16:04 - 24/11/2023
Thị trường 24/7: Cả nước chỉ có 305 công trình xanh; Louis Vuitton muốn tổ chức đoàn tàu cổ Bắc – Nam
Louis Vuitton muốn tổ chức đoàn tàu cổ hạng sang tuyến Bắc – Nam: Trao đổi với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng ngày 23/11, Đại sứ Pháp Olivier Brochet nói, nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm, tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Đơn cử, trong lĩnh vực đường sắt, một số hãng thời trang, thương hiệu nổi tiếng trong đó có Louis Vuittton, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch. Tuyến đường sắt Bắc – Nam, với điểm đầu – cuối là Hà Nội và TP.HCM, dài 1.730 km, từng được Lonely Planet (trang cẩm nang du lịch lớn nhất thế giới) đánh giá là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.
Đại sứ nói, doanh nghiệp sẽ sửa chữa, cải tạo những toa tàu cổ, đã khai thác từ 30 năm trở lên rồi nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, ông đề xuất Bộ cho phép có các ngoại lệ so với quy định hiện nay để các toa tàu có thể chạy trên đường sắt Việt Nam.
Công bố bảng xếp hạng 100 nơi làm việc tốt Việt Nam 2023: Ngày 23/11, Anphabe đã chính thức công bố kết quả Bảng xếp hạng 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2023 với nhiều thay đổi đáng chú ý. Năm nay, bảng xếp hạng được tách thành 2 hạng mục với quy định và tiêu chí riêng gồm: Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối doanh nghiệp lớn và Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối doanh nghiệp vừa.
Vị trí số 1 bảng xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2023 khối doanh nghiệp vừa thuộc về PepsiCo Việt Nam. Bảng xếp hạng Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2023 khối doanh nghiệp vừa có sự hiện diện của nhiều tên tuổi uy tín theo nhiều ngành nghề, đại diện cả các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài: Jolibee Việt Nam, Generali Việt Nam; BMB Steel, Jabil Việt Nam, McDonald’s Việt Nam…
Vị trí số 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2023 khối doanh nghiệp lớn toàn thị trường thuộc về Nestlé Việt Nam. Ngoài ra, bảng xếp hạng ̀khối doanh nghiệp lớn năm nay còn ghi nhận nhiều tên tuổi nổi bật khác, điển hình như: Vingroup, Acecook Việt Nam, AEON Việt Nam, Dược Hậu Giang, CJ Foods Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), PNJ Group…
PNJ được bình chọn ‘Hội đồng quản trị của năm’: PNJ được VIOD vinh danh “Hội đồng quản trị của năm 2022” (Board of the Year) tại diễn đàn thường niên AF6 ở Hà Nội, ngày 22/11.
Suốt chặng đường sản xuất, kinh doanh, PNJ có nhiều dấu ấn nổi bật nhờ định hướng, chiến lược phù hợp của Hội đồng quản trị. Từ năm 2022, đơn vị đẩy mạnh ESG, công bố thành lập Ủy ban Môi trường, Xã hội và Quản trị.
Những năm qua, PNJ được ghi nhận nhiều thành tích: Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2023 của tạp chí Nhịp cầu đầu tư; 9 lần liên tiếp vào Top 50 đơn vị niêm yết xuất sắc do Forbes Việt Nam tổ chức… Brand Finance đánh giá đơn vị là “Thương hiệu trang sức giá trị nhất Việt Nam 2023”, ước tính 428,43 triệu USD, tăng 17% so với 2022.
Giá dầu đi ngang khi cuộc họp OPEC+ bị trì hoãn: Giá dầu hầu như không biến động nhiều vào thứ Năm (23/11), sau khi OPEC+ hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng làm dấy lên quan điểm rằng các nhà sản xuất có thể cắt giảm sản lượng ít hơn dự đoán trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent tương lai lùi 54 cent, tương đương 0,66%, xuống mức 81,42 USD/thùng, sau khi bốc hơi tới 4% vào thứ Tư. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ không thay đổi ở mức 77,10 USD, sau khi trượt dài tới 5% trong phiên trước đó. Hoạt động thương mại dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn ở Mỹ.
Trong một động thái bất ngờ, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, gọi chung là OPEC+ đã trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng đến ngày 30/11, nơi họ dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu.
Lạm phát Nhật Bản tăng tốc trở lại sau 4 tháng: Lạm phát lõi của Nhật Bản lại tiến sát 3%, làm tăng sức ép buộc ngân hàng trung ương chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Số liệu do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố ngày 24/11 cho thấy lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm) là 2,9% trong tháng 10. Trước đó, số liệu này đã đi xuống 4 tháng liên tiếp, về 2,8% trong tháng 9 – lần đầu tiên dưới 3% kể từ tháng 8/2022.
Lạm phát nước này đã cao hơn mục tiêu 2% của BOJ suốt 19 tháng qua. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định sức ép giá là do giá hàng hóa toàn cầu cao và đồng yen yếu. Họ không cho rằng giá cả tại Nhật Bản đã tăng bền vững nhờ nhu cầu nội địa và lương.
EU dựng ‘bức tường xanh’ ngăn chặn hàng dệt may châu Á: Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành hàng loạt chính sách và yêu cầu thương mại mới đối với việc xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường châu Âu từ năm 2021 với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Báo Asia Times gọi các quy định này là “bức tường xanh” chặn hàng dệt may châu Á, đồng thời nhận định nó là dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Trong đó Chiến lược hàng dệt may bền vững và tuần hoàn (EUSSCT) do EU ban hành vào tháng 6-2022 có thể tạo ra tác động đáng kể đến các nhà sản xuất hàng dệt may ở châu Á, khu vực cung cấp hơn 70% sản phẩm may mặc cho EU.
Đạo luật EUSSCT quy định các công ty kinh doanh hàng may mặc phải tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Chiến lược này là nền tảng giúp EU đạt được mục tiêu tiêu thụ quần áo bền vững, đồng thời biến họ trở thành khu vực tiên phong trong việc buộc các đối tác thương mại áp dụng sản xuất bền vững.
WB đề xuất Chính phủ kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024: Do tốc độ phục hồi kinh tế chậm, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 để các dự án đầu tư được triển khai thuận lợi. Đây là một trong những đề xuất mà Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10 vừa được phát hành.
Trong báo cáo này, WB trích dẫn các số liệu cho thấy thu hút FDI của Việt Nam đang là điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu. Cụ thể, cam kết FDI lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 đạt 25,7 tỷ đô la Mỹ, cao hơn 14,7% so với cùng kỳ năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu, chủ yếu nhờ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định và cởi mở của Việt Nam. Vốn FDI thực hiện lũy kế đạt 18 tỷ đô la, tăng 3,2% so với một năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực quan trọng trong thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Tuy vậy, trong bức tranh kinh tế tổng thể thì tốc độ phục hồi kinh tế Việt Nam vẫn còn chậm. Vì thế, WB tư vấn Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 để các dự án đầu tư được triển khai đầy đủ.
Cả nước chỉ có 305 công trình xanh: Tại Việt Nam, công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải 38% lượng khí thải các bon. Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, theo số liệu báo cáo, tính đến hết quý 3 năm 2023, cả nước có 305 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu m2.
Công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng 15 năm. Theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của dự án đầu tư xây dựng, công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Hiện có 4 hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh phổ biến ở Việt Nam gồm: Lotus của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; Edge do Tổ chức Tài chính quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, IFC-WB cấp; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ và Greenmark của Singapore.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này