11:13 - 04/04/2023
Ông Đậu Anh Tuấn: Thiếu niềm tin vào thể chế, doanh nghiệp tư nhân ‘sợ lớn’
Rủi ro thị trường có thể không tránh được, nhưng làm sao đừng để DNTN mất niềm tin vào sự phát triển, vào thể chế, chính sách khiến họ không dám làm gì.
Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trong nước vững mạnh, trở thành trụ cột vững chắc cho cả nền kinh tế. Nhưng KTTN – trọng tâm là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) – ở Việt Nam hiện nay cho thấy tình trạng không bền vững và cả không… dám lớn, do thiếu niềm tin vào thị trường.
“Sợ lớn” do thiếu niềm tin vào thể chế
Theo quy luật kinh tế, DN nào càng lớn, càng làm ăn nghiêm túc, tuân thủ tốt, thì nhân lực càng chuyên nghiệp, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính càng giảm, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh, điều này giúp DN có động lực phát triển và lớn lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này có vẻ đang bị làm ngược lại.
Kết quả khảo sát DN vài năm trở lại đây, cho thấy DN kinh doanh càng nhiều, càng ăn nên làm ra, thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính càng lớn, càng có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra. Câu nói nằm lòng của khá nhiều DN Việt là “khôn dựng trại, dại dựng nhà”, nghĩa là chấp nhận làm ăn “nhì nhằng”, bởi nếu lớn hơn một chút sẽ… rủi ro cao.
Thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm chưa thực sự mạnh mẽ, và việc áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra DN chỉ được thực hiện trong lĩnh vực thuế và hải quan, chưa được mở rộng ra các lĩnh vực khác. Đây là một trong những rào cản từ thể chế khiến khu vực tư nhân trong nước chưa thực sự vững mạnh.
Rủi ro tiếp theo với DN là việc cải cách thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh một số ngành đang có dấu hiệu chững lại. Trong những năm qua, về cơ bản, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm, ít liên thông thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, tính ổn định và dự đoán được của pháp luật và việc thực thi pháp luật còn thấp. Công tác tham vấn và truyền thông chính sách còn nhiều bất cập, nội dung văn bản pháp luật còn chưa bảo đảm tính minh bạch, còn chung chung, định tính, phụ thuộc vào diễn giải tùy nghi của cơ quan thực hiện.
Rủi ro thị trường có thể không tránh được, nhưng làm sao đừng để DN phải chịu rủi ro chính sách. Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra trong báo cáo tổng kết quý I mới đây cho thấy, trung bình mỗi tháng có tới 20.000 DN rời khỏi thị trường, đây là con số đáng báo động.
Nhưng ẩn trong số DN rời bỏ thị trường còn do pháp luật thay đổi, cơ chế không còn phù hợp. Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại dù có nhiều cải thiện, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của DN, công tác thi hành án dân sự chưa hiệu quả. Việc cổ phần hóa DNNN diễn ra còn chậm, làm giảm cơ hội đầu tư kinh doanh của DNTN. Ưu thế về năng lực quản trị tốt của khối tư nhân chưa được tận dụng triệt để trong các lĩnh vực Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối.
Vướng mắc nữa là hiện đang xảy ra tình trạng “bảo hộ ngược” trong một số lĩnh vực kinh tế. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nhà nước đặt ra nhiều quy định pháp luật, nhưng chỉ áp dụng các quy định đó với DN trong nước, không áp dụng đối với DN nước ngoài, DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Điều này khiến chi phí kinh doanh của DN nội cao hơn, cơ hội thị trường giảm xuống so với DN tương tự ở nước ngoài.
Đổi mới thể chế, tạo dựng lại niềm tin
Khi theo dõi các bộ ngành, các lĩnh vực trong thời gian vừa qua, nhiều cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm thủ tục, theo góc nhìn của tôi chưa có giải pháp quyết liệt. Dường như các cơ quan này còn có những mối quan tâm khác, và cho rằng đây chưa phải là trọng tâm chính sách.
Để khơi thông những vướng mắc, thúc đẩy KTTN và DNTN, cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Đòi hỏi đầu tiên là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi ngành, mọi cấp. Giải pháp này sẽ hỗ trợ được rất nhiều DN giảm chi phí, công bằng và hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ thông tin một cách thực chất thay vì những phong trào, những khẩu hiệu về “số hóa” như hiện nay. Theo số liệu từ các báo cáo kết quả khảo sát, việc áp dụng công nghệ thông tin ở nhiều ngành, nhiều cấp rất cao. Nhưng mỗi người tự thực hiện thủ tục hành chính sẽ biết, để thực hiện một cách trót lọt trên hệ thống điện tử không dễ dàng, cho nên ở khía cạnh DN cũng như vậy.
Một vấn đề hiện nay cộng đồng DN rất quan tâm, đó là Chính phủ cần tăng tính ổn định, dự đoán chính sách pháp luật. Nhiều DN cho biết hiện nay rủi ro của pháp luật lớn hơn rủi ro từ thị trường, vì vậy chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Nhưng ngay cả ở khía cạnh thị trường, cũng đòi hỏi cần phải phát huy vai trò của thị trường đúng nghĩa, minh bạch và công bằng hơn nữa. Đơn cử, hiện nay bất cập của thị trường xăng dầu là cách thức quản lý, can thiệp của Nhà nước vào thị trường.
Theo tôi, trong thời gian tới cần đổi mới hơn, phát huy vai trò của thị trường mang tính cạnh tranh hơn. Bởi thực tế Nhà nước sẽ khó tính toán hết các chi phí can thiệp vào mọi lĩnh vực, đây cũng là bài toán lớn trên con đường xây dựng một nền kinh tế thị trường.
Cuối cùng, dù sao Việt Nam cũng vẫn cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài để làm chất xúc tác kích thích DN trong nước. Xây dựng giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, bảo hộ một cách hợp lý, hợp pháp nhưng thị trường trong nước cũng cần chính sách khôn ngoan. Đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện chúng ta có lợi thế không nhỏ về quy mô thị trường, dân số. Song nếu chúng ta không ban hành những chính sách bảo hộ thị trường một cách phù hợp, không khuyến khích DN trong nước phát triển như là yếu tố trọng yếu, tất yếu sẽ “thua ngay trên sân nhà”.
————-
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này