17:20 - 09/07/2019
Trung Quốc đối mặt nguy cơ xảy ra ‘một làn sóng vỡ nợ mới’
Các công ty Trung Quốc đang đối mặt với thử thách thực sự sau nhiều năm tăng nợ.
Chiến dịch giảm nợ mà chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi động vào năm 2016 để kiềm chế rủi ro trong thị trường tài chính đã dẫn đến sự đi xuống của thị trường cho vay phi chính thức – ngân hàng ngầm, với các quy định chặt chẽ về quản lý tài sản. Việc này khiến một số công ty khó khăn hơn trong việc huy động vốn để trả nợ hiện tại dẫn đến số vụ vỡ nợ trái phiếu kỷ lục trong năm 2018.
Đến nửa đầu năm 2019, tình hình có vẻ đang lắng xuống, khi chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiếu hụt thanh khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, rủi ro vỡ nợ lại đang cao lên, một phần do tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Vấn đề lớn đến mức nào?
Nguy cơ rất lớn, và hơn nữa ngày càng trầm trọng. Nửa đầu năm 2019, quy mô nợ trái phiếu quá hạn tại Trung Quốc là hơn 55 tỷ NDT (8 tỷ USD), trong đó có 20 công ty lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu. Con số cả năm 2018 là 122 tỷ NDT, một con số kỷ lục, gấp hơn 4 lần năm 2017. Các công ty tư nhân chiếm hơn 90% số vụ vỡ nợ năm ngoái, tình hình cũng tương tự trong nửa đầu năm nay.
Đó chủ yếu là cuộc khủng hoảng thanh khoản. Các nhà đầu tư và ngân hàng, vốn chuộng cho các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn vay, vẫn miễn cưỡng gia hạn tín dụng cho các công ty tư nhân nhỏ hơn. Trên hết, việc chính phủ Trung Quốc đột ngột tiếp quản ngân hàng Baoshang hồi cuối tháng 5, lần đầu tiên trong hai thập kỷ, đã khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Đồng thời, nền kinh tế được xem đã mất đà tăng trưởng, và như thế các công ty bị coi là yếu kém sẽ bị siết chặt vốn vay và áp lực trả nợ sẽ cao hơn.
Trong đợt cao điểm vỡ nợ trước đây các công ty vỡ nợ nhiều nhất thuộc những ngành dư thừa công suất như than hay thép, lần này quy mô ảnh hưởng có thể rộng hơn nhiều. Hãng dầu mỏ CEFC Shanghai International Group và hãng khai thác than Wintime Energy là những cái tên vỡ nợ lớn nhất năm 2018, theo số liệu của Bloomberg. Năm nay, tập đoàn đa ngành China Minsheng Investment Group đang chịu sức ép từ núi nợ lên tới 34 tỷ USD.
Cái giá phải trả
Các công ty Trung Quốc đã tích lũy nợ trong ít nhất một thập kỷ, từ thời ông Hồ Cẩm Đào, nhằm đối phó khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việc này đã giúp chống đỡ nền kinh tế Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng, nhưng cũng khiến họ phải trả giá. Tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP đã tăng lên mức kỷ lục 160% vào cuối năm 2017, từ mức 101% 10 năm trước đó. Đến năm 2016, ông Tập và các cộng sự đã cam kết kiềm chế nợ doanh nghiệp quá mức và hạn chế đòn bẩy trên thị trường tài chính, nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chỉ đạo về việc vay và quản lý tiền, với mục tiêu kiềm chế hệ thống ngân hàng ngầm quy mô tới 10.000 tỷ USD của nước này.
Năm 2016, giới chức Trung Quốc cam kết kiềm chế nợ doanh nghiệp quá mức và hạn chế đòn bẩy trên thị trường tài chính, nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chỉ thị về việc vay và quản lý tiền tệ, với mục tiêu kiềm chế hệ thống ngân hàng ngầm có quy mô tới 10.000 tỷ USD của nước này.
Đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền nới lỏng tay hơn đối với các khoản vay quá hạn thanh toán cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, khiến nhà đầu tư tiềm năng vào Trung Quốc đang phải đánh giá lại kế hoạch của họ. Mặt khác, họ cũng nghi ngờ chất lượng báo cáo tài chính của các công ty Trung Quốc. Kangde Xin Composite Material Group – một hãng sản xuất giấy phim nhựa ép tại Giang Tô (Trung Quốc) gần đây đã bị Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc phát hiện khai man 11,9 tỷ NDT lợi nhuận giai đoạn 2015 – 2018.
Trong khi dừng các gói cứu trợ ngắn hạn, thì từ tháng 7/2018, giới chức Trung Quốc đã bơm thêm thanh khoản vào thị trường tài chính, thông qua các biện pháp như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Nhà nước cũng đã bơm thêm tiền mặt cho các ngân hàng và yêu cầu tăng cho vay với các công ty nhỏ. Để giải quyết cú sốc thanh khoản sau vụ quốc hữu hóa ngân hàng, các nhà lãnh đạo lĩnh vực tài chính ngân hàng Trung Quốc đã thúc giục các nhà băng và công ty môi giới lớn hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành, vốn là những người mua nợ chính của doanh nghiệp. Thách thức đặt ra cho chính phủ Trung Quốc bây giờ là làm sao vừa giải quyết được vấn đề nợ quá hạn của các công ty dựa vào thị trường vừa không tái lập lại hình ảnh cũ về một hệ thống tái chính do nhà nước thống trị.
Theo quy trình hiện tại, các công ty gặp vấn đề sẽ có tối đa 9 tháng từ khi tòa chấp nhận đơn xin tái cấu trúc phá sản để nộp lên kế hoạch cải tổ được tất cả các bên đồng ý. Nếu không làm được, họ sẽ bị tuyên bố phá sản và tiến hành thanh lý. Trên thực tế, quá trình này có thể còn dài hơn.
Mối quan tâm hiện nay là sự tham gia sâu của chính phủ trong trường hợp tái cơ cấu lớn và sự miễn cưỡng của các ngân hàng theo đuổi các kế hoạch do tòa án giám sát vì họ không muốn chịu lỗ. Nhà đầu tư ngoại cũng bị hạn chế quyền thực thi với một số tài sản công, Pacific Investment Management Co cho biết.
Duy Khiêm (theo TGHN/Bloomberg)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này