10:08 - 27/07/2017
Hàng Việt trong nỗi ám ảnh ‘đồ châu Á’: đánh đồng gà với cuốc
“Người tiêu dùng châu Âu không liên tưởng tới các giá trị tích cực về sản phẩm của Việt Nam, vì bị nhầm lẫn với sản phẩm của Trung Quốc. Đó là mối nguy lớn”, ông Claudio Dordi, tư vấn trưởng dư án EU-MUTRAP, nói rằng, “Cần có các tiêu chuẩn mới, cách làm mới”.
Thực ra, theo ông Claudio, người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần để có được sản phẩm tốt, thân thiện môi trường. Đặc biệt, ngày nay người tiêu dùng EU cực kỳ quan tâm tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
EU là khu vực nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản từ nhiều nước khác nhau, đặc biệt là hàng thuỷ sản, nhưng cũng đã từ chối nhiều lô hàng không đạt tiêu chuẩn. Hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU chỉ chiếm tỷ trọng 1,8%, đa số là hàng thô, có giá trị thấp, phần lớn là càphê, chè, thuỷ hải sản, trái cây… nếu muốn có tỷ trọng lớn hơn, phải làm sao?
Thành kiến về hàng châu Á
“Có hai vấn đế cần suy nghĩ: thứ nhất, người tiêu dùng chưa nhận biết được sản phẩm của Việt Nam; thứ hai, họ có thái độ xấu đối với các sản phẩm đến từ châu Á, do ảnh hưởng vạ lây từ hàng kém chất lượng của Trung Quốc”, ông Claudio Dordi, lưu ý hai vấn đề khi đưa hàng vào thị trường châu Âu.
Có tới 99% càphê người châu Âu đang dùng đến từ Việt Nam, nhưng khi hỏi Việt Nam thì không ai biết, họ nói đó là từ châu Phi xuất qua. Hải sản, thuỷ sản cũng tương tự như vậy. Ông Claudio Dordi cảnh báo: “Nếu không có sự tương tác với người tiêu dùng thì đó là trục trặc lớn”.
Ông Đỗ Kim Lang, phó cục trưởng cục Xúc tiến thương mại, thừa nhận tại diễn đàn Chính sách thương mại do bộ Công thương, phối hợp với trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại tổ chức tại Cần Thơ, hôm 20/7: hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua gặp nhiều trở ngại, do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Chính phủ Thuỵ Sĩ đã tài trợ gần 3,9 triệu USD giúp Việt Nam “Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, trong đó có quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm – tiêu chuẩn riêng trong hoạt động xuất khẩu.
Chị Nguyễn Thị Lắm, bộ phận kỹ thuật, công ty cổ phần chế biến thực thực phẩm sông Hậu, công ty đang xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Trung Đông, châu Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc), nói: đặc biệt, thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Hiện nay thị trường chưa thấy có thay đổi gì nhiều. Vì vậy chiến lược của công ty cũng không có gì thay đổi. Máy móc vẫn sử dụng như cũ và chưa có định hướng thay đổi. Công ty cũng gặp một số khó khăn về nguồn nguyên liệu (cá tra), nhưng đây là tình trạng chung của cả vùng do giá xuống thấp, một số hộ bỏ nuôi hoặc treo ao.
Khác với cách mua bán với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào những chứng nhận và yên tâm đưa hàng vào các thị trường EU, Nhật, Mỹ. Nhưng để vào thị trường Mỹ, các sản phẩm trải qua nhiều tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật, trong đó, quy định an toàn thực phẩm và “phân tích mối nguy” trong việc xuất – nhập khẩu, khi Mỹ thực hiện đạo luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm. Nhật, Hàn Quốc, Úc cũng đã yêu cầu kiểm dịch chặt chẽ nông thuỷ sản nhập khẩu vào thị trường. Có quá nhiều thay đổi từ các nước nhập khẩu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cập nhật được. Dễ hiểu về tình trạng “vũ như cẫn” và thỉnh thoảng lại giật thót người khi hàng bị từ chối, trả về, hoặc bị triệu hồi tới các cơ quan thực thi luật, liên quan tới chất lượng thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Chọn lối dễ đi: Trung Quốc
Không ít doanh nghiệp Việt làm ăn nở nồi, nói “đang làm hàng cho Trung Quốc”, dù biết bạn hàng Trung Quốc “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Nhưng với cách mua bán ào ạt, thiên biến vạn hoá đến lúc hình ảnh không chỉ hoen ố, mà còn bị đánh đồng hàng quá xấu của Trung Quốc, nhầm lẫn tai hại này xuất phát từ nhận thức của chính mình.
Anh Đinh Công Minh Thông, cơ sở chế biến Đinh Gia Phát, đang chuẩn bị lên công ty, chịu khó theo dõi tình hình, nắm thông tin về tiêu chuẩn an toàn, cho rằng cái khó là làm sao biết mọi thứ đang thay đổi và phải biết làm gì, như thế nào! Ví dụ công ty tìm thông tin để nhập thiết bị chế biến không cần dầu, nhưng hoạt động tiếp thị địa phương mù tịt thông tin này. Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần hỗ trợ về thị trường. Vì muốn làm hàng bán thì cần biết công nghệ, thiết bị, phân tích kinh tế, nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng, quản trị thay đổi, đào tạo, nâng cao năng lực cho người điều hành, cho nhân viên công ty…
Sự chồng chéo về các quy định kỹ thuật, quá trình giám sát và chi phí cao để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng các tiêu chuẩn của ta vẫn có khoảng cách xa với các nước phát triển và đang phát triển, khiến các nhà sản xuất nhỏ nao núng.
Ngọc Bích – Hà My
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này