tại Thái Lan từ ngày 2 – 5/8/2017.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia khuyên doanh nghiệp, khi đi Hội chợ ASEAN – Ấn Độ từ ngày 2 – 5/8/2017 tại Thái Lan hãy tham gia những network, để nghe và hiểu, hãy kết bạn với dân làm quảng cáo, làm thị trường, làm media để có thông tin thị trường. Nhất là hãy tìm thông tin từ những người làm ở những ngành của các nước đi làm hội chợ đểlấy được nhiều thông tin và ít tốn kém chi phí hơn.
Trần Quỳnh
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này