
09:49 - 16/06/2017
Đại gia Dương Công Minh: Chủ soái quyền lực và đầy bí ẩn của Him Lam
Dù tên tuổi đã gắn liền với nhiều thương vụ lớn nhưng cái tên Dương Công Minh vẫn được xem là một ẩn số của thị trường tài chính và bất động sản.

Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Him Lam, từ lâu được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam” nhưng trước đó từng có biệt danh “Minh Xoài”.
“Chủ soái” đầy quyền lực
Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là thiếu tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội. Him Lam đang là doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hùng mạnh, nhưng ít người biết lĩnh vực khởi nghiệp đầu tiên của đại gia xứ Kinh Bắc này là đi buôn trái cây.
Ông Minh kể: “Bây giờ người ta gọi tôi là Minh Him Lam, nhưng trước đây tôi được gọi là Minh xoài, vì tôi xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Bạn tôi muốn làm chung thì tôi đồng ý chia sẻ, với cam kết lời cùng chia nhưng lỗ tôi chịu. Vì giữ lời hứa này, sau một lần kinh doanh mà bạn tôi tự quyết khiến tôi phải gánh lỗ khá nhiều, tôi quyết định bán nhà đang ở để trả nợ cho người bạn”.
Việc bán nhà này mở ra cơ hội kinh doanh mới cho ông Minh, ông kể: “Khi bán nhà tôi bị dịch vụ ‘chém’ đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá. Tôi tự đi làm, tổng cộng hết chỉ 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu (giảm 60%). Lợi nhuận lúc đó là 300% sau khi chi các loại chi phí”.
Gỡ rối từ chuyện thua lỗ xuất khẩu xoài mở ra hướng mới cho Him Lam. Cũng chính lối đi này đã đưa doanh nghiệp trở thành đế chế BĐS hùng mạnh. Đại gia này chia sẻ thành công đến ngẫu nhiên nhưng không phải tất nhiên, vì cơ sở của thành công chính là nền tảng kiến thức học được thời đại học như bản vẽ và vật giá.
Thời gian đầu ông Minh cho biết mình mất 10 tháng trời đọc bản vẽ và đào tạo lại cho kỹ sư trẻ mới về cùng làm việc. Sau đó ông đi làm dự án và xây dựng nhà. Đến nay đại gia này là một trong những người xây nhà nhiều nhất Việt Nam.
Trong lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”.
Thành lập từ năm 1994, từ dự án nhà ở đầu tiên tại TPHCM, đến nay Him Lam đã có dự án trải dài ở nhiều đô thị lớn trên cả nước. Theo thông tin công bố trên website của Him Lam, tập đoàn này có khoảng 30 dự án BĐS lớn nhỏ, với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng với một số dự án lớn như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TPHCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân gôn Long Biên, sân gôn Tân Sơn Nhất, dự án BT nút giao thông Long Biên, khai thác quỹ đất 20ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, và 135ha đất bãi sông Hồng.
Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, hiện Him Lam đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác như Du lịch – nghỉ dưỡng, Đầu tư tài chính – Ngân hàng, Phát triển nguồn nhân lực và Nông Lâm thủy sản…
Bên cạnh lĩnh vực nhà ở, khu đô thị mà hầu hết công ty phát triển BĐS đều tham gia, giúp “lấy tiền” của người bình dân và trung lưu, đại gia này cũng nghĩ đến chuyện “moi tiền” của nhà giàu từ rất sớm. Năm 1999, đại gia này đã đầu tư golf.
Dự án đầu tiên của Him Lam là Khu liên hiệp sân tập golf, nhà hàng, phòng hội nghị Him Lam – Ba Son tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM, hoàn thành vào năm 1999.
Him Lam còn hợp tác với một số đối tác đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (Hà Nội), sân golf Tân Sơn Nhất (TPHCM), sắp tới có thể là một dự án golf nữa ở quận 2 (TPHCM) mà tập đoàn này vừa mua lại 48% cổ phần.
Đặc biệt, câu chuyện sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả dưới đất và trên trời đã từ lâu và nay lại càng “nóng” lên khi thời gian qua, nghị trường Quốc hội và dư luận nói nhiều về câu chuyện sân golf ôm trọn 157ha đất nằm ngay trong sân bay này.
Điều đáng nói là, trong lịch sử hình thành sân golf Tân Sơn Nhất, dự án này bí ẩn như chính ông chủ của nó khi được nghiên cứu từ năm 2006, phê duyệt năm 2007, nhưng tới năm 2011 mới được công bố.

Ông Dương Công Minh (giữa), ông Đặng Văn Thành (trái) và ông Nguyễn Đức Hưởng (phải) là ba nhân vật đang được chú ý trên thị trường tài chính, ngân hàng
“Lênh đênh” cùng ngân hàng
Không chỉ sân golf Tân Sơn Nhất mà Ngân hàng Sacombank cũng là một trong những tâm điểm của thị trường trong thời gian gần đây.
Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, ông Dương Công Minh đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác, mà trong đó ngân hàng mang đến nhiều giá trị.
Ông tham gia thành thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008, với vốn điều lệ ban đầu là 3.300 tỷ đồng.
Đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp Nhà nước là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Việc sáp nhập ngân hàng vào bưu điện là một nước cờ táo bạo nhưng vô cùng hợp lý, một cách khuếch tán thương hiệu nhanh chóng và hiệu quả nhất theo quan điểm của ông Minh lúc đó, khi tận dụng được hàng nghìn điểm giao dịch trên cả nước của đối tác.
Trên cơ sở này, ngân hàng rất thành công so với các ngân hàng khai sinh cùng thời. Cũng vì vậy ông Minh cho rằng, làm ngân hàng dễ hơn làm BĐS.
Tại Ngân hàng Liên Việt, Him Lam là cổ đông sáng lập, đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%.
Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng này nhưng vợ ông, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
Gần đây đã có nhiều đồn đoán trên thị trường tài chính về việc ông Dương Công Minh tham gia điều hành Sacombank khi ông Dương Công Minh rút khỏi LienVietPostBank và được giới thiệu vào danh sách ứng viên HĐQT Sacombank, thay ông Nguyễn Đức Hưởng.
Với những gương mặt hiện tại, ông Dương Công Minh được đánh giá là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế nóng Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank nhờ vào kinh nghiệm làm trong lĩnh vực ngân hàng (Chủ tịch LietVietPostBank) và là ông trùm trong lĩnh vực bất động sản cả hai miền Nam – Bắc.
Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 23/5 vừa qua, LienVietPostBank đã thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng, mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) với lãi suất khá thấp.
Đây là bước hợp tác có quy mô lớn đầu tiên giữa 2 đơn vị này. Và có thể là cầu nối giữa 2 ông trùm trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng: gia đình ông Đặng Văn Thành và Dương Công Minh.
Cái bắt tay giữa 2 đại gia Dương Công Minh và gia đình Đặng Văn Thành dù mới chỉ thông qua Sacomreal nhưng đã mang lại hy vọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc Sacombank nhanh và thành công hơn.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này