09:49 - 23/11/2023
Hạn mức tín dụng: câu chuyện ‘xin – cho’ chưa thấy hồi kết
Tín dụng tăng trưởng ì ạch, nhưng bất ngờ cuối tháng 10 một số TCTD đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2023. Câu chuyện xin – cho hạn mức (room) tín dụng của các NH vẫn tiếp diễn và chưa thấy hồi kết.
Trên nghị trường, đại biểu Quốc hội nhắc lại lời hứa bỏ điều hành bằng room tín dụng, nhưng NHNN cho biết thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng.
Chỉ bỏ khi thị trường vốn hoàn thiện
Số liệu của NHNN cho biết, tính đến ngày 31/10 tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống TCTD là 14%, cho thấy tín dụng tăng rất chậm.
Thế nhưng, báo cáo tài chính quý 3 cho thấy bên cạnh các NH tăng tín dụng rất chậm, có những NH tăng tín dụng rất nhanh, hiện đang xin thêm room tín dụng. Cụ thể, VPBank tăng trưởng tín dụng 19%, Techcombank tăng 13,5%, NH mẹ MSB tăng 18%, MBBank tăng 16%, HDBank tăng 12%… so với đầu năm.
Câu chuyện xin – cho room tín dụng đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm gần đây, và diễn biến trên cho thấy điều này diễn ra kể cả lúc tín dụng tăng chậm. Đầu tháng 11, tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu, tại Nghị quyết 62 năm 2022, Quốc hội yêu cầu NHNN nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành room tín dụng và đề nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết lộ trình thực hiện như thế nào.
Thống đốc NHNN trả lời, room tín dụng là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, cùng với các công cụ chính sách khác và được điều hành bám sát với chỉ đạo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được NHNN đưa ra định hướng đầu năm, phân bổ room tín dụng dựa theo xếp hạng các TCTD, có tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính…
Về yêu cầu xóa bỏ room tín dụng, bà Hồng cho biết đã tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội và các ý kiến đều thống nhất ở thời điểm này chưa thể bỏ việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng. Bởi hiện nay nhu cầu vốn nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo của WB, nếu bỏ chỉ tiêu này có thể làm tỷ lệ này càng trở nên rủi ro.
Thống đốc NHNN cũng cho biết, chỉ có thể bỏ room tín dụng khi các phân khúc khác của thị trường vốn hoàn thiện. NHNN sẽ tiếp tục điều hành bằng cách này đến khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu, việc bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng sẽ khả thi hơn.
Việc duy trì công cụ room tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống NH, góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.
Công cụ hành chính có còn phù hợp?
Nhìn lại, việc áp room tín dụng được NHNN triển khai từ năm 2011, nhằm hạn chế tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn hệ thống. Quá trình áp dụng room tín dụng này đã có lợi trong điều hành chính sách tiền tệ, giúp tín dụng từ mức cao trở về mức tăng trưởng bình ổn 12-14% trong các năm gần đây. Nhưng dù áp room tín dụng dựa trên các tiêu chí rõ ràng về định lượng, định tính, quan trọng nhất là dựa trên kết quả xếp hạng các TCTD, đó vẫn chỉ là công cụ mang tính hành chính.
Trong khi đó, Quyết định 986/QĐ-TT ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển NH đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, nêu quan điểm NHNN can thiệp chủ yếu bằng các công cụ thị trường, chỉ can thiệp bằng công cụ hành chính trực tiếp trên thị trường tiền tệ và hoạt động NH khi phát sinh nguy cơ mất ổn định thị trường tiền tệ, đe dọa an toàn hệ thống và có khả năng đe dọa đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo tìm hiểu, trên thế giới ở những giai đoạn xảy ra các cuộc khủng hoảng, NHTW nhiều nước sử dụng room tín dụng tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó họ đã sớm gỡ bỏ hình thức này. Bởi bài học chung khi sử dụng room tín dụng hạn chế cho vay, các NH sẽ bơm vốn ra thông qua những khoản vay phi NH khác.
Những khoản đó lại khó kiểm soát hơn so với tín dụng. Một chuyên gia kinh tế nhận định, thay vì sử dụng công cụ hành chính như hiện nay, NHNN chỉ nên quản lý bằng trần tín dụng của toàn hệ thống trong 1 năm, như định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 14%.
NHNN cần bỏ việc phân bổ room tín dụng cho từng NH, để các NH cho vay tùy theo khả năng của mình và có biện pháp khuyến khích NH cho vay trong mức trần hoặc làm chậm lại quá trình cho vay của NH để đạt được chỉ tiêu trần tín dụng này.
Cụ thể, khi NHNN đưa ra trần tín dụng 14%, yêu cầu mỗi NH gửi kế hoạch cho năm tài khóa đó. Trong đó các NH phải cho NHNN biết sẽ tăng trưởng tín dụng bao nhiêu và sẽ thực hiện theo kế hoạch đó. Khi phê chuẩn, nhà điều hành cũng có thể quy định tỷ lệ cho vay đối với các lĩnh vực cho từng NH để điều chỉnh, nắn dòng vốn vào những lĩnh vực mục tiêu, tránh tăng trưởng nóng chỗ này lạnh chỗ kia.
Đó là cách để NH không phải chạy đi xin room tín dụng hàng năm. Với phương pháp đó, các NH cũng sẽ dần quen với việc lên kế hoạch và chủ động thực hiện kế hoạch, thay vì đụng room phải dừng lại chờ.
Hiện đã có hơn 20 NH áp dụng chuẩn Basel II theo Thông tư 41/TT-NHNN, tức phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%. Đồng thời, NHNN cũng quy định cụ thể hệ số rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực, vì CAR được tính bằng tỷ lệ giữa vốn tự có so với tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng.
Khi dỡ bỏ room tín dụng, NH nào muốn cho vay nhiều vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, phải tăng vốn tự có để đảm bảo hệ số CAR. Nếu không tăng được vốn, các NH có thể bị hạn chế nguồn lực cho vay.
Thế nhưng, đến nay NHNN chưa mạnh dạn bỏ trần tín dụng, dù vẫn đang xét duyệt room tín dụng cho từng NH dựa trên mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9…), mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội (miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các TCTD…).
Theo Bảo Trân/SGGP-ĐTTC
Có thể bạn quan tâm
Sắp chuyển 70 triệu thẻ ATM sang thẻ chip
Đề xuất khởi động lại Dự án Luật Thuế bất động sản
Tiền từ người dân và doanh nghiệp vẫn chảy đều vào ngân hàng
Chính sách tỷ giá mới, tích cực và ẩn số
Lãi suất tiền gửi đồng loạt tăng
Tags:hạn mức tín dụng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này