17:32 - 15/12/2017
Các chuỗi bán lẻ vẫn đặt cược vào cửa hàng truyền thống
Trong bối cảnh nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ lâm vào cảnh phá sản do lượng khách ngày một teo tóp trước sự trỗi dậy của thương mại điện tử, các “ông lớn” bán lẻ giảm giá như Target, Walmart tiếp tục mở thêm siêu thị đồng thời gia tăng sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Vào một buổi sáng tháng 10, ông Brian Cornell, Giám đốc điều hành của Target – tập đoàn bán lẻ sở hữu 1.800 siêu thị ở Mỹ, đứng giữa những cái giá treo những chiếc áo thun cao cấp và một quầy lạnh đầy ắp bánh sandwich gói sẵn tại một siêu thị ở Midtown Manhattan, thành phố New York.
“Đây thực sự là một biểu tượng của tương lai”, ông Cornell đang nói về một siêu thị mới của Target nằm gần quảng trường Herald ở thành phố New York. Đó là một trong 130 siêu thị diện tích nhỏ mà Target vừa khai trương hoặc nằm trong kế hoạch khai trương từ đây cho đến cuối năm 2019.
Nhiều siêu thị diện tích nhỏ ra đời
Các siêu thị mới nói trên là phiên bản thu gọn của đại siêu thị của Target, được phân bố chủ yếu ở các vùng ngoại ô. Chúng có diện tích chỉ bằng 1/3 so với đại siêu thị của Target và tọa lạc ở những khu dân cư đông đúc cũng như ở các khu trường đại học với danh mục hàng hóa được thiết kế phù hợp với nhu cầu của cộng đồng người dân địa phương. Một số siêu thị này sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt xâm nhập vào những khu dân cư mới ở đô thị, những nơi mà Target chưa bao giờ hiện diện trước đây. Chúng tôi đang đón chào những khách hàng mới và điều này có nghĩa là có thêm thị phần mới”, Cornell chia sẻ.
Chiến lược siêu thị thu nhỏ của Target gây sự chú ý giữa thời điểm khi mà mọi người dường như nghi ngờ về tính hợp thời của ngành bán lẻ ở cửa hàng thực tế. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon đang nắm giữ một phần ngân sách lớn hơn bao giờ hết trong ví tiền của người tiêu dùng, khiến lưu lượng khách hàng ghé các cửa hàng thực tế giảm đi rõ rệt.
“Thương mại điện tử gây sức ép lớn lên các cửa hàng truyền thống”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng ở công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, nói.
Các áp lực đó đã góp phần khiến hàng loạt công ty vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ phá sản trong thời gian gần đây bao gồm công ty đồ chơi Toys “R” Us, công ty bán lẻ giày dép Payless, công ty bán lẻ áo quần và đồ chơi trẻ em Gymboree và công ty bán lẻ đồ điện tử và thiết bị không dây Radio Shack. Hai chuỗi cửa hàng bách hóa khác là Sears và Macy’s cũng đóng cửa hàng trăm cửa hàng trên khắp nước Mỹ khi họ chứng kiến doanh thu liên tục sụt giảm.
Hồi tháng 10, Hudson’s Bay Company, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng Lord & Taylor chuyên bán hàng xa xỉ, đã bán cửa hàng quan trọng của công ty này nằm ở Đại lộ thứ 5 ở Manhattan cho WeWork, một công ty khởi nghiệp cho thuê không gian làm việc chung. Thương vụ này được nhìn nhận là một bằng chứng sống động nhất cho thấy sức hút của các chuỗi cửa hàng bách hóa đã sa sút đến mức nào.
Đẩy lùi tâm lý bi quan
Dù bức tranh ảm đạm đang bao trùm lên tương lai của ngành bán lẻ truyền thống, các cửa hàng trực tiếp vẫn sẽ nằm ở trung tâm của ngành bán lẻ trong một thời gian lâu nữa trong khi chúng đang thay đổi để đáp ứng các nhu cầu của thế hệ người mua sắm hiện đại.
Có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống đang cố gắng đẩy lùi tâm lý bi quan. Trong mùa hè vừa qua, công ty tư vấn dịch vụ khách hàng và bán lẻ IHL Group công bố một bản báo cáo, trong đó dự báo các nhà bán lẻ sẽ mở thêm nhiều cửa hàng mới với số lượng cao hơn những cửa hàng bị đóng cửa trong năm nay.
“Cách nhìn nhận rằng sự suy tàn của ngành bán lẻ truyền thống đang đến cùng với sự bành trướng của thương mại điện tử là không đúng đắn”, Greg Buzek, Chủ tịch của IHL Group, nói vào thời điểm công bố bản báo cáo hồi tháng 8.
Số lượng cửa hàng tăng trưởng một phần là nhờ các chuỗi bán lẻ giảm giá mở rộng mạng lưới như TJX, công ty mẹ của hai chuỗi cửa hàng bách hóa giảm giá T.J. Maxx và Marshalls. Thương mại điện tử có thể mang đến sự tiện lợi và thỏa mãn ngay lập tức nhưng người mua sắm vẫn sẵn sàng ghé vào một cửa hàng để săn những món hàng giảm giá.
Hồi tháng 8, TJX cho biết trong kế hoạch dài hạn, công ty có thể nâng số cửa hàng trên toàn cầu lên con số 5.600 từ mức 4.050 cửa hàng hiện nay. “Chúng tôi tiếp tục xem việc khai trương các cửa hàng mới là khoản đầu tư hấp dẫn và là một phương án sử dụng nguồn vốn thực sự có hiệu quả”, ông Ernie Herrman, Giám đốc điều hành TJX, nói với các nhà đầu tư trong một cuộc họp trực tuyến từ xa.
Trong khi các công ty bán hàng giảm giá như TJX đang sống khỏe thì nhiều nhà bán lẻ khác đang đối mặt với một bài toán hóc búa. Họ đang đổ nhiều tiền cho mảng bán lẻ trực tuyến để cải thiện doanh thu. Song điều này cũng có thể khiến các cửa hàng truyền thống của họ càng kém sức hút đối với người mua sắm do chúng không được đầu tư.
“Sự thách thức lớn nhất là bằng cách nào bạn thuyết phục được người tiêu dùng đến mua sắm ở cửa hàng truyền thống nếu họ thấy không cần phải đến”, Melina Cordero, Giám đốc mảng nghiên cứu bán lẻ ở khu vực châu Mỹ của công ty môi giới và tư vấn bất động sản CBRE, nói.
Nhiều nhà phân tích và nhà lãnh đạo ngành bán lẻ nói rằng việc Amazon mua chuỗi cửa hàng thực phẩm tự nhiên Whole Foods sở hữu hơn 460 cửa hàng đã chứng thực cho tầm quan trọng của các cửa hàng thực tế.
Tuy vậy, thương mại điện tử vẫn đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, vượt xa tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành bán lẻ nói chung. Trừ khi tốc độ tăng trưởng đó yếu đi, giới phân tích và các nhà kinh tế vẫn nghi ngờ về khả năng trụ vững của nhiều cửa hàng bán lẻ từ các khu mua sắm lớn ở ngoại ô cho đến các cửa hiệu nhỏ sang trọng.
Mang không khí lễ hội vào siêu thị
Walmart, tập đoàn bán lẻ giảm giá lớn nhất nước Mỹ, đã giảm tốc độ mở rộng mạng lưới mặc dù vẫn tiếp tục mở các siêu thị mới, đặc biệt là các siêu thị có diện tích nhỏ. Walmart cũng đang sử dụng hệ thống siêu thị rộng lớn, được phân bố gần như ở mọi ngóc ngách trên nước Mỹ, để hỗ trợ mảng bán lẻ trực tuyến. Walmart giảm giá một số mặt hàng cho khách mua sắm nếu họ đặt mua trên trang web của công ty và đến nhận chúng ở các siêu thị. Walmart cũng đã chuyển hàng ngàn nhân viên thành “những trợ lý mua sắm”, những người thu gom thực phẩm mà khách hàng đặt mua trực tuyến rồi sau đó giao cho họ tại điểm nhận hàng ở mỗi siêu thị.
Song song với việc mở rộng danh mục hàng hóa giảm giá trên các nền tảng trực tuyến, Walmart cũng cố gắng tạo ra nhiều hoạt động gây sức hút hơn cho các siêu thị vốn bị khách hàng phàn nàn trong những năm gần đây rằng chúng quá rộng và chẳng có nét gì hấp dẫn để vào mua sắm.
Trong tháng 11, trong một sự nỗ lực lôi kéo khách hàng đi khỏi Amazon, Walmart đã tổ chức hàng ngàn “tiệc mua sắm mùa nghỉ lễ” ở bên trong 4.700 siêu thị của tập đoàn này, cho phép người tiêu dùng được kiểm tra và dùng thử 165.000 sản phẩm bao gồm những sản phẩm bán chạy nhất. Tại các tiệc mua sắm này, trẻ em có cơ hội chụp hình selfie với ông già Noel và chơi những món đồ chơi hấp dẫn nhất, trong khi đó, những nhân viên của Walmart đội mũ có sừng tuần lộc sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trong các hoạt động mua sắm. Mục đích của Walmart là tăng sự trải nghiệm mua sắm của khách hàng đồng thời níu chân họ lâu hơn. Walmart sẽ tổ chức hàng ngàn tiệc mua sắm như vậy nữa trong tháng 12 này.
Các nhà bán lẻ như Walmart hy vọng họ có thể xây dựng được mô hình kinh doanh mang lại lợi nhuận cao hơn bằng cách tích hợp hai mô hình bán lẻ trực tuyến và bán lẻ trực tiếp ở cửa hàng, một chiến lược được gọi là bán lẻ đa kênh. Các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon phải đối mặt với chi phí vận chuyển hàng hóa cao, đặc biệt khi họ cam kết giao hàng miễn phí trong vòng hai ngày, thậm chí một ngày. Họ cũng phải gánh chi phí xử lý những món hàng hoàn trả của khách hàng.
Về phần mình, Target đang đặt cược rằng các cửa hàng thực tế của tập đoàn này sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay. “Các cửa hàng truyền thống là sức mạnh cốt lõi của chúng tôi”, vị giám đốc điều hành của hãng nhấn mạnh.
Hồi đầu năm nay, Target tuyên bố chi 7 tỷ đôla Mỹ để cải thiện mảng bán lẻ trực tuyến và cải tạo những siêu thị cũ. Đến nay, Target đã cải tạo được 110 siêu thị và đang lên kế hoạch nâng cấp 250 siêu thị nữa trong năm sau. Cornell cho biết doanh số ở mỗi cửa hàng được cải tạo đã tăng thêm 4%. Target cũng đang dựa vào hệ thống cửa hàng truyền thống để hoàn thiện khoảng 50% số đơn đặt trực tuyến của khách hàng.
Tập đoàn này gần đây cho biết đang nâng mức lương cho nhân viên lên 11 đôla Mỹ mỗi giờ và sẽ tiếp tục nâng lên 15 đôla/giờ vào năm 2020 như là một phần của kế hoạch khích lệ nhân viên phục vụ khách hàng tốt hơn.
Theo TBKTSG/NYT/USA Today
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này