12:19 - 13/11/2021
Ông Lý Hiển Long: Bước đầu tiên để hồi phục là ‘mở cửa lại biên giới’
Nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh các bước cần được thực hiện để giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi, bắt đầu bằng việc mở cửa lại biên giới.
Hãng Channel News Asia dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 12/11 cho biết trong bối cảnh mọi người học cách sống chung với Covid-19, hợp tác quốc tế chính là “chìa khóa” giúp khu vực châu Á – Thái Bình Dương phục hồi và xây dựng nền kinh tế mạnh hơn.
Ông Lý đưa ra phát ngôn trên tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) hôm 12/11. Sự kiện được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.
Trong bài phát biểu hôm 12-11, ông Lý ca ngợi sự lãnh đạo xuất sắc của New Zealand với tư cách là chủ tịch APEC, nói rằng điều này giúp “tạo động lực để chúng ta hợp tác trong thời kỳ đại dịch”.
Thủ tướng Singapore nêu ba bước cần thiết
Nhà lãnh đạo Singapore cũng nhấn mạnh các bước cần được thực hiện để giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương phục hồi, bắt đầu bằng việc mở cửa lại biên giới.
“Giờ đây, việc tiêm chủng của chúng ta đang được triển khai với tốc độ ổn định, điều này có thể được thực hiện một cách an toàn. Nhiều nền kinh tế đã giới thiệu các làn đường đi lại cho hành khách được tiêm chủng và mong muốn mở rộng điều này” – ông Lý phát biểu.
Tuy nhiên, ông Lý lưu ý rằng một vấn đề phức tạp sẽ phát sinh giữa các nền kinh tế áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” và những nền kinh tế đã chuyển sang sống chung với Covid-19.
“Giữa hai nhóm nền kinh tế, các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt sẽ là điều khó tránh khỏi, trong một khoảng thời gian tới” – ông Lý cho hay.
“Tuy nhiên, chúng ta phải nhận ra tầm quan trọng của việc mở lại biên giới trong việc: xây dựng lại nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là liên quan loại hình du lịch kết hợp MICE (hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) cũng như các lĩnh vực du lịch và cho phép các gia đình đoàn tụ với nhau” – ông Lý cho hay.
Ông Lý cũng khuyến khích các nền kinh tế thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về chứng chỉ y tế kỹ thuật số, đồng thời tiếp tục thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thông qua Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC.
Vấn đề chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế khu vực
“Thứ hai, APEC cần tăng cường độ tin cậy của chuỗi cung ứng” – ông Lý nhấn mạnh.
“Đại dịch đã buộc các nền kinh tế phải xem xét khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ, bao gồm các biện pháp chuyển chuỗi sản xuất về gần và tăng cường độ tin cậy của mạng lưới” – ông Lý cho hay.
Theo ông, các nền kinh tế cũng nên “cam kết chung trong việc bảo vệ khả năng phục hồi và tính cởi mở của chuỗi cung ứng”.
“Thứ ba, các thành viên APEC cần hội nhập kinh tế khu vực một cách sâu rộng” – ông Lý cho hay.
“Các thành viên APEC đã có những bước đi đáng khích lệ hướng tới tầm nhìn về một khu vực thương mại tự do ở Châu Á – Thái Bình Dương” – ông Lý nhấn mạnh, đề cập các hiệp định khu vực như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các nền kinh tế cũng phải “nhìn trước và nắm bắt cơ hội trong các lĩnh vực tăng trưởng mới”, ông Lý cho hay, nhấn mạnh nền kinh tế kỹ thuật số là một trong những lĩnh vực như vậy.
Theo ông, các nền kinh tế cần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc chuyển đổi.
“Chúng ta cần đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và chuẩn bị cho họ trong thời đại kỹ thuật số. Chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng để thúc đẩy khả năng tương tác cao hơn giữa các nền kinh tế. Chúng ta cần điều chỉnh các quy tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật số của mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới” – ông Lý phát biểu.
“Các thành viên APEC nên tăng cường hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số và hướng tới một Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số khu vực (DEA)” – ông Lý lưu ý.
Vị thủ tướng cũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh là một lĩnh vực quan trọng, nói rằng biến đổi khí hậu là một “vấn đề phức tạp không có giải pháp dễ dàng”.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này