09:38 - 19/07/2017
Cửa hàng tạp hoá vẫn đang chiến thắng trong cuộc tỉ thí ác liệt
Sự có mặt của 7-11 rình rang tháng 6 vừa rồi, khiến cho không ít người dự đoán sẽ có đợt bùng nổ thứ 2 về số lượng cửa hàng thuộc kênh bán hàng hiện đại (đợt thứ nhất vào khoảng năm 2007 – 2010), được cho là sẽ làm thay đổi căn bản bộ mặt thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thậm chí có một số ý kiến nói rằng việc phát triển mạnh mẽ của hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng như một số mô hình nhỏ lẻ chuỗi khác, sẽ là hồi cáo chung cho tương lai của các cửa hàng tạp hoá truyền thống. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích sâu các số liệu và bằng chứng thực tế, để thấy cửa hàng tạp hoá đang phát triển ra sao trong “cơn lốc” này.
Thị trường Việt Nam phát triển rất đặc thù
Vào khoảng năm 2005, hầu như tất cả các công ty nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế đều thống nhất ở dự báo, cho rằng Việt Nam sẽ có sự phát triển bùng nổ của thị trường bán lẻ hiện đại (MT), đến năm 2015 – 2020 kênh MT sẽ cán mốc 50%. Con số “ấn tượng” khi ấy nhận được sự tán đồng của hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường. Kết quả tất yếu là cộng đồng doanh nghiệp (mà mạnh mẽ nhất là khối tiêu dùng nhanh FMCG) đều lên chiến lược phân phối và nguồn lực đầu tư để đón đầu.
Kết quả 3 – 5 năm sau đó, chứng kiến dòng đầu tư mạnh mẽ của các nhà bán lẻ về số lượng siêu thị mở mới, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà cung cấp với hy vọng mình không thua thiệt. Mãi về sau, khi đánh giá lại, thì đây chính là thời kỳ phát triển bong bóng của kênh MT với tốc độ luôn ở mức 2 con số, cá biệt không ít năm trên 20%.
Sau mười năm, nhìn lại mới thấy những dự báo trước đây đã không đúng, thậm chí đến năm 2020, tỷ lệ đóng góp của kênh hiện đại cũng khó lòng đạt nổi 25%, quá xa so với con số 50%.
Bên cạnh việc “đổ thừa” cho nguyên nhân là dự báo mười năm trước hầu như mô phỏng chủ quan theo quy trình phát triển tại các nước châu Âu, hoặc gần hơn là Thái Lan, Malaysia… để quy kết cho Việt Nam, thì người ta phải công nhận rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam có những nét rất đặc thù, không giống bất kỳ quốc gia nào, trong đó phải kể đến sức sống bền bỉ và khả năng thích nghi, phục vụ người tiêu dùng rất tốt của kênh bán hàng truyền thống.
Con số ấn tượng nhất phải nói đến là trong năm năm, từ 2010 – 2015, thị phần kênh bán lẻ truyền thống rơi vào tay kênh hiện đại chỉ khoảng 3%. Riêng nhóm các cửa hàng bách hoá (hiểu nôm na là các cửa hàng lớn, tổ chức tốt, trên các tuyến đường hoặc ven chợ) có sự bứt phá, có ba năm liên tiếp tăng trưởng trên 10%, cao hơn mức bình quân chung của toàn ngành.
Trái ngược với nhận định của nhiều năm trước, kênh truyền thống vẫn đang sống ổn, nếu tính trên doanh thu toàn ngành thì vẫn tăng, cho dù thị phần có giảm vài phần trăm.
Sống tốt vì phục vụ tốt người mua
Để lý giải vì sao kênh truyền thống không bị “chết” khi MT phát triển có thể kể ra rất nhiều nguyên nhân, kể cả việc phát triển bong bóng, thiếu bền vững của kênh MT. Tuy nhiên, chính xác nhất thì nên đánh giá xem sự chuyển biến của nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, và khả năng kênh truyền thống thích nghi và phục vụ nhu cầu này ra sao. Chắc chắn phải làm tốt thì mới sống tốt.
Trong các nghiên cứu về hành vi người mua hàng, khi được hỏi lý do chọn kênh mua sắm, nghiên cứu năm năm liên tiếp, từ 2010 – 2015, của các công ty nghiên cứu thị trường, cũng như các doanh nghiệp FMCG lớn đều đưa ra năm lý do giống nhau khi khảo sát ý kiến người tiêu dùng:
– Sự tiện lợi khi mua sắm;
– Gần nhà hoặc trên đường đi về;
– Cửa hàng ngăn nắp gọn gàng;
– Sự ân cần thân thiện của nhân viên/chủ cửa hiệu; và
– Sản phẩm chất lượng.
Qua mỗi năm thứ tự (đồng nghĩa với mức độ quan trọng) có thể thay đổ,i nhưng đây vẫn thường là năm lý do chính. Rõ ràng cửa hàng tạp hoá có lợi thế để khiến những người trước kia tạm rời bỏ họ để “tiêu thời gian” tại các kênh bán hàng khác như siêu thị/đại siêu thị, sẽ quay trở lại. Thậm chí trong 2015 – 2016, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng kênh truyền thống còn lôi kéo khách hàng trung thành của kênh hiện đại về phía mình. Lý do “gần nhà hoặc trên đường về” và “sự ân cần của nhân viên/chủ cửa hiệu”, khỏi phải nói cũng biết là lợi thế truyền thống của cửa hàng tạp hoá. “Sự tiện lợi khi mua sắm”và “cửa hàng ngăn nắp” gọn gàng đúng là trước đây thuộc lợi thế của MT, nhưng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của mô hình bách hoá thì cuộc chơi đã khác.
Bách hoá thực tế không phải là kênh mới, mà là sự nâng cấp có tính xu hướng của các cửa hàng tạp hoá có diện tích trung bình đến lớn, nằm trên các tuyến đường. Từ năm 2010, có thể không ngoa khi nói rằng có một “phong trào bách hoá” diễn ra âm thầm tại kênh truyền thống, tuy không ầm ĩ như sự có mặt của một nhà bán lẻ hiện đại nào đó, nhưng đủ để các công ty nghiên cứu thị trường, các doanh nghiệp FMCG ngay lập tức phân loại vào một kênh riêng và có các kế hoạch phục vụ chuyên biệt. Đến này sau năm năm, kênh này đã chiếm hơn 30%, con số rất lớn.
Phan Tường Anh
Theo TGTT
Kỳ sau: Phân tích bí quyết của đấu thủ cửa hàng tạp hoá lớn
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Thái Lan: ‘Đây là gạo sạch Việt Nam à?’
Bộ trưởng đề nghị làm rõ Uber, Grab ‘lỗ thật hay trốn thuế’
Nông thủy sản không đủ bán
Chuyến bay đầu tiên chở du khách Trung Quốc đến Đà Lạt
Pingti: Mặt trái của ‘công xưởng thế giới’
Tags:7-elevenbán lẻ hiện đạibán lẻ trực tuyếnbán lẻ truyền thốngcdblthitruongchuỗi bán lẻcửa hàng tạp hóathương mại điện tử
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này