09:55 - 10/01/2024
Lãi suất còn dư địa giảm trong năm 2024?
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng năm 2024 lãi suất khó giảm thêm, nhưng nên tiếp tục giảm thuế, phí và cần giải pháp thật mạnh để không rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp.
– Năm 2023 tăng trưởng GDP đã không đạt mục tiêu đề ra. Nhận định của ông về vấn đề này?
– Mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% đã rất sát với dự báo của giới chuyên gia, và không ngoài kịch bản của các cơ quan điều hành. Dù không đạt mục tiêu nhưng mức 5% tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, là mức chấp nhận được trong điều kiện và bối cảnh ngoài không thuận trong khó khăn. Đó là mặt tích cực.
Ở một góc nhìn khác và xuyên suốt cả giai đoạn, mức tăng trưởng này cho thấy trong ngắn hạn dao động rất mạnh, trong khi tăng trưởng dài hạn (tăng trưởng tiềm năng) đang suy giảm. Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn: 1991-1999 là 7,8%; 2000-2011 là 7,6%; 2011-2019 giảm còn 6% và từ 2020 đến nay chỉ tăng 4,9-5%. Đây là thách thức rất lớn.
Vì vậy phải có giải pháp rất mạnh để thoát ra, nếu không tăng trưởng sẽ giảm dần đều. Khi rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp, muốn quay lại chu kỳ tăng trưởng cao rất khó. Do đó, muốn tăng trưởng cao trở lại đòi hỏi phải thay đổi rất lớn, đặc biệt là thay đổi về cơ cấu, công nghệ, thể chế…
– Lãi suất và lạm phát luôn có tác động nhất định đến quyết định đầu tư. Ông dự báo về lạm phát và lãi suất thế nào?
– Trong bối cảnh thế giới lãi suất tăng, lạm phát cao gây sức ép rất lớn đến trong nước, nhưng năm 2023 chúng ta đã kiểm soát rất tốt lạm phát khi giữ được ở mức 3,25%, thấp hơn mức Quốc hội giao. Chúng ta cũng giữ được vĩ mô ổn định, lãi suất liên tục hạ và hiện đang ở mức thấp. Trong năm 2024, dự báo lãi suất thế giới không tăng, lạm phát giảm. Do đó, dự báo lạm phát trong nước cũng sẽ được kiểm soát trong mức độ mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, nhìn lại cả giai đoạn, lạm phát dài hạn có vẻ đi xuống, cho thấy xu hướng lạm phát được kiểm soát tốt hơn về dài hạn. Những năm 2013 trở về trước, lạm phát của chúng ta cao hơn thế giới. Giai đoạn 2014-2020 lạm phát ngang bằng thế giới.
Từ 2021-2023 lạm phát của ta thấp hơn thế giới, cho thấy lạm phát được kiểm soát tốt hơn trong giai đoạn gần đây. Về tỷ giá và lãi suất, tôi cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định và lãi suất tương đối yên bình. Đây là một trong những thành công, sự dũng cảm trong bối cảnh phải chịu sức ép lãi suất cao và tỷ giá cao bên ngoài.
Năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu không tăng lãi suất và có thể còn giảm. Như thế áp lực đến lãi suất trong nước không còn, hơn nữa tín dụng đang tăng thấp, nên lãi suất khó có khả năng tăng. Nhưng lãi suất khó giảm tiếp vì phải bảo đảm thực dương, tức căn cứ vào lạm phát nếu lãi suất huy động giảm thấp, tiền sẽ đổ vào chứng khoán, bất động sản hay vàng.
Lãi suất khó giảm còn do chúng ta vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá, mà lãi suất là công cụ để giữ ổn định tỷ giá. Lãi suất còn liên quan đến dòng vốn vào – ra. Nếu lãi suất trong nước quá thấp, dòng vốn sẽ ra và gây áp lực lên tỷ giá. Như vậy, cơ hội giảm lãi suất trong năm 2024 rất nhỏ, nếu có giảm cũng chỉ ở mức độ không đáng kể, bởi giảm lãi suất thấp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro.
– Năm 2024 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến kỳ thanh toán, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục cho kéo dài thời gian thanh toán trái phiếu?
– Sau rất nhiều vấn đề của năm 2022, thị trường TP đã chững lại. Tháng 3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cho phép gia hạn thời gian thanh toán, hoán đổi tài sản, thanh lý tài sản thế chấp. Từ đó thị trường TP có dấu hiệu khả quan hơn.
Năm 2023 ta đã thành công trong việc giãn quá trình trả nợ. Nhưng Nghị định 08/2023 sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Số lượng TP đến kỳ đáo hạn trong năm 2024 rất lớn, lên tới 700.000 tỷ đồng, trong đó có 345.000 tỷ đồng TP đến hạn trong năm 2024, cộng với 250.000 tỷ đồng TP đến hạn từ năm 2023 được giãn trả nợ sang, trong khi phần lớn DN phát hành TP đang thiếu dòng tiền.
Nếu cho phép kéo dài thời gian đáo hạn TP, tiếp tục thực hiện một số quy định tại Nghị định 08 theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho thị trường trong năm 2024, sẽ tạo niềm tin cho thị trường TP. Nhưng nếu không cho giãn thời gian thanh toán, DN phát hành TP sẽ phải thu hút lượng không nhỏ trên thị trường tiền tệ để thanh toán TP.
Như thế sẽ gây ra vấn đề không nhỏ đến lãi suất giống như đã từng gặp ở năm 2022, gây sức ép tới thị trường tiền tệ. Nếu thị trường TP giảm sút sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế và áp lực vốn lại dồn lên ngân hàng.
– Để ổn định tài chính vĩ mô, không rơi vào tăng trưởng thấp, cần thực hiện những giải pháp gì?
– Theo tôi cần thực hiện các giải pháp điều chỉnh tăng tổng cung và tăng tổng cầu của nền kinh tế. Để tăng cầu, đầu tiên vẫn là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bằng giải pháp mạnh, thí dụ có cơ chế thưởng phạt bằng tiển.
Thứ hai, kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, lương tăng sẽ kích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu…
Thứ ba, tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ DN, để kích cầu. Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết ngày 30-6-2024 là chính sách hợp lý, và nếu cần có thể xem xét kéo dài đến hết năm 2024.
Để tăng cung, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm giảm các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế để thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; có các chính sách cụ thể, chi tiết hỗ trợ các DN, từng ngành, từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó cần quan tâm đến thanh khoản thị trường. Vấn đề rất quan trọng là phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chủ động trong thông tin và định hướng chính sách, cải thiện minh bạch và trách nhiệm giải trình với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cần xử lý nhanh các tổ chức tín dụng có vấn đề, từng bước giải quyết tình trạng cho vay DN sân sau nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính – tiền tệ.
Theo Hà Linh/SGGP-ĐTTC
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này