
10:07 - 27/06/2018
Bộ Y tế ‘cản mũi’ doanh nghiệp thực phẩm
Không thể lấy khảo sát của một vùng mà bắt toàn dân dùng muối iốt, bắt tất cả doanh nghiệp thực phẩm phải dùng muối iốt trong thực phẩm, theo chuyên gia Vũ Thế Thành.

Bộ Y tế ‘cản mũi’ doanh nghiệp thực phẩm với quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt, và quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt, kẽm.
Từ giữa tháng 5, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 19-2018/NQ-CP (ngày 15/5/2018) về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh… Trong nghị quyết này, Chính phủ giao bộ Y tế “nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nghị định 09”, bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt, và quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt, kẽm.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm”, tại TP.HCM, ngày 25/6, cộng đồng doanh nghiệp bức xúc, đến nay bộ Y tế vẫn chưa có động thái sửa đổi, điều này gây không ít khó khăn cho sản xuất, kinh doanh…
Có iốt cũng như không
Ông Lâm Bá Nhĩ, giám đốc quản lý chất lượng công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho hay, quy định đưa muối iốt vào chế biến thực phẩm, khiến cho doanh nghiệp phải tốn chi phí thiết kế, thay đổi nhãn, với nội dung trong thành phần sản phẩm thay muối bằng muối có bổ sung iốt và thực hiện công bố sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là khi cho iốt vào sản phẩm thực phẩm chế biến bằng công nghệ xử lý nhiệt độ cao (tiệt trùng), doanh nghiệp lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả tồn dư iốt trên sản phẩm còn rất ít.
Đối với sản phẩm thuỷ sản, nước mắm, nước chấm; rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, sản phẩm từ ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm những loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; sản phẩm ăn ngay, ăn liền… khi sử dụng iốt sẽ làm biến mùi, vị, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Nhiều quốc gia nhập khẩu không yêu cầu
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, khi thực hiện quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (có hiệu lực từ ngày 28/1/2018), doanh nghiệp hội viên gặp khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, do các nước xuất khẩu bột mì không quy định phải bổ sung sắt, kẽm nên khi các doanh nghiệp nhập khẩu đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm, thì không được nhà cung cấp chấp nhận.
Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, làm gia tăng chi phí và giá thành sản phẩm. Hơn nữa, bột mì bổ sung sắt và kẽm khi chế biến ra thành phầm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. “Tại một số thị trường xuất khẩu, cũng từ chối sản phẩm có bổ sung iốt và sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm, nên gây ảnh hưởng đến doanh số, lợi nhuận của doanh nghiệp”, bà Chi nói.
ThS Vũ Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng, cho rằng thiếu hay thừa iốt đều bất lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, không thể lấy khảo sát của một vùng mà bắt toàn dân dùng muối iốt, bắt tất cả doanh nghiệp thực phẩm phải dùng muối iốt trong thực phẩm. Thay vào đó, chỉ cần bổ sung iốt ở những khu vực thiếu iốt trong thực phẩm, những người ăn nhiều thực phẩm chứa goitrogens (đậu nành, họ cải, v.v.), người không dùng muối iốt, phụ nữ có thai và cho con bú. Trong thực tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không bắt buộc sử dụng muối iốt trong chế biến công nghiệp thực phẩm. Doanh nghiệp nào dùng để chế biến đều phải kê khai trên nhãn mác.
Theo đại diện công ty ACECOOK Việt Nam, khi công ty tiến hành sản xuất các sản phẩm làm từ nguyên liệu bột mì có bổ sung sắt, kẽm, kết quả là bột mì bị nổi đốm, màu sắc thành phẩm không ổn định và bị biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng; quy trình đưa vào máy dò kim loại không áp dụng được. Đại diện ACECOOK Việt Nam cũng cho rằng, hầu hết các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật, Canada… đều không yêu cầu phải bổ sung vi chất sắt, kẽm; còn một số quốc gia thì chỉ cho phép bột mì bổ sung sắt mà không được bổ sung kẽm như Nhật Bản…
Để đối phó với quy định của bộ Y tế, hiện ACECOOK Việt Nam phải sản xuất bột mì “không bổ sung sắt, kẽm” cho thị trường xuất khẩu, và bột mì “có bổ sung sắt, kẽm” cho thị trường nội địa. Việc tách quy trình sản xuất đang làm tăng chi phí, giảm năng suất lao động, giảm năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nội địa, cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện nay doanh nghiệp thuộc VASEP đang làm hàng xuất khẩu, phải làm một thủ tục rất hành chính, thì phải thực hiện một văn bản kèm theo với nội dung không dùng muối iốt. Do đó, các quy định cần làm sao để vừa đáp ứng được quy định quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường và thông lệ quốc tế.
“Vì việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào trong chế biến thực phẩm liên quan đến nhiều vấn đề thủ tục hành chính, đăng ký nhãn mác, nghiên cứu sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm, công bố sản phẩm… của doanh nghiệp. Ngoài ra, có nghị quyết 19/2018 đã ban hành mà không thúc đẩy triển khai nhanh chóng và hiệu quả thì sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế”, ông Nam kiến nghị.
Mỹ Phương (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Vũ Thế Thành: Liệt giường vì nem hay vì cô bán nem?
Canada thu hồi sản phẩm thịt gà hiệu Rosemount nhiễm khuẩn Listeria
EU đã phát đi 690 cảnh báo liên quan Ethylene Oxide trong thực phẩm
‘Gà mái đẻ’ 40-50.000 đồng/kg ở vỉa hè là gà thải loại nhập từ Hàn Quốc?
Dựa vào đâu để phân biệt nước mắm truyền thống?
Tin khác


EC lập hồ sơ theo dõi dư lượng hoạt chất 2-chloroethanol trong bún, phở Việt Nam

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này