15:10 - 18/01/2019
CPTPP: Cái khó của dệt may
“Ai cũng nói với CPTPP ngành dệt may được hưởng lợi nhiều nhất nhưng nếu không có những hỗ trợ phù hợp cơ hội sẽ biến thành thách thức”, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bày tỏ tại Hội thảo CPTPP với doanh nghiệp Việt lợi ích hay thách thức sáng 18/1.
Ngành dệt may của một nước có xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, xuất khẩu tới 36,1 tỷ USD năm 2018 như Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Điểm nghẽn chính của ngành dệt may là sự phụ thuộc của nguyên liệu đã được ông Cẩm nhắc tới nhiều lần. Tuy nhiên, đến nay, khi CPTPP đưa vào thực thi, bất cập này càng đáng lo ngại.
Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu tới 99% bông, xơ sợi tới 70% và với vải 80% tổng nhu cầu của ngành đến từ nước ngoài. Bất cập nhất, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, dù 80% vải nhập khẩu từ nước ngoài, chỉ 10% trong số này từ Nhật Bản và các nước trong khối CPTPP. Trong khi đó, ưu đãi từ CPTPP chủ yếu dành cho nội khối.
“Điểm nghẽn lớn nhất là Việt Nam chưa sản xuất được vải để xuất khẩu. Đây là lĩnh vực ngành đang rất yếu. Ngành cũng đã tìm mọi cách đưa ra giải pháp cho khâu vải nhưng mức độ thành công chưa được như mong muốn”, ông Cẩm chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh khi tham gia CPTPP, Việt Nam phải giải quyết được khâu sản xuất vải. Khâu sợi cũng khó nhưng không khó bằng dệt vải. Ông Cẩm kiến nghị nên phê duyệt cụm công nghiệp tập trung trong đó có khu xử lý nước thải.
Đồng tình với kiến nghị của ông Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Sơn chia sẻ để xây dựng được chuỗi cung ứng cho ngành dệt may, Hàn Quốc, Trung Quốc đã xây dựng các mô hình khu công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.
Theo ông Sơn, tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, doanh nghiệp lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Khi tập trung về một khu vực, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng xử lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào một khâu còn khâu sản xuất vải sẽ được lấy từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các khu vực khác.. Việt Nam cần nghiên cứu, ứng dụng mô hình này.
Trước đây, ông cho rằng một phần chính sách phát triển có vấn đề, những mảng cần ưu đãi nhiều lại không có. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trong nước, dẫn đến phải nhập khẩu đến12,8 USD vải.
Đại diện Hiệp hội Bông sợi cũng chỉ ra, tuy mỗi năm Việt Nam có xuất khẩu 1,8 tỷ vải ra nước ngoài nhưng đây là doanh nghiệp từ Hong Kong mở nhà máy để xuất khẩu sang các nước. Trong đó, Campuchia – một quốc gia dệt may mới nổi – là đối tác nhập khẩu chính vải được sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế này diễn ra khi chính sách của Việt Nam, đặc biệt là từ phía các địa phương không hỗ trợ cho việc phát triển các khu công nghiệp có các hoạt động in, nhuộm. Trong khi theo ông Sơn, mấu chốt nhất của vấn đề sản xuất vải là khâu in, nhuộm.
Ông kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Nhiều nơi có thể phát triển mô hình này nhưng hiện các tỉnh mới nhận thức có mức độ, 80-90% nói không với dệt nhuộm bởi lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hưởng lợi, câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút doanh nghiệp, trong đó, giải pháp tốt nhất là xây dựng các khu công nghiệp tập trung.
Bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên Đoàn đàm phán các FTA của Việt Nam, chia sẻ câu chuyện trong lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về CPTTP. “Khi nói về ngành dệt may, lãnh đạo tỉnh rất tiếc vì đã không cấp phép cho các doanh nghiệp dệt may vì không hiểu các điều luật của CPTTP. Ngành sản xuất vải liên quan nhiều đến yếu tố sản xuất, xả thải nên nhiều địa phương còn lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường”, bà Thủy cho hay.
Nguyên thành viên đoàn đàm phán FTA cũng chia sẻ thêm, khi đi đàm phán về CPTTP, các bộ có phát ra phiếu xin ý kiến các doanh nghiệp nhưng chỉ thu lại 10% ý kiến chất lượng. Nhiều doanh nghiệp còn không biết viết vào phiếu khảo sát đó như thế nào. Thực tế, khâu chuẩn bị ứng phó với các hiệp định của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao trong khi các yêu cầu của các hiệp định rất cao, sức ép lớn.
“Nhưng như chị Thùy nói, sức ép tạo ra khiến ngành phải giải quyết những khâu yếu để phát triển bền vững. Đặc biệt khi ký kết với các thành viên CPTPP, các nước cùng xuất khẩu dệt may lớn coi Việt Nam là đối thủ đáng gờm, Ấn Độ, Bangladesh cũng đang cải thiện ngành dệt may của họ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhìn nhận.
Theo Nam Anh/NDH
Có thể bạn quan tâm
NutiFood đầu tư vào Thụy Điển sản xuất sữa, thực phẩm dinh dưỡng Organic
Doanh nghiệp Việt vào Myanmar: bền chí thì thành
Lợi nhuận taxi truyền thống tăng trở lại
Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thua lỗ hàng chục ngàn tỷ
Cổ phiếu Vietjet chính thức chào sàn HOSE
Tags:CPTPPngành dệt may
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này