10:51 - 01/12/2021
Việt Nam và Thái Lan hình thành ‘bong bóng du lịch’ trong tháng 12
Dự kiến trong tháng 12 này, đoàn khách Thái Lan đầu tiên sẽ đến Việt Nam, và sau đó người Việt Nam sẽ được đi du lịch Thái Lan và nhiều nước khác theo hình thức “bong bóng du lịch”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã xác nhận thông tin này tại diễn đàn “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam” ngày 30/11.
“Trên tinh thần trao đổi giữa hai bên, tới đây Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) sẽ có phiên họp, nội dung đang được chuẩn bị kỹ. Trong đó có liên quan đến việc trao đổi khách ở giai đoạn 2 triển khai thí điểm đón khách quốc tế của Việt Nam”, ông Khánh phát biểu.
Như vậy, “bong bóng du lịch” với Thái Lan sẽ là mô hình để Việt Nam mở cửa du lịch với nhiều nước khác trong thời gian sắp tới.
Từ cuối tháng 11, khi Việt Nam triển khai thí điểm đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc xin, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay đã có 3/5 địa phương đón khách quốc tế trở lại là Quảng Nam, Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa. Tính đến ngày 29-11, số khách quốc tế đến Việt Nam là 978 khách.
Từ đầu tháng 5, Thái Lan có kế hoạch xây dựng “bong bóng du lịch” thông qua các thoả thuận song phương với các nước kiểm soát dịch bệnh Covid-19, như Việt Nam, Singapore, Lào và Malaysia. Nhưng đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8 vừa rồi đã khiến kế hoạch này bị đình lại.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng những thành công ban đầu của Thái Lan trong việc đón khách theo mô hình “Phuket Sandbox” là kinh nghiệm cho Việt Nam học hỏi.
Du lịch Việt Nam sẽ từng bước mở cửa nhưng trong lộ trình chặt chẽ, kiểm soát tốt để đảm bảo an toàn. Trước mắt, Việt Nam sẽ ưu tiên đón khách ở thị trường an toàn, có chọn lựa như Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số nước Tây Âu, Mỹ…
Nếu việc triển khai chương trình “bong bóng du lịch” với Thái Lan, từ đó mở ra một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Campuchia… thì khách du lịch trong nước cũng có cơ hội được đi du lịch nước ngoài một cách an toàn.
Như vậy, Việt Nam đang dần tiến tới mở cửa hoàn toàn cả ba mảng thị trường: khách nội địa, khách inbound (đón khách quốc tế) và outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài).
1/ Giá vàng thế giới được niêm yết trên Kitco là 1.788,4 USD/oz, giảm 2,6 USD/oz. Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng giá vàng sẽ có xu hương xuống thấp hơn, có thể do lãi suất tăng hoặc do làn sóng bán chốt lời trên thị trường hàng hóa. Giá vàng miếng SJC giao dịch quanh ngưỡng 59,75-60,45 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá hai đầu vẫn giữ 700.000 đồng.
2/ Hơn 700.000 người đã rút bảo hiểm xã hội một lần tính đến hết tháng 10 là con số được đưa ra trong văn bản Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố tối 30/11. Theo thống kê, con số trên gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng 5,45% cùng kỳ năm 2020. Tổng LĐVN cho rằng: “Tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động”. Tổ chức công đoàn Việt Nam cho rằng việc người lao động rút BHXH một lần sẽ tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung.
3/ Đắk Nông đã trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông. 16 hộ hay trang trại sản xuất hộ tiêu của tỉnh đã được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL
CDĐL “Đắk Nông” là dấu hiệu dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm: tiêu đen, tiêu đỏ và tiêu trắng. Các sản phẩm này có chất lượng đặc thù, được thu hoạch từ cây hồ tiêu trồng trên địa bàn tỉnh. Đây là CDĐL thứ 111 của cả nước và đầu tiên của tỉnh Đắk Nông.
4/ Ba nguồn tin của Reuters cho biết Tập đoàn Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư về việc huy động khoảng 1 tỷ USD cho VinFast – công ty con trong lĩnh vực xe hơi của Vingroup. Các đối tác tiềm năng bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Qatar và BlackRock. Thương vụ huy động vốn được thực hiện trong bối cảnh Vinfast đang nuôi tham vọng tiến vào thị trường Mỹ bằng các mẫu xe SUV chạy điện và mô hình cho thuê pin.
Thương vụ huy động vốn tư nhân 1 tỷ USD có thể được hoàn tất sớm trong tháng 12 này. Vinfast cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường Mỹ, sớm nhất là trong năm 2022.
5/ Hôm 30-/11, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) họp báo công bố chương trình “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com.
Gian hàng Quốc gia Việt Nam sẽ là không gian hàng hoá Việt đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung do Cơ quan phía Việt Nam (Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số) chủ trì triển khai qua phương thức thông thương mại điện tử xuyên biên giới.
Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình.
6/ Giá quặng sắt và các nguyên liệu phục vụ sản xuất thép tại Trung Quốc đã tăng lên trong phiên giao dịch 30/11 khi nhiều hãng sản xuất thép tại nước này tăng cường dự trữ quặng. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo đà tăng giá này không bền vững khi nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc ở mức yếu. Giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã tăng 2,4% lên 610 nhân dân tệ (95,75 USD/tấn). Trong đầu phiên giao dịch, đã có lúc giá quặng sắt bật tăng mạnh tới 6,4% lên 633 nhân dân tệ/tấn.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường SteelHome (Trung Quốc) cho thấy giá quặng sắt giao ngay loại chứa 62% hàm lượng sắt tại Trung Quốc đã tăng thêm 3 USD lên mức 105 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 29/11.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc bật tăng mạnh khi nhiều hãng sản xuất thép nước này tăng cường dự trữ quặng. Trong khi đó, giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc vẫn còn ở mức yếu khi hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng và bất động sản tại nước này suy giảm, khiến nhu cầu sử dụng thép ở mức thấp.
7/ Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ đã duy trì tăng trưởng, song dịch bệnh tái bùng phát đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế, bắt đầu từ khi xuất hiện biến thể Delta đầu mùa hè vừa qua.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, ông Powell nói rằng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 gần đây cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron tiềm ẩn mối đe dọa đối với thị trường việc làm và hoạt động kinh tế, đồng thời làm gia tăng sự bất ổn về lạm phát. Lo ngại nguy cơ nhiễm biến thể mới, nhiều người lao động sẽ có tâm lý ngại ngần làm việc trực tiếp. Điều này làm chậm quá trình phục hồi của thị trường lao động, cũng như khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.
Người đứng đầu Fed thừa nhận tỷ lệ lạm phát đang “cao hơn” mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
8/ Theo Eurostat (Cơ quan thống kê châu Âu), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở EU tháng 11 đã tăng lên 4,9% so với mức 4,1% ghi nhận trong tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi cơ quan thống kê này bắt đầu thu thập dữ liệu trong hơn 20 năm qua. CPI tháng 11 cũng cao hơn 2 lần so với mục tiêu 2% do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.
Hồi đầu tháng 11, thành viên ban lãnh đạo của ECB, nhà kinh tế học người Đức Isabel Schnabel, dự đoán lạm phát sẽ tăng lên mốc cao nhất trong tháng 11 này kể từ khi ECB phát hành đồng euro vào năm 1999. Bên cạnh đó, bà Isabel nhận định đà tăng trên có thể sẽ chậm lại trong năm tới.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, lạm phát tăng đang tạo sức ép đối khiến ECB và Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạn chế triển khai các chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn, với việc các thị trường lo ngại rằng giới hoạch định chính sách có thể sớm cắt giảm lãi suất nhằm kìm hãm giá cả leo thang.
9/ Chi nhánh Thâm Quyến của Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) mới đây đã ra thông báo phạt nền tảng thanh toán trực tuyến Tenpay của Tencent Holding vì vi phạm các quy tắc ngoại hối, giữa bối cảnh các nhà chức trách nước này tăng cường giám sát ngành công nghệ tài chính (fintech) ở Trung Quốc. SAFE cho biết đã phạt Tenpay 2,78 triệu nhân dân tệ (436.000 USD) vì các hành vi sai trái, bao gồm hoạt động kinh doanh ngoại hối vượt quá phạm vi đăng ký của mình. Cơ quan quản lý ngoại hối cũng đã đưa ra một số cảnh báo cho công ty, tiến hành tịch thu các khoản thu lợi bất hợp pháp và yêu cầu phía Tenpay khắc phục các vi phạm của mình.
Theo Ricky Hồ/BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này