
21:58 - 05/07/2018
Nhà bán lẻ ngoại muốn nới lỏng điều kiện kinh doanh
Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn có sự tự do tuyệt đối trong việc thiết lập hệ thống bán lẻ của mình tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam lại có nhu cầu bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ còn rất nhỏ bé trước các nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính khổng lồ từ bên ngoài.
Bà Orsolya Grove, đại diện cho Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2018 (diễn ra ngày 4/7) cho hay, theo Điều 5, Khoản 6 của Nghị định 09/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/1/2018 quy định: “Tổ chức kinh tế có cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, sau khi nhận vốn góp trở thành tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư, phải làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ”.
Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép kinh doanh đối với trường hợp này thực hiện theo quy định tại Điều 12 và 13 Nghị định này (09).
Hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho phép cơ sở bán lẻ được tiếp tục hoạt động thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định này (09).
“Như vậy, một doanh nghiệp trong nước, bất kể nhận bao nhiêu phần trăm vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài, chỉ từ 1%, đều phải xin Giấy phép kinh doanh và Giấy phép lập cơ sở bán lẻ cho từng cơ sở bán lẻ mà doanh nghiệp đang có”, bà Orsolya Grove nói.
Theo Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, Điều 38 của Nghị định quy định thời gian để Bộ Công Thương và Sở Công Thương xem xét cấp lại Giấy phép lập cơ sở bán lẻ là 65 ngày, không kể thời gian gửi thư qua lại từ Sở Công Thương đến Bộ Công Thương. Sở Công Thương và Bộ Công Thương hoàn toàn quyết định có cho phép một cơ sở bán lẻ tiếp tục hoạt động hay không thông qua việc cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
Như vậy, toàn bộ hoạt động kinh doanh cũng như quyền lợi và công việc của người lao động làm việc tại các cửa hàng này đều đặt vào hoàn cảnh rủi ro và mất ổn định.
“Chúng tôi đề nghị bỏ yêu cầu cấp phép lại đối với những cửa hàng đã và đang tồn tại hoạt động. Có thể xem xét áp dụng việc cấp phép lại chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn ít nhất 51% vốn điều lệ trong doanh nghiệp”, bà Orsolya Grove kiến nghị.
Cũng liên quan tới Nghị định 09/2018/NĐ-CP, theo Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại, Nghị định này đã thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP trước đó nhưng vẫn tiếp tục áp dụng quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Hơn nữa, còn mở rộng phạm vi các cơ sở bán lẻ phải thực hiện ENT.
“Mặc dù chúng tôi liên tục mang vấn đề này ra thảo luận tại các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhưng tình hình không những chưa được cải thiện mà còn trở nên tồi tệ hơn. Không có bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào cho việc áp dụng ENT và tất cả những gì ENT đem lại là gây ra một trở ngại khác cho các nhà bán lẻ nước ngoài muốn phát triển thị trường”, theo Nhóm công tác.
Theo báo cáo của nhóm công tác, ENT lẽ ra sẽ phải được loại bỏ trong vòng năm năm theo CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do EU Việt Nam), do sự vô ích của nó.
Trả lời thắc mắc của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trần Quốc Khánh cho hay, Nghị định 09 của Chính phủ hướng dẫn việc tham gia thị trường phân phối tại Việt Nam. Đây là vấn đề đã trao đổi nhiều lần giữa Bộ Công Thương và các nhà đầu tư.
Song, vấn đề nằm ở chỗ nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn có sự tự do tuyệt đối trong việc thiết lập hệ thống bán lẻ của mình tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại có nhu cầu bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ còn rất nhỏ bé của ngành trước các nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính khổng lồ từ bên ngoài.
Theo ông Khánh, nhu cầu này của Việt Nam là chính đáng, được WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) thừa nhận và cho phép Việt Nam thực hiện khi gia nhập. “Vì vậy, tôi khẳng định Nghị định 09 không trái với các cam kết WTO tại Việt Nam, kể cả trong vấn đề kiểm tra nhu cầu kinh tế”, ông Khánh nói.
Vì vậy, vị lãnh đạo ngành Công Thương cho hay ông không kỳ vọng sẽ có sự thay đổi nội dung của Nghị định 09 trong thời gian tới.
Theo Thùy Dung/TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này