15:54 - 23/06/2017
Tìm nơi vắng vẻ mướt xanh Sukau
Rất chắc chắn khi nói 99% người Việt không biết cái làng nhỏ xíu này. Tôi cũng vậy cho đến tra cứu thông tin về Borneo. “Nhảy dù” tới, mới hiểu tại sao báo đài thế giới nức lời khen cái xóm đìu hiu ẩn tít nơi thăm thẳm mịt mù.
Không ngoa lắm khi nói giờ người Việt đi làm, du lịch Malaysia như đi chợ. Nhưng phần lớn bên đất liền ít lò dò tới đảo Borneo, nói chi Sabah bên bờ đông xa ngái. Ngày trước muốn đến đó phải xin giấy phép dù đã có thị thực. Giờ bỏ rồi nhưng đường đất vẫn khó. Rất ngộ, Sabah lọt thỏm trong hai quốc gia Indonesia, Brunei. Thêm vụ biên giới kiểu răng lược nên đường bộ từ thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei đến thủ phủ Sabah phải qua lại biên giới hai nước mấy bận. Sách, web du lịch khuyên du khách hộ chiếu gần hết trang nên tránh đi xe vì sẽ không đủ chỗ đóng dấu thị thực. Nhưng đến rồi cứ muốn quay lại, thứ gì cũng có, biển, đảo, san hô, rừng, núi, sông suối, hang động… Ngay cái làng tí hin Sukau cũng đã lên bao nhiêu báo, đài.
Bên lề thiên đường
Sukau nằm ven Sungai Kinatabangan, mà theo Bình Nguyên Lộc, “sungai” của người Nam Đảo và “sông” của người Việt có cùng cội. Tiếng là dài thứ hai xứ Malaysia nhưng chỉ chừng 560km, Kinatabangan nổi tiếng không vì rộng dài mà vì môi trường con sông ngang qua, ôm ấp lấy. Núi đá vôi, rừng mưa nhiệt đới, rừng khô lá khộp, rừng ven sông, đầm lầy nước ngọt, hồ móng ngựa, rừng nước lợ… um sùm có hết. Nên động vật sống tựa vào sông cũng đa dạng. Các loại thú quý hiếm như voi, tê giác Sumatra, đười ươi lông đỏ, khỉ mũi vòi, chim mỏ sừng, cá sấu nước mặn… chia nhau sống. Có những loài chỉ riêng có ở Borneo.
Nói nào ngay, nạn phá rừng, ngành công nghiệp dầu cọ cũng đã lan tới. May thay từ năm 1997, rừng ven Kitanabangan được khoanh lại thành khu bảo tồn động vật hoang dã. Lũ động vật tinh khôn tìm chốn nương náu lánh về. Nhà nước mạnh tay với nạn săn bắn, cùng với sự tham gia hỗ trợ của nhiều tổ chức NGO… rừng và hệ sinh thái hồi sinh. Lạ thay, trung tâm của cả vùng là thị trấn Kinatabangan, với các văn phòng, ban bộ đầu não. Nhưng Sukau lại là nơi khách du tìm đến dù không nằm trong khu bảo tồn. Chỉ ven lề thôi. Bên này Kinatabangan nhìn sang bờ kia mới là rừng. Nhưng tiện, từ Sukau lênh đênh sông cái, theo mấy rạch lớn vô rừng… dễ gặp thú hoang tìm đến nguồn nước, để khách ngó nghiêng. Thế là đủ cho xứ bên lề lên ngôi.
Yêu đời quê hiền
Lên đời thành trung tâm du lịch của nhiều tour tuyến Kinatabangan, Sukau vẫn là làng nhỏ yên ả. Mỗi ngày chỉ một chuyến buýt đến đi, nên hôm tới ngã ba lộ trễ, tôi phải đi shared-taxi (trả tiền góp) đến chợ làng. Cuốc bộ thêm 45 phút đến cuối con lộ độc đạo viền sông, nơi có chừng mười khu nghỉ ngơi toàn nhà trệt, nhà sàn. Lơ thơ vậy mà Sukau ẵm về cả mớ giải thưởng du lịch sinh thái.
Đi một mình. Tìm tour ghép đi ké thuyền ngó thú không có. Bao trọn chuyến càng không mơ. Nên chỉ ngó rừng từ bên này sông. Dĩ nhiên chẳng con đười ươi, tê giác, voi rừng… nào bén mảng đến khúc sông có nguyên cái làng bên kia bờ cho mà ngó. Nhưng được tưởng thưởng đêm bừng bừng pháo bông thiên nhiên đom đóm dường như đã tiệt chủng ở mình. Thêm nhiều đám cò vạc dạn dĩ ven sông hay dìu dặt lúc chiều đi ngày tới. Lạ lẫm chim kêu vượn hú rồi tiếng mấy con gì đó chẳng biết ục oẳng lúc nửa đêm nhiều gió sông chập chờn… Khá mãn nhãn với lũ chim mỏ sừng, bói cá danh tiếng Borneo lượn lờ rồi đậu phịch chẳng nghi ngại có người ở dưới.
Yêu lắm làng quê xanh bời bời bình yên chỉ nhiều tiếng chim, tiếng gió, tiếng lá, tiếng sông… Đòng đưa ở lữ điếm ven sông Sukau Bed & Breakfast nghía rừng, ngó làng, ngắm lũ trâu đủng đỉnh với bầy cò trắng bè bạn bên đồng xanh. Lang thang xóm với lũ trẻ quê, dưới bóng cội già mướt mượt… với những hỏi han ấm áp, câu chào hiền làm cứ tưởng lạc về quê ngoại quê nội ngày cũ. Mai sáng lội bộ mấy vòng 45 phút đi về phiên chợ, mồ hôi bay nhanh theo nụ cười bẽn lẽn cô hàng quê, học trò nhỏ nở cùng khách.
Ham hố đến Sukau cũng vì hóng hớt chợ phiên thứ sáu. Sáng sớm lội tới ngỡ ngàng, rồi mới nhớ là chợ phiên làng chứ đâu phải huyện tổng. Càng thêm yêu sự mộc mạc, cũng như cuộc sống không khó để thấy còn khó nhọc người quê nhưng không vì thế mà dựng cáp treo, xây biệt thự, tượng đài… làm du lịch. Nên chỉ “đáp xuống” thời gian rất ngắn, những khi dạt chốn đô thị chát chao cứ nhớ hoài giây phút hạnh phúc miền bình yên Sukau.
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này