
15:50 - 22/04/2018
Kampong Ayer, làng nổi độc đáo xứ Brunei
Giàu có, thu nhập bình quân đầu người cao hơn Mỹ, Úc, Thuỵ Sĩ… Brunei lại không thu hút du khách nhiều.
Kể cả người Việt, dù đã có máy bay giá rẻ bay đến, được miễn thị thực 14 ngày… Có thể nhiều lý do nhưng nổi bật hai ý chính. Giá cả đắt đỏ so với cả khu vực ASEAN và hầu như những gì quốc gia nhỏ bé này có, láng giềng hay lân cận cũng có. Mấy hôm tôi ghé thủ đô Bandar Seri Begawan (BSB) chừng 8 giờ đêm phố đã không một bóng người dù đường sá lung linh đèn đuốc.
Có mới vẫn không nới cũ
Nằm ven rừng mưa nhiệt đới già xưa nhất nhì trái đất của đảo Borneo lớn thứ 3 hành tinh, Brunei mới ra đời vào thế kỷ 14. Đất đai Brunei ngày đó rộng lớn, bao gồm cả vùng Sabah, Sarawak (Malaysia) bây giờ, kể cả quần đảo Sulu (Philippines) mà thời gian gần đây hay lên báo đài vì những vụ hải tặc tấn công hay lực lượng ly khai đòi trả, tách đất… Lúc người Việt còn miên man trong cuộc chiến giữ nước chống quân Minh, nhà hàng hải Magellan trong hành trình vòng quanh thế giới nổi tiếng, đã ghi chú việc ghé thăm quốc gia hàng hải hùng mạnh Brunei vào năm 1521.
Vật đổi sao dời. Hành trình về phương Đông tìm kiếm tài nguyên, xâm chiếm thuộc địa của người phương Tây… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quốc gia này. Đất đai bị chiếm, buộc ký hợp đồng sang nhượng… nên giờ chỉ còn một rẻo nhỏ so với ngày cũ. Nhưng vẫn không được người Anh buông ra mãi cho đến năm 1984 dù từ sau Thế chiến 2 phong trào đòi lại độc lập đã dậy khắp những miền thuộc địa cũ, trên cả hành tinh. Chỉ vì những mỏ dầu dồi dào được tìm thấy ở Brunei từ những năm 1930.
Từ khi độc lập, Brunei vẫn tiếp tục phát huy tiềm lực để giờ đây thành quốc gia thịnh vượng hàng đầu thế giới. Nhưng cái hay của xứ sở nhỏ bé này là vẫn giữ được những nét cũ của ngày xưa còn gian khó. Nếu ai từng viếng khu nghĩa trang hoàng tộc sẽ sửng sốt trước sự quá đơn sơ, giản dị những lăng mộ vua chúa, hay sẽ ngỡ ngàng trước nét mộc mạc đơn giản ở chợ phiên Tamu Kianggeh thủ đô BSB… Nhưng độc đáo nhất phải kể đến cụm làng nổi Kampong Ayer đã hơn 400 năm tuổi.
Mộc mạc duyên quê xưa bên vàng son lấp lánh
Dù còn tranh luận về giả thuyết đã ra đời 1.300 năm trước, vào năm 1521 học giả Antonio Pigafetta, đi cùng Magellan ghé đây đã ví von Kampong Ayer là “Venice phương Đông”. Khác các xóm vạn chài nhiều nước Đông Nam Á, không chỉ ngư dân mà cả khách thương hồ, thợ thủ công… cùng sinh sống trong làng nổi. Như một tiểu đô thị trên mặt nước, từ mấy trăm năm trước và đến giờ cũng vậy. 42 cụm làng, 30.000 nhân khẩu, tương đương 50% dân số thủ đô, Kampong Ayer không thay đổi mấy so với những ghi chép từ bốn thế kỷ trước.
Cái hay của Kampong Ayer là dù giờ đây giàu có người dân vẫn thích lưu lại chốn cũ đơn sơ nhà sàn gỗ ven sông, dù bên đất liền sừng sững cao ốc, khu mua sắm rộng lớn. Chỉ cách một con đường, băng qua đoạn cầu ngắn ngủn. Leo lên góc cao nhìn xuống xóm làng mộc mạc là thánh đường Sultan Omar Ali Saifuddin vàng son lấp lánh thường lên bưu ảnh, tem, lịch. Lội bộ đến góc cuối hướng bắc làng sẽ thấy bên kia dòng Batu là mái vàng lộng lẫy cung điện hoàng gia…
Trong đất liền thì vậy, nhưng ở làng nổi mộc mạc lắm. Lang thang những con đường lát ván, có cả mấy cây cầu khỉ… thấy chẳng khác mấy xóm chài xứ khác dù có khang trang sạch sẽ hơn. Cũng nhà sàn, có mấy căn thêm gác gỗ, gác lửng, hàng rào chủ yếu để ngăn các bé khỏi ra ngoài chơi rồi lọt nước nhiều hơn là bảo vệ, che chắn… Cư dân rất chăm chút đám cây lá hiếm hoi dập dềnh trên miền nổi nên hoa cỏ cứ bời bời. Đường lát ván vững chãi, đó đây những thuỷ đình thoáng đãng để cư dân nghỉ ngơi hay khách du ngó nghiêng hóng hớt.
Dân tình vui vẻ nhiệt thành lắm. Luôn kêu hú khách đơn độc ghé chơi và hỏi sao lại đi một mình vậy, có buồn cô lẻ… Được nghe kể khoe thành tích thi đấu, chuyện làng xóm, cả chuyện mấy chái nhà bị cháy cách đây mấy năm… Từ ngư dân hay thợ thủ công bận bịu cũng sẵn sàng sửa dáng mỗi khi khách nâng máy. Lũ con nít thì ôi thôi là ríu rít quấn quíu. Nên lang thang Kampong Ayer cứ ngỡ đang ở sông nước miền Tây mình. Quay đi, trở lại tới mấy bận. Đến ngày chia tay vẫn còn thắc mắc sao người làng nổi giàu có nhất nhì thế giới vẫn giữ được nhiều nét mộc mạc đơn sơ đẹp như ngày xưa vậy?
Đã có nhiều hãng hàng không giá rẻ bay đến BSB, thủ đô Brunei. Người Việt được miễn thị thực 14 ngày. Brunei nhỏ, phù hợp tham quan với thời gian nghỉ ngắn ngày. Giá dịch vụ hàng quán đắt đỏ, nhưng nếu ra chợ, hoặc các khu phức hợp ăn uống thì rất phải chăng và cùng khám phá, hoà vào cuộc sống người bản địa.
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này