12:08 - 31/07/2023
TS Hồ Quốc Tuấn: Thấy gì từ việc Fed tăng lãi suất cao nhất 22 năm?
Ngày 26/7 vừa qua, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25% sau khi tạm dừng vào tháng 6, và thừa nhận phải cần có thêm biện pháp để kiềm chế lạm phát. Đây là mức cao nhất trong 22 năm qua.
Ngay hôm sau 27/7, ECB cũng tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức cao nhất trong vòng 23 năm. Nhìn chung, những đợt tăng lãi suất này của Fed và ECB đã được thị trường dự đoán trước. Vấn đề là liệu những đợt tăng lãi suất này đã là cuối cùng của chu kỳ chưa?
Lãi suất đạt đỉnh
Dựa vào tài liệu Fed cung cấp cho truyền thông sau cuộc họp và phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, thì câu trả lời là “chưa chắc”. Có thể kết luận đây là một trong những cuộc họp có ít thông tin nhất được đưa ra trong năm nay. Tài liệu người ta gọi là thông cáo của Fed được cắt dán gần như hoàn toàn từ thông cáo của cuộc họp lần trước, chỉ điều chỉnh biên độ lãi suất mục tiêu lên 0,25% và điều chỉnh nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ từ “khiêm tốn” (modest) sang “vừa phải” (moderate).
Các thông điệp còn lại cũng giống như phát biểu của Chủ tịch Fed, gần như lặp lại quan điểm “chờ xem thế nào” với tình hình lạm phát và thị trường việc làm.
Những số liệu kinh tế sau đó khiến thị trường tài chính có phần an tâm hơn. GDP sơ bộ quý 2/2023 dự kiến đạt 2,4%, cao hơn mức 2% dự báo, nghĩa là không có tín hiệu suy thoái. Mặc dù con số này một lần nữa cho thấy kinh tế năm 2023 của Mỹ tăng trưởng kém hơn 2022, nhưng vẫn còn xa cái gọi là suy thoái.
Một vài số liệu khác cho thấy tốc độ tăng trưởng những quý tiếp theo của Mỹ có thể chậm hơn, thí dụ như dự báo vừa công bố của IMF dự kiến tăng trưởng kinh tế cả năm của Mỹ chỉ ở mức 1,8%, nghĩa là dự kiến 2 quý còn lại sẽ tăng trưởng chậm hơn mức trên 2% của quý 2. Ngoài ra, sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế cũng đi song song với việc lạm phát dần đi xuống.
Số liệu vừa công bố cuối tuần qua cho thấy, tốc độ lạm phát tính theo tiêu dùng cá nhân (PCE) tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, chỉ số lạm phát lõi PCE chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, và so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 4,1% (trong khi chỉ số PCE chưa loại bỏ các yếu tố biến động mùa vụ chỉ tăng 3%). Lạm phát tính theo PCE là một trong những chỉ số được Fed ưa thích hơn so với chỉ số CPI, vì vậy những số liệu này có tác động chính sách quan trọng.
Một điểm đáng chú ý là tốc độ tăng thu nhập cá nhân của người dân cũng như tốc độ tăng chi tiêu cũng giảm nhẹ, đủ khiến Fed yên tâm rằng áp lực tăng giá do chi tiêu giảm đi – tất nhiên nó cũng phản ánh tốc độ tăng thu nhập của người Mỹ chậm lại. 2 điều này cùng chỉ ra kịch bản kinh tế Mỹ mấy tháng tới là tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đi song song với tốc độ lạm phát đi xuống.
Tuy nhiên, hiện Fed đang gặp một chướng ngại là quan điểm đặt mục tiêu lạm phát 2%, trong khi lạm phát vẫn trên 4% là quá cao. Vì vậy, Fed có thể vẫn cần tăng lãi suất một lần nữa, bất chấp nhiều tranh luận của các chuyên gia là không cần thiết. Có người còn ví thị trường đang uống thuốc độc để chống lạm phát, nhưng không biết thuốc còn tác dụng nữa hay không vì có khi quá liều rồi.
Bài toán của Fed lúc này khá khó. Một vài tín hiệu cho thấy lạm phát của khu vực dịch vụ vẫn khá mạnh và chưa có dấu hiệu chậm hẳn lại, trong khi lạm phát của khu vực hàng hóa, yếu tố chính kéo lạm phát của Mỹ giảm mạnh trong mấy tháng nay, đang có dấu hiệu tạo đáy và có thể tăng trở lại.
Chính vì vậy, trong nội bộ ủy ban quyết định lãi suất của Fed đang diễn ra một sự chia rẽ. Nhiều thành viên vẫn quyết muốn tăng lãi suất một lần nữa. Lấy thí dụ, ngày 13-7, ông Christopher Waller, một thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), đã bày tỏ ủng hộ tiến hành thêm 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, một trong tháng 7 này (vừa diễn ra) và một vào cuối năm nay nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao.
Nhưng các ý kiến đưa ra đều nhận định chỉ tăng một lần lãi suất nữa thôi. Và như vậy lãi suất coi như đạt đỉnh rồi.
Hạ cánh mềm kéo dòng tiền quay lại thị trường cổ phiếu
Sau quyết định tăng lãi suất của Fed, thị trường hơi lưỡng lự chờ đợi vì không có thông tin gì rõ ràng. Tuy nhiên, như nhận định của ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Allianz và Chủ tịch trường Queens’ College thuộc Đại học Cambridge, “không có tin gì thì là tin tốt” (no news is good news).
Còn GS. Jeremy Siegel trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ngay sau họp báo của Fed, nhận định: “Đây là cuộc họp báo tuyệt vời nhất tôi từng nghe từ ông Powell trong hơn một năm. Ông ấy gần như đã thừa nhận rằng có những rủi ro cân bằng ngoài kia. Dù chưa hoàn toàn thừa nhận, và ông ấy vẫn nghiêng hơi nhiều một chút về nỗi lo lạm phát, nhưng ông ấy thực sự thừa nhận có những rủi ro tiềm ẩn của tăng lãi suất quá nhanh”.
GS Siegel trích dẫn các xu hướng về giá hàng hóa, giá nhà ở và cung tiền đã ngừng giảm và hiện đang ổn định. “Mức lãi suất rất cao khiến tôi và thị trường sợ hãi hồi đầu năm dường như không có nhiều tác động tiêu cực như tôi đã hình dung. Tôi sẽ xem xét cả 2 mặt của phương trình (ý nói về lợi ích của tăng lãi suất kềm chế lạm phát và tác hại của nó đến nền kinh tế). Và đây là điều rất tích cực cho thị trường”.
Trong khi đó, ông El-Erian chỉ ra rằng những sự lạc quan của thị trường về hạ cánh mềm, và việc đa số quỹ đầu tư vẫn đang ở trạng thái cầm nhiều tiền mặt hơn bình quân, tạo ra nhiều thuận lợi cho thị trường.
Cách đây chỉ hơn 2 tuần, điều tra của BofA cho thấy các nhà đầu tư tổ chức vẫn bi quan về nền kinh tế, và mức tiền mặt của nhiều quỹ đầu tư vẫn ở mức rất cao. Sự tin tưởng hơn của nhà đầu tư vào quan điểm hạ cánh mềm sau cuộc họp Fed cộng với lượng tiền mặt lớn bên ngoài là một môi trường hấp dẫn cho cả giá cổ phiếu và trái phiếu tăng. Mà giá trái phiếu tăng thì lợi suất trái phiếu lại giảm, lại là một tin tốt khác cho nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường Mỹ là nhóm cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao.
Môi trường này sẽ còn tạo thuận lợi cho thị trường Mỹ trong ít nhất vài tuần nữa, như nhận định của ông El-Erian. Mặc dù ông vẫn thận trọng và cho rằng rủi ro với nền kinh tế Mỹ khá cân bằng (xác suất hạ cánh cứng vẫn cao không kém hạ cánh mềm), nhưng ông cho rằng không nên ngăn cản con tàu (bán khống) trong khi nhiều người đang nhảy vào thị trường với niềm tin về thông điệp hạ cánh mềm.
Vài tháng sau, người ta có thể bình tĩnh trở lại. Đây là lúc nương theo đà đẩy giá tài sản của những dòng tiền mới vào sau.
Theo TS Hồ Quốc Tuấn*/SGGP-ĐTTC
————–
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này