09:39 - 06/04/2020
Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp ‘vượt dốc’ đại dịch
Làm thế nào để tồn tại trong mùa dịch Covid-19? Câu trả lời của hầu hết các doanh nghiệp: đó là thích nghi. Sự thích nghi có thể là một giải pháp vun vén lại các khoản chi tiêu, nhân sự, cân đối quỹ lương, hoặc thúc đẩy sự sáng tạo ra sản phẩm mới…
Đại dịch Covid-19 tác động xấu đến thị trường thế giới và Việt Nam cả về cung lẫn cầu. Ba nền kinh tế ở châu Á, đối tác chính của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị Covid-19 ảnh hưởng nhiều mặt đến giao thương, đầu tư. Mỹ và châu Âu cũng bắt đầu kiểm soát dịch bệnh, đóng cửa biên giới, điều này ảnh hưởng đến xuất – nhập khẩu bị gián đoạn, nhất là khi thị trường lớn Trung Quốc đột ngột đóng cửa, du lịch, vận tải giảm sút nghiêm trọng. Dệt – may, da giày nhập đến 60% linh kiện, phụ kiện từ Trung Quốc, phải cấp tốc tìm nguồn cung mới từ Ấn Độ, Đài Loan để tránh bị gián đoạn sản xuất. Du lịch, khách sạn, nhà hàng vắng khách, phải giảm bớt nhân viên, một số đã đóng cửa. Ngay cả nhà trẻ, mẫu giáo cũng gặp khó, vì phải trả tiền thuê nhà trong khi không có nguồn thu.
Tình hình rất khẩn trương, nhiều doanh nghiệp chỉ còn dự trữ vật tư đến cuối tháng 3, nếu không được khai thông nguồn nguyên liệu, nguy cơ đóng cửa” rất lớn.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong nguy có cơ, trong hoạ có phúc, nhiều doanh nghiệp đã năng động tìm nguồn cung nguyên liệu mới, tuy giá cao hơn, nhưng duy trì được sản xuất. Nhiều công ty đã tìm kiếm thị trường mới ở Tây Âu, tận dụng cơ hội mở ra từ hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam EVFTA. Thị trường Trung Đông và châu Phi cũng còn nhiều tiềm năng có thể khai thác.
Nông lâm thuỷ sản đã chuyển về khai thác thị trường trong nước. Doanh nhân Kao Siêu Lực đã nêu một tấm gương về sự năng động sáng tạo, với bánh mì thanh long, bánh nhân sầu riêng, và sẵn sàng chia sẻ với các đối tác, không đòi bản quyền hay thị phần.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 này cũng là dịp để chúng ta tự xem lại chính mình, tiến hành phân tích SWOT (Mạnh – Yếu – Cơ hội – Thách thức), tránh bỏ trứng vào một giỏ, đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường và đối tác hợp tác.
Chính phủ cũng hứa hẹn đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm giấy phép con, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sẽ có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, miễn giảm thuế, phí. Các ngân hàng cũng sẵn sàng cắt giảm lãi suất, hỗ trợ bằng tín dụng giúp doanh nghiệp vượt khó.
Đầu tư vào khoa học – công nghệ, chuyển mạnh sang kinh tế số hoá, vận dụng công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử xuyên biên giới. Đối với những công ty phần mềm, tư vấn, có thể vận dụng các hình thức của làm việc tự do tại nhà (gig economy), chỉ cần quản lý sản phẩm, không đòi hỏi nhân viên phải nhất thiết có mặt tại trụ sở hàng ngày. Phát huy tinh thần sáng tạo, năng động, tích cực đổi mới, hy vọng các doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách.
Lê Đăng Doanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này