11:47 - 11/06/2016
Chiết khấu bán lẻ đang quá cao
LS Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, chiết khấu trong bán lẻ đang quá cao khiến DN Việt khó lòng cạnh tranh và tồn tại.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp VN, các nhà cung cấp, muốn hàng hóa vào siêu thị, ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như: Phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số…
Tổng các loại chiết khấu từ 20 đến hơn 30% giá bán.
Đó là chưa kể, khi các kênh phân phối thực hiện chương trình khuyến mãi, hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ kinh phí khuyến mãi bằng việc giảm giá bán từ 15%- 30%, thời gian 10- 30 ngày và mỗi năm cũng từ 1- 3 lần.
Ngoài ra, nhiều loại phí còn được tăng định kỳ hoặc bất thường. Chẳng hạn, chiết khấu thương mại, hàng năm nhiều hệ thống siêu thị đều tăng từ 1- 3%.
Chậm thanh toán cũng là một rào cản vào siêu thị, thông thường từ 40- 60 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày. Nhiều DN cho biết đưa hàng vào siêu thị là không có lãi, thậm chí lỗ nhưng vẫn phải cố gắng đưa vào khẳng định thương hiệu.
Ngoài chiết khấu, các nhà cung cấp phải bỏ ra nhiều khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị. Muốn mở mã hàng trong hệ thống siêu thị, ngoài khoản phí theo quy định của hệ thống siêu thị, DN phải lót tay 10- 20 triệu đồng/mã hàng cho riêng nhân viên bộ phận này.
Các công đoạn tiếp theo cũng phải lót tay cho bộ phận hoặc cá nhân phụ trách trực tiếp như đặt hàng, đưa hàng lên quầy kệ…
Ngay cả nhân viên nhập hàng cũng phải lót tay nếu không muốn đường đi của hàng hóa tới tay người tiêu dùng gặp trắc trở. Nếu không lót tay cho nhân viên quầy kệ thì hàng bị nhét trong góc, không thể bán được.
Việc các siêu thị gia công và bán các sản phẩm mang tên nhãn hàng riêng với giá rất cạnh tranh khiến các DN chỉ còn gia công và phát triển theo yêu cầu của siêu thị mà thôi. DN khó định hướng phát triển cho mình.
Hiện Nhà nước đang thiếu một chính sách về thị trường bán lẻ.
VN đã có nhận thức về việc cần bảo hộ DN bán lẻ trong nước qua việc xây dựng lộ trình trong các cuộc đàm phán FTAs, có chủ trương, nhưng chiến lược và chính sách thì chưa có. Nhà nước cần sớm ban hành một số chính sách đối với thị trường bán lẻ.
Đặc biệt chúng ta còn thời gian hiệu lực và lộ trình thực hiện các FTAs và TPP; Bộ Công thương và các địa phương cần phải quy hoạch lại việc phát triển thị trường bán lẻ, qua đó áp dụng các quy tắc ENT để ưu tiên bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước…
Đối với các DN sản xuất trong nước cũng cần đánh giá lại sản phẩm của mình, thay đổi tư duy quản trị, tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật…
Đặc biệt, vấn đề mấu chốt cần phải thực hiện là tăng cường tính kết nối giữa các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa.
Hai phía đều chung mục tiêu là phục vụ người tiêu dùng, nếu DN bán hàng có lợi nhuận thì siêu thị cũng sẽ lời nhiều. Việc liên kết của DN cùng ngành hàng cũng tạo ra áp lực lại với các nhà phân phối nước ngoài.
LS Phạm Ngọc Hưng
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này