21:35 - 13/10/2021
Hong Kong có nguy cơ bị ‘bỏ lại phía sau’ vì chiến lược Zero Covid
Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là một trong số những thành phố đầu tiên đóng cửa biên giới với người nhập cư và áp đặt các quy tắc cách ly “hà khắc” để giữ an toàn cho mọi người.
Việc Trung Quốc theo đuổi chiến lược “Zero Covid” làm thành phố này có thể bị tụt hậu so với các trung tâm tài chính khác.
Đến thời điểm hiện tại, Hong Kong vẫn đang tuân theo chiến lược “Zero Covid”, ra lệnh thắt chặt các hạn chế, đưa hầu hết khách du lịch vào các khách sạn cách ly trong 14 hoặc 21 ngày, bất kể tình trạng tiêm chủng. Bất kỳ ai trong thành phố cũng có thể bị buộc vào cơ sở cách ly nếu được coi là có tiếp xúc gần với người có kết quả xét nghiệm dương tính.
Hong Kong đã và đang thực hiện cách tiếp cận ngược lại so với các nước khác trên thế giới.
Chính quyền TP cũng tuyên bố rõ rằng địa vị trung tâm tài chính toàn cầu không quan trọng bằng các kết nối với Trung Quốc đại lục và mục tiêu chung triệt tiêu Covid. Các doanh nghiệp trong mọi trường hợp đều coi Hong Kong là cửa ngõ vào đại lục do đó Hong Kong không thể là một “mắt xích yếu” của Trung Quốc.
Zero Covid là một chiến lược mà hiện nay các quốc gia khác đã từ bỏ. Lần lượt từ Singapore tới Australia, đáng chú ý nhất có New Zealand gần đây cũng từ bỏ chiến lược này trước đợt bùng phát do biến thể Delta.
Các nước đều cho rằng triệt tiêu Covid là một chiến lược thiếu bền vững. Các quốc gia không thể mãi “phong tỏa và đóng cửa vô thời hạn”, do đó họ dần chuyển sang “phủ rộng vacxin” để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong, tiến tới “chung sống an toàn cùng Covid”.
Sự khác biệt này được dự đoán là đang đe dọa khả năng cạnh tranh của Hong Kong và đặt ra câu hỏi về tương lai của Hong Kong với vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế, đặc biệt khi vấp phải rủi ro chính trị leo thang từ luật An ninh Quốc gia mới do Trung Quốc ban hành.
Các tổ chức doanh nghiệp cho biết các công ty đang chuyển nhân sự ra khỏi thành phố, điều này làm tăng thêm số người di cư khỏi Hong Kong lên khoảng 90.000 người kể từ giữa năm 2020 – mức giảm mạnh nhất trong vòng 6 thập kỷ.
Hong Kong hiện đang tụt lại so với nhiều trung tâm tài chính khác như New York hay London và mới đây nhất là Singapore trong việc đưa cuộc sống trở lại bình thường. Việc chậm thích ứng linh hoạt và chưa có kế hoạch rõ ràng để mở cửa trở lại, Hong Kong nguy cơ dễ vuột mất cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Theo Yên Huỳnh/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này