
15:17 - 21/09/2016
Tranh tài Hà Nội – Tây Bắc – Sông Hồng
Ngày 27, 28 tới đây, vòng thi sơ kết miền Bắc cuộc thi Chiếc thìa vàng 2016 mới diễn ra, nhưng không khí đã nóng lên từ nhiều ngày trước.
Các lời hẹn hò, rủ rê nhau của thành viên câu lạc bộ ẩm thực Chiếc thìa vàng xuất hiện dày đặc trong hộp thư email cũng như tin nhắn Facebook.
Nhiều đề nghị chuẩn bị các sản vật đặc trưng nơi con sông Hồng chảy qua cũng làm xôn xao cộng đồng bếp cả nước…
Dấu ấn Chiếc thìa vàng ở Sa Pa
Mọi người nói vui, có lẽ nhà hàng Bảo Châu Boutique Sa Pa ở thung lũng Mường Hoa dưới chân đỉnh Fansipan nên đổi tên thành nhà hàng… Chiếc thìa vàng. Lý do?
Vì ông chủ kiêm bếp trưởng Vũ Văn Sơn của Bảo Châu Boutique Sa Pa dành một không gian rất trang trọng để trưng bày toàn bộ những kỷ vật, hình ảnh, bằng khen… liên quan đến cuộc thi.
Bếp trưởng Sơn cũng luôn mặc áo bếp Chiếc thìa vàng trong tất cả các buổi dạy nấu ăn cho thực khách quốc tế kèm theo việc giới thiệu những “tuyệt chiêu” của món ăn Việt nhưng được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu.
Hình ảnh Sơn Chef với áo bếp Chiếc thìa vàng không những xuất hiện dày đặc trên Facebook, mà còn trên rất nhiều những website du lịch thế giới…
Chàng trai này, từng cạy cục ngày đêm ở vị trí phụ bếp để học nghề, học tiếng Anh, học quản lý bếp, học cách làm thực đơn… để từng bước một trưởng thành, chia sẻ bí quyết: “Người Việt có văn hoá ăn chung một mâm rất thú vị và ấm cúng.
“Nhưng vì vậy mà nhiều món rất khó để chia nhau ăn, cũng như khó chọn món theo kiểu mỗi người một ý thích. Đặc biệt là các món cá kho, cá nấu canh… tuy rất ngon nhưng lại gây nhiều thách thức cho khách quốc tế.
“Vì vậy, tôi cũng có nhiều sáng kiến cho việc này, nhưng thực sự chỉ khi va chạm ở cuộc thi Chiếc thìa vàng thì mới đưa thực đơn, cách nấu, cách hướng dẫn của mình lên một bước cao hơn.
“Không chỉ vì tham gia cuộc thi là phải học, phải đọc, phải thử nghiệm, phải điều chỉnh nhiều, mà theo dõi các đội bạn cùng thi cũng là những bài học lớn…”
Không chỉ là “đại diện tự nguyện” mỗi kỳ của Chiếc thìa vàng ở Sa Pa, Sơn cũng là đầu mối cung cấp các sản vật, gia vị vùng cao của núi rừng Tây Bắc cho hầu hết các anh em trong câu lạc bộ đầu bếp Chiếc thìa vàng.
Mọi người kháo nhau: Có ba thành viên nhiệt tình nhất của đầu cầu phía Bắc: Sơn từ Sa Pa, Công từ Hải Phòng và Quyết ở Hà Nội. Và lần này, dự kiến họ lại xung phong làm “chủ nhà” cho vòng tranh tài 2016.
Một “tam giác ẩm thực”
Những lần tranh tài trước đây ở phía Bắc luôn là các buổi thi rất hấp dẫn giới chuyên môn và người hâm mộ ẩm thực.
Hấp dẫn, vì cả ba khu vực: cao nguyên Bắc bộ, đồng bằng sông Hồng và Hà Nội đều có những lợi thế riêng và sắc màu đặc trưng của mình.
Nếu như các đội vùng Tây Bắc, Đông Bắc mang theo bao nhiêu là truyền thuyết của núi rừng, những báu vật mà tưởng chỉ có trong lần thách đấu của Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, thì đều ẩn hiện đâu đó trong những tìm tòi của những chàng bếp tài hoa và đam mê với công việc khám phá những “bí mật rừng xanh”.
Lá mắc mật, hạt dổi, mắc khén… đã bắt đầu có những chỗ đứng quan trọng trong tủ gia vị của người miền xuôi, sau ba năm liền tạo nên dấu ấn của hương vị đậm đà ở Chiếc thìa vàng. Liệu năm nay họ có giới thiệu loài gia vị mới nào trong hành trình tiếp tục vẽ bản đồ gia vị Việt Nam?
Một cạnh quan trọng khác của tam giác ẩm thực phía Bắc chính là đồng bằng sông Hồng. Vừa sở hữu con sông tưới tắm cho cả một đồng bằng châu thổ với nhiều đặc sản thảo thơm, lại vừa giàu có với vùng biển có độ mặn thấp nhất cả nước nên có quần thể hải sản ngọt lành…
Còn nhớ những mùa trước, con tôm hùm Hạ Long, con mực Quảng Ninh cùng với loại cốm non những ngày đầu thu luôn được ban giám khảo hết sức vừa ý.
Còn lại, ẩm thực Hà Nội luôn mang theo cái thanh lịch cố hữu của người Tràng An. Nói thêm bất cứ điều gì về ẩm thực Hà Nội luôn bị rớt vào một trong hai trạng thái: thừa thãi – vì những tiền nhân như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… đã dùng những câu văn đẹp nhất để nói đầy đủ về món ngon Hà Nội – nhưng có khi, nói mãi về ẩm thực Hà Nội lại cứ vẫn thiếu.
Đó là thiếu những ngõ nhỏ phố nhỏ với những quán ăn cũng nhỏ nhưng không ngừng đổi mới, không ngừng nâng cấp mình.
Xin kết lại bằng câu chuyện mà giám khảo chuyên môn Bùi Thị Sương chia sẻ về ẩm thực phía Bắc với tất cả hâm mộ: “Làm cái gì cũng rất tinh tế. Tôi sẽ không bao giờ quên sự chỉn chu đến mức cầu kỳ của những người phụ nữ Bắc khi luộc một con gà. Luộc gà là… dễ nhất, nhưng cũng là khó nhất. Và chỉ có người được “chân truyền” mới biết luộc con gà vừa vàng, vừa thơm, vừa chín tới mà vừa giữ được độ ngọt của thịt, độ giòn của da và độ… mê mẩn của người thưởng thức”.
Hẹn gặp lại tại Hà Nội, nhé.
Lịch và địa điểm vòng sơ kết miền Bắc
Thời gian: • Ngày 27.9: khu vực cao nguyên Bắc bộ, đồng bằng sông Hồng từ 7 – 18g • Ngày 28.9: khu vực Hà Nội từ 7 – 18g.
Địa điểm: cung Triển lãm kiến trúc, quy hoạch xây dựng quốc gia số 1 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Thông tin chi tiết truy cập trang web chính thức cuộc thi: http://www.chiecthiavang.com, fanpage chính thức cuộc thi https://www.facebook.com/chiecthiavang.
K.Chinh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này