
18:52 - 04/06/2018
Nhiều tài xế GrabCar đang phải ôm cục nợ quá lớn
Nhiều tài xế GrabCar cho biết họ đang phải ôm cục nợ quá lớn vì thu nhập không đủ trả tiền vay ngân hàng để mua xe trước đây.

Nhiều tài xế GrabCar cho biết họ đang phải ôm cục nợ quá lớn vì thu nhập không đủ trả tiền vay ngân hàng để mua xe trước đây.
Vỡ mộng đổi đời
Nếu “ôm” xe chạy tiếp thì nợ không biết bao giờ trả xong, còn bán xe thì cũng phải vay mượn thêm cả trăm triệu đồng mới đủ tiền trả cho ngân hàng.
Câu chuyện mua ôtô để chạy Grab hay Uber kiếm nguồn thu nhập cao đã qua cách nay vài ba năm chứ không phải bây giờ mới kể. Tuy nhiên, bi kịch đến đỉnh điểm là thời gian này khi Uber đã rời khỏi Việt Nam.
Chẳng hạn, ông Huỳnh Minh Tú, ở quận 7, TP.HCM, cách nay gần 3 năm đã vay ngân hàng để đầu tư mua 15 xe Kia Morning dòng phiên bản thấp để chạy Grab. Khi đó, ông Tú dự tính chỉ cần khoảng 3 năm là lấy lại vốn nhưng đến nay vốn vẫn chưa thu hồi mà vẫn phải tiếp tục trả lãi ngân hàng.
Ông Tú kể trước đây cho tài xế thuê xe chạy Grab, Uber mỗi ngày thu về 400.000 đồng/xe. Đến khi phong trào chạy Grab, Uber nở rộ, tài xế liên tục đòi trả xe vì thu nhập không kham nổi tiền thuê nên phải hạ giá cho thuê xe xuống còn 350.000 đồng/ngày. Gần đây, ông tiếp tục hạ giá xuống chỉ còn 300.000 đồng/ngày nhưng cũng không còn mấy người thuê.
Anh Lê Thanh Hùng, ở quận Bình Thạnh, cho biết đang rao bán chiếc Toyota Vios để trả nợ ngân hàng, “chứ ôm xe kiểu này sẽ làm khổ cả gia đình” vì mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng là hơn 13 triệu đồng, trong khi thu nhập chỉ khoảng 15 triệu đồng. “Trước đây, mỗi tháng tôi kiếm hơn 20 triệu đồng, sau khi trả nợ ngân hàng vẫn còn tiền nuôi vợ con. Nhưng nay “bừa” đến khuya cũng chỉ hơn 15 triệu đồng, không đủ trả nợ ngân hàng lấy đâu nuôi gia đình” – anh Hùng than.
Theo giới tài xế GrabCar, do gần đây nhiều đối tác bên Uber chuyển sang chạy cho Grab, người bên ngoài cũng tham gia nên lượng GrabCar hiện nay rất đông. Thu nhập cũng vì vậy mà giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, Grab thu phí dịch vụ lên tới 25% với tài xế cũ; 28,26% với những người mới và các tài xế từ Uber chuyển sang. Đồng thời, trừ 4,6% tiền thuế thu nhập cá nhân khiến cho tài xế khó càng thêm khó. Mỗi ngày chỉ khoảng 700 – 800.000 đồng, sau khi trừ chiết khấu, thuế cũng chỉ còn hơn 200.000 đồng.

Nhiều tài xế đến đăng ký và phàn nàn về việc BỊ khoá tài khoản tại văn phòng Grab đường Tô Hiến Thành sáng ngày 4/6.
Grab giải thích tăng giá cước là để công bằng với tài xế
Trong một diễn biến khác, sau khi thâu tóm xong đối thủ Uber ở Đông Nam Á, hãng Grab đã tăng giá cước và giải thích là để tạo sự công bằng cho tài xế do giá xăng tăng.
Ông Jerry Lim, Giám đốc GrabTaxi Việt Nam, cho biết thời gian tới sẽ nghiêm khắc hơn với thái độ của tài xế với khách nên có phản ánh của khách, Grab sẽ khoá tài khoản và yêu cầu tài xế giải trình.
Đồng thời, ông này thừa nhận Grab đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ 2017, do giá xăng tăng liên tục, chẳng hạn năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần..
“Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi”, ông Jerry Lim nói trong cuộc trao đổi với các phóng viên và giới tài xế tại văn phòng Grab ở TP.HCM vào ngày 4/6.
Lý do các tài xế cùng nhau đến Grab là nhằm phản đối việc hãng gọi xe này khóa tài khoản “không rõ lý do”.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, rất đông tài xế đến phản ánh việc khoá tài khoản và chờ đợi giải quyết đến trưa 4/6 vẫn chưa xong.
Anh Đỗ T. Ng., tài xế GrabBike (quận Bình Tân) cho biết bất ngờ khi bị Grab khoá tài khoản từ ngày 2/6.
Theo anh Ng., nguyên nhân dẫn đến việc trên do khi đồng ý nhận khách, khách đi thông qua người khác đặt giúp nhưng khi đến thì bất ngờ khách yêu cầu chở thêm 2 trẻ em trên 12 tuổi.
Anh Ng. đã từ chối vận chuyển và yêu cầu khách hủy cuốc xe vì sợ công an phạt khi chở quá số người quy định.
Thế nhưng, khách vẫn không chịu hủy và hai bên có lời qua lại, khách báo lên Grab dẫn đến tài khoản bị khoá.
Tương tự, một số tài xế cũng cho biết Grab chỉ biết thông tin một chiều của hành khách, chưa phân rõ đúng sai đã vội vàng khoá tài khoản của tài xế khiến nhiều người phải “ngồi chơi xơi nước” chờ nhiều ngày sau Grab mới giải quyết.
Trong khi đó, thời gian gần đây nhiều hành khách phàn nàn về thái độ của tài xế tuỳ tiện hủy cuốc xe, trời mưa thì không nhận chuyến hoặc nhận chuyến nhưng không đến…
Ông Jerry Lim cho rằng do đường ở TP.HCM ngập việc tăng giá cước xe nhưng tài xế vẫn chưa mặn mà.
Vị này cũng hứa sẽ nghiên cứu lại việc tài xế huỷ chuyến quá nhiều lần sẽ có chế tài phạt cụ thể. Grab đang cố gắng tăng cường chất lượng nền tảng của công ty ở cả 2 mặt, là tài xế lẫn khách hàng.
Theo đó, các tài xế nếu hủy chuyến mà không có lý do chính đáng, hoặc có quy tắc ứng xử không phù hợp sẽ bị treo app, buộc học lại các quy định.
Tuy nhiên, nhiều tài xế Grab cho rằng, Grab nên tôn trọng đối tác của mình, khách hàng có một số người chưa hành xử đúng với tài xế nhưng lại phản ánh lên Grab là bị khoá ngay tài khoản.
Thay vì tiếp nhận thông tin một chiều của khách hàng, Grab nhắn tin, gọi hay gửi email để tài xế giải trình sự việc trước khi đưa ra quyết định khoá tài khoản…
Theo Tuổi Trẻ/Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này