08:06 - 22/01/2016
Trần Tiến Dũng: Những ngày cuối năm của người bán chổi lông gà
Hình ảnh người bán chổi lông gà những ngày cuối năm giống như hình ảnh trong phim tài liệu, xưa cũ, nhưng vẫn sống động trên đường phố Sài Gòn…
Trên chuyến xe buýt số 8 đi về Thủ Đức, tôi bắt gặp bà cụ bán chổi lông gà, chổi nilông. Lúc ấy khoảng 2 giờ chiều, và như mấy tay lơ xe nói thì cụ đang từ chợ này chuyển qua chợ khác.
Tôi ngồi trên hàng ghế ngang, cụ ngồi đếm tiền trên hàng ghế dọc. Những tờ giấy bạc cụ để trong cái nón lá và bằng gương mặt có vẻ như lúc nào cũng bình an, cụ đếm đi đếm lại số tiền ít ỏi đó.
Với người lao động, một bà bán chổi lông gà đâu có gì lạ. Một người bán vé số ngồi cạnh tôi nói: “Ai cũng phải mần để ăn chứ. Bả không mần một ngày là chết rã ruột”.
Chổi lông gà có hai thứ, chổi cán ngắn để quét bàn quét tủ, cán dài mấy thước dành để cho các nhà giàu quét bồ hóng, màng nhện ở nhà giữa. Có thể tạm hiểu chổi lông gà là thứ chổi không được phép quét rác dưới đất, chất dơ dưới thấp mà chỉ dùng riêng cho việc quét bụi, chất dơ bám vào màn trướng, kèo cột phía bên trên nhà giữa, bàn thờ.
Ngày xưa, trong nhà người miền Nam từ khá đến giàu, nhà nào cũng sắm đủ hai thứ chổi lông gà, có vậy dọn dẹp quán xuyến cái dơ mới xuể. Nhà nghèo, thường mua một cây chổi lông gà cán ngắn. Từ bàn, tủ, giường đến bàn thờ nhà nghèo thường nhỏ, thấp, cho nên bụi dơ cũng đơn sơ, dùng chổi lông gà cán ngắn là đủ dọn, gọn hơ.
Vào khoảng thập niên 1970, từ thị hiếu người xài, người ta chế thêm loại chổi bằng sợi nilông tước nhuyễn. Loại chổi này là một trong những món hàng bằng nhựa đầu tiên mở đầu cho thời đại sản xuất và xài đồ nhựa ở miền Nam.
Việc một người nào đó tình cờ tìm thấy lại trong đời sống hôm nay, một hình ảnh mưu sinh xưa cũ thì cũng đâu có gì lạ.
Một nghề cũ, một quán xưa, dù có gợi lại lòng hoài cảm nhưng cũng không có ý nghĩa gì nhiều nếu không mở ra một câu hỏi: có thật là đến tận bây giờ, giữa thời đại kinh tế toàn cầu này, với hàng núi những sản phẩm hiện đại, việc làm và bán những món hàng thô sơ và xưa cũ như cây chổi lông gà; mần ăn như vậy thì sống làm sao!
Sau khi cất tiền vào túi, bà già bán chổi lông gà ngồi ngửa mặt, đầu tựa vào băng ghế, miệng hả ra và ngủ ngon lành. Chuyến xe buýt đô thị luôn ồn ào và xóc dằn, đống chổi nilông và chổi lông gà nằm ngay dưới chân bà cũng xổ tung ra
như thể chúng cũng đang rất mệt.
Kiếm được miếng ăn, giấc ngủ luôn là việc quá sức đối với một bà già và thứ hàng quá cũ xưa. Có khi nào bạn gặp ở đâu đó những người làm và mua bán thứ hàng lỗi thời này, gặp ở đâu đó, lúc họ nỗ lực chào hàng, rao hàng đến tuyệt vọng không?
Bà già bán chổi lông gà vẫn ngủ ngồi. Chuyến xe buýt chạy gần đến trạm cuối trở nên đông khách hơn, nhưng vì sao không ai ngồi vào cái ghế kế bên bà. Giấc ngủ của cụ bà kéo dài khoảng chừng mười phút, trong lúc ngủ thỉnh thoảng mắt bà mở ra,
hé cái màu trắng đục ngầu của đôi mắt người già.
Tôi nhớ bà nội tôi ngày nào có nói: những người ngủ hay mở mắt là người cả đời bôn ba vất vả. Năm bà nội tôi mất, giỏi lắm cũng chỉ bằng đúng cái tuổi của bà già bán chổi này.
Lúc bà già bán chổi thức giấc, bà không nhìn ai, chỉ nhìn qua cửa xe. Có lẽ ở đâu đó bên kia những phố mặt tiền hào nhoáng là căn nhà trọ của bà, nhưng tốt hơn là cứ tạm tin bà không phải là dân mới nhập cư, bà là người Sài Gòn – Gia Định cố cựu vì nghèo khó, con đông và không thể thích nghi với thời cuộc đổi thay mà bị cuốn trôi về phía ngoại vi đô thị tối tăm, nơi có sẵn một chỗ nằm cho bà nghỉ ngơi qua ngày để tiếp tục mơ ước về miếng đất cho ngày tuổi già nhắm mắt từ giã đời thị dân.
Đất Sài Gòn người Sài Gòn sao mà kỳ lạ khi mà vẫn tiếp tục mua cái loại chổi lông gà trong thế kỷ của các máy hút bụi.
Vậy thì nhu cầu mua chổi lông gà cho bà cụ này có việc mưu sinh là mang tính nhân văn hay đơn giản chỉ là mua vì chút lòng thương hại? Dù câu trả lời là gì đi nữa thì trong những ngày trước tết Nguyên đán hàng năm, hình ảnh người bán chổi lông gà vẫn hiện ra trong dòng phố náo nhiệt, hiện ra để nhắc nhớ từng người Sài Gòn về sự uy nghi quang minh của bàn thờ tổ tiên, nơi họ chuẩn bị dọn dẹp trang trí từng để kính ngưỡng hướng về.
Trần Tiến Dũng
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này