
09:30 - 06/06/2018
Bên xin bên bỏ…
Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa lên tiếng kiến nghị cho các doanh nghiệp hội viên được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế VAT 5%!

Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa lên tiếng kiến nghị cho các doanh nghiệp hội viên được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế VAT 5%, vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho nông dân.
Đây quả thật là hành động “nghĩa hiệp” vì xưa nay, doanh nghiệp thường thoái thác nghĩa vụ nộp thuế, ít thấy ai xin nộp thuế.Vậy phía sau câu chuyện này là gì?
Luật sửa đổi các luật về Thuế (còn được gọi là luật 71, năm 2014) quy định phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), theo ông Nguyễn Hạc Thuý, quyền chủ tịch, kiêm tổng thư ký hiệp hội Phân bón Việt Nam, là “đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và cũng không mang đến lợi ích cho nông dân”. “Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thay đổi chính sách thuế để doanh nghiệp sản xuất phân bón được nộp 5% VAT, thay vì không chịu thuếnhư hiện nay”, ông Thuý kiến nghị.
Luật thuế sửa đổi 2014 quy định: từ đầu năm 2015, phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT. Lẽ thường, nếu một mặt hàng nào đó không chịu thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sản xuất sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào. Và đây là nguyên do khiến các doanh nghiệp phân bón “xin” được nộp thuế. Ông Dương Trí Hội, phó tổng giám đốc tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (PVFCCo) cho biết, sản xuất phân bón cần đầu tư công nghệ hiện đại, đa số phải nhập từ nước ngoài. Nhiều loại nguyên liệu sản xuất phân bón, như khí cũng phải mua nội địa hoặc nhập khẩu và chịu thuế nhập khẩu, nhưng việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, khiến doanh nghiệp không được khấu trừ những chi phí này. Ba năm qua, theo ông Hội, PVFCCo không được khấu trừ gần 1.000 tỷ đồng tiền thuế. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác cũng phản ánh từ năm 2015 đến nay, liên tục nhập khẩu thiết bị để đổi mới công nghệ nhưng không được khấu trừ thuế. Thiệt hại này không chỉ doanh nghiệp gánh và nông dân cũng không có lợi, vì những chi phí nói trên được tính đúng, tính đủ vào giá thành từng ký phân bón.
Trái ngược với phân bón, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo nội địa lại đang kiến nghị xin miễn giảm thuế VAT, hoặc chỉ thu tượng trưng nhằm khuyến khích tiêu dùng gạo trong nước. Theo quy định hiện hành, các mặt hàng gạo xuất khẩu đều được áp dụng mức thuế suất VAT là 0%.Trong khi gạo sản xuất tiêu thụ nội địa vẫn phải chịu thuế VAT 5%. Ông Trần Ngọc Trung, giám đốc công ty gạo Vinh Phát, cho biết doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế không vì lợi ích cho riêng mình mà vì… người tiêu dùng. Với mức thuế VAT 5% như hiện nay, một ký gạo có giá bán trung bình 20.000 – 30.000 đồng đang chịu thuế 1.000 – 1.500 đồng và người tiêu dùng phải trả. Tuy nhiên, theo ông Trung, đây chưa phải vấn đề mấu chốt mà chính sách thuế VAT chỉ thu được của doanh nghiệp có mã số thuế, kinh doanh gạo đóng gói, có thương hiệu, còn loại gạo xá bán ở cửa hàng tạp hoá chưa thể thu được. “Như vậy là đang có sự bất bình đẳng trong cách tính thuế VAT. Doanh nghiệp tính thuế vào giá thành không cạnh tranh được với tiểu thương bán gạo xá!”, ông Trung nói.
Được biết, hiện nay hầu hết nguyên liệu đầu vào sản xuất lúa, như phân bón, thuốc trừ sâu đều không chịu thuế, nên doanh nghiệp gạo khi nộp thuế VAT sẽ không được khấu trừ đầu vào như phân bón. Cũng vì thấy được thiệt hại này, nên hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bỏ thuế VAT hoặc chỉ thu tương trưng 0,5%. Theo VFA, do lượng gạo tiêu thụ nội địa thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% chỉ chiếm thấp hơn 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2015, bình quân mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 22 – 22,5 triệu tấn gạo, trong đó phần dành xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn, gạo tự tiêu dùng (để ăn, làm giống và chăn nuôi) khoảng 11,5 triệu tấn, còn tiêu thụ qua phân phối lưu thông chỉ khoảng 3,5 triệu tấn. Như vậy, hàng năm, ước có khoảng 18,5 triệu tấn gạo (cả xuất khẩu và tự để ăn, làm giống, thức ăn chăn nuôi…) không phải chịu thuế VAT. Phần gạo còn lại, theo VFA rất thấp, nên việc đánh thuế không thu được bao nhiêu, mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư sản xuất quy mô, quản lý chất lượng, liên kết với nông dân tạo ra sản phẩm an toàn để phục vụ tiêu dùng nội địa.
bài, ảnh Bảo Anh (theo TGTT)
Có thể bạn quan tâm
Hơn 40% doanh nghiệp TP.HCM khó tiếp cận vốn vay
Đã có kết luận vụ khăn lụa Khaisilk ‘made in China’
UBND TPHCM vào cuộc vụ mất 26 tỷ đồng trong tài khoản
Samsung ‘than khó’ vì chi phí lao động tăng nhanh
Người Nhật sẽ thay đổi thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam
Tin khác


Không chỉ làm ăn tốt doanh nghiệp mới thực hiện ‘trách nhiệm xã hội’

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này