
15:28 - 22/12/2016
Cuộc ‘ngoại xâm’ trên thị trường thịt
Trực tiếp đứng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế VN lần thứ 14 vừa diễn ra ở TPHCM để giới thiệu và cho người tiêu dùng dùng thử sản phẩm thịt bò cao cấp đến từ Indonesia, Phó Chủ tịch Công ty PT Santosa Agrindo (Indonesia) – ông Safuan Kasno Soewondo cùng sản phẩm của mình đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Việt.
Doanh nghiệp ngoại hào hứng
Theo ông Safuan, VN và Indonesia hiện đang là hai quốc gia lớn trong việc nhập khẩu thịt bò từ Úc. Tuy nhiên, Indonesia có thế mạnh đất đai rộng rãi, có thể phát triển ngành nuôi bò thịt, nhất là thịt bò cao cấp với giống bò wagyu có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Ông Safuan nhấn mạnh “VN là thị trường đầu tiên mà chúng tôi nhắm đến khi có ý định xuất khẩu thịt bò ra nước ngoài nhờ giá cả cạnh tranh so với thịt bò wagyu nuôi tại VN”.
Điều đáng nói, mặc dù, mức thuế đang áp dụng cho thịt bò đông lạnh nhập từ EU và Mỹ ở mức khá cao với 14 – 30% nhưng sản phẩm thịt bò từ các thị trường này vẫn được nhập về và bán khá nhiều tại thị trường VN. Do đó, nếu thuế giảm về 0%, chắc chắn sẽ tăng lượng nhập khẩu thịt từ các quốc gia châu Âu vào VN.
Được biết, trong số 158 DN Pháp được cấp phép bán thực phẩm vào VN cho đến thời điểm này, có đến 1/3 DN có nhà máy giết mổ. Danh sách này còn có Tây Ban Nha, Bỉ, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha với hàng trăm nhà máy có sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán thịt bò vào VN.
Có mặt trong chuyến khảo sát tại Hội chợ, bà Sandrine Guillaume – Đại diện Tập đoàn giết mổ Véviba, Vương quốc Bỉ cho biết, tập đoàn này có 3 nhà máy giết mổ, công suất 400 tấn thành phẩm thịt bò mỗi ngày, cung cấp cho hầu hết các siêu thị lớn ở Bỉ, Luxambourg. Ngoài ra, Véviba còn xuất khẩu thịt bò sang Hy Lạp, các quốc gia Trung Đông. Tuy chưa xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, nhưng từ năm 2015, Véviba đã cho người sang tìm hiểu thị trường.
Bà Sandrine Guillaume khẳng định, tập đoàn này có thể xuất khẩu bắp bò và dạ dày bò dưới dạng tảng lớn từ 10-20kg, sau đó về VN sẽ phân tiếp thành miếng nhỏ cho phù hợp với thị hiếu người VN. Bà nhấn mạnh, người VN đang quan tâm đến thực phẩm sạch.
Véviba sản xuất thịt theo quy trình quản lý chất lượng, theo dõi được con bê mới chào đời đến lúc xuất chuồng. “Đây là yếu tố chúng tôi tự tin thâm nhập thị trường VN”- bà Sandrine Guillaume khẳng định.
Doanh nghiệp nội ngậm ngùi
Khi nhà đầu tư nước ngoài xem VN là điểm đến hấp dẫn nhất thì ngành chăn nuôi của VN trong suốt một năm qua lại phải vật lộn với không ít khó khăn.
Là một DN chuyên nhập khẩu thịt bò, ông Đoàn Ngọc Thơ – Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ THO cho rằng, ngành chăn nuôi của chúng ta đang quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% cơ cấu giá thành phẩm. Mặt khác, công nghệ chăn nuôi lại quá lạc hậu, năng suất lao động thấp.
Ông Thơ ví dụ với thịt bò, trung bình mỗi gia đình ở Úc có thể nuôi tới hàng trăm con bò cùng lúc, chi phí rẻ hơn rất nhiều cách nuôi ở VN. Bởi lẽ, họ có một quy trình nuôi tự động hóa, được lập sẵn.
Nói về năng lực của DN Việt trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Thơ khẳng định, sự lạc hậu của ngành chăn nuôi VN không phải do các DN thiếu đầu tư công nghệ hiện đại, mà ở cách nghĩ và cách làm. Chỉ một minh chứng đơn giản, tại châu Âu, họ thường xây trần chuồng trại cao để có thể đưa xe tải vào trong, đưa chất thải đi mỗi khi vật nuôi được xuất chuồng hoặc dọn chuồng. Như vậy sẽ tiết giảm sức lao động cho người chăn nuôi.
“Tại Hà Lan và Bỉ, chỉ cần hai nhân công nhưng họ có thể quản lý một trang trại rộng với năng suất lao động bằng 30 công nhân của VN” – ông Thơ dẫn chứng.
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này