
16:41 - 29/08/2023
Thị trường 24/7: Trung Quốc đối mặt nguy cơ đình trệ kiểu Nhật Bản; Xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ, tăng gần 60%

Từ năm 2017 đến nay, thủy sản Việt Nam đã bị thị trường EU đưa vào diện cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU).
Nếu bị ‘thẻ đỏ’, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản sang EU: Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự kiến tháng 10/2023, đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ tư đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Nếu chưa gỡ được “thẻ vàng” không chỉ làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam. Theo ước tính của VASEP, nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị gần 500 triệu USD/năm. Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.
Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.
Khách quốc tế đến Việt Nam gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước: Theo Tổng cục Thống kê, tháng 8/2023, Việt Nam đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,2% so với tháng trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tính chung 8 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt trên 7,8 triệu lượt, đạt 98% kế hoạch năm 2023. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 8 tháng qua với 2,2 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 950.00 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 503.000 lượt.
Trong top 10 thị trường khách quốc tế hàng đầu của Việt Nam, Đông Bắc Á có 4 thị trường: Ngoài Hàn Quốc và Trung Quốc còn có Đài Loan (498.000), Nhật Bản (349.000); Đông Nam Á có 3 thị trường gồm Thái Lan (321.000); Malaysia (293.000); Campuchia (256.000). Úc xếp ở vị trí thứ 9 (252.000) và Ấn Độ thứ 10 (247.000).
Trong tháng 8/2023, lượng khách quốc tế đã đạt 80% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng đã phục hồi gần 70% so với thời điểm trước dịch và đạt 98% kế hoạch cả năm 2023. Trong thời gian 4 tháng còn lại, dự báo ngành du lịch sẽ đón một lượng lớn khách quốc tế vì vào mùa cao điểm.
Bất ổn kinh tế tiếp tục giáng đòn vào ngành thép và than của Trung Quốc: Đà tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc “tàn phá” các ngành thép và than trong nước với lợi nhuận từ hoạt động khai thác than đến sản xuất kim loại tiếp tục giảm, TBKTSG dẫn tin từ Bloomberg cho biết.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 27/8, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lợi nhuận của các nhà sản xuất kim loại đen (chứa sắt) giảm gần 91% trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất kim loại cơ bản chứng kiến lợi nhuận giảm 37% và các công ty khai thác than giảm 26% trong cùng kỳ. Tất cả mức giảm này đều cao hơn mức giảm ợi nhuận trung bình 16% của tất cả các ngành công nghiệp của Trung Quốc.
Các báo cáo thu nhập mới cho thấy bức tranh ảm đạm đang bao trùm ở các công ty thuộc nền kinh tế kiểu cũ. Sinopec, công ty lọc dầu hàng đầu Trung Quốc, báo cáo thu nhập ròng nửa đầu năm giảm 19% do sự phục hồi nhu cầu chậm chạp. China Shenhua Energy Co., công ty khai thác than lớn nhất của Trung Quốc, chứng kiến thu nhập ròng giảm 13% trong cùng kỳ. Than, nhiên liệu chính của các ngành công nghiệp Trung Quốc, có thể vẫn chịu áp lực. Giá than đã giảm gần 1/3 trong năm nay sau khi Bắc Kinh ra lệnh tăng nguồn cung để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất sau khi nền kinh tế tái mở cửa vào hồi đầu năm nay.
Giá gạo xuất khẩu Việt cao nhất thế giới sau lệnh áp thuế của Ấn Độ: Kết phiên ngày 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng cao lên 643 USD một tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD một tấn, theo VnExpress.
Trong lúc các loại gạo Việt đồng loạt tăng trong 5 phiên gần nhất, hàng Thái lại quay đầu giảm. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Thái Lan phiên 28/8 rớt xuống 563 USD một tấn, thấp hơn gạo Việt 65 USD. Tương tự, gạo 100% tấm Thái Lan rớt xuống 459 USD một tấn.
Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ thường từ 20/7 đã làm thị trường gạo thế giới tăng nhanh. Mới đây, 25/8, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. Nói với VnExpress, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới cho biết, Myanmar tháng tới có thể hạn chế xuất khẩu tất cả loại gạo. Những động thái này đang làm giảm lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ, Myanmar, đẩy giá xuất khẩu vào đợt tăng mới.
Xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ, tăng gần 60%: TTXVN dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu nhóm hàng rau quả 8 tháng năm 2023 đạt 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá trị trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỷ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỷ USD vào năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, thời gian tới, vụ sầu riêng chính ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn và trái vụ so với các nước khác sẽ góp phần đưa giá trị xuất khẩu rau quả còn tiếp tục tăng cao.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng và khác so với năm 2022 là số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã tăng gấp nhiều lần. Đến nay, đã có hơn 300 các mã số vùng trồng sầu riêng và gần hơn 100 mã số cơ sở đóng gói. Do vậy hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ cho việc xuất khẩu cho các diện tích và sản lượng sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên đi một cách thuận lợi.
Việt Nam, Singapore khởi công, chấp thuận đầu tư 5 dự án VSIP mới: Trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long, sáng 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long dự Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao cho đại diện VSIP quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án VSIP mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận. Hai Thủ tướng và các đại biểu cũng thực hiện nghi thức khởi công các dự án mới của VSIP gồm VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.
Mới chỉ 40 nghìn người có chứng chỉ môi giới bất động sản: VnEconomy dẫn thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết hiện nay có 200 nghìn người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên mới chỉ khoảng 40 nghìn người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.
Theo phân tích của VARS, trên thế giới, nhiều nước đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến hoạt động môi giới như: Hàn Quốc, Úc, Mỹ Anh, Thụy Điển… Trong đó, nhiều nước còn quy định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tại các điều luật. Thậm chí ở một số nước, Hiệp hội ngành nghề còn là đơn vị cấp chứng chỉ môi giới. Ví dụ ở Anh, thẻ hành nghề môi giới bất động sản được cấp bởi Hiệp hội Bất động sản (National Association of Estate Agents -NAEA), còn tại Úc, do các tổ chức đào tạo của Hiệp hội ANTA. Trong khi đó tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bất động sản có cả 1 chương, mục liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản, nhưng lại chưa có quy định về tổ chức nào là đầu mối để hỗ trợ nhà nước kiểm soát các đối tượng này
Trung Quốc đối mặt nguy cơ đình trệ kiểu Nhật Bản: Thay vì đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, Trung Quốc đang bắt đầu đối mặt nguy cơ đình trệ như Nhật Bản vào những năm 1990,
. Vào thời điểm đó, “bong bóng” tài sản vỡ đã khiến Nhật Bản bước vào “thập kỷ bị đánh mất” với 30 năm đình trệ. Tăng trưởng kinh tế giảm từ mức trung bình 4,5% trong những năm 1980 xuống 1%.Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không giảm xuống mức quá thấp. Nhà kinh tế Stephen Roach tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai, Trường Yale, cho rằng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trưởng ở mức 3%. Theo ông Roach, Trung Quốc đang chịu sức ép khi mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với Nhật Bản. Mặc dù kinh tế lao dốc, Nhật Bản vẫn là một nước giàu.
Theo Capital Economics, Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này năm 2022 chỉ là 12.756 USD. Mức này gần bằng 1/6 của Mỹ và chỉ vượt không đáng kể so với trung bình toàn cầu. Nếu đình trệ vào thời điểm này, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang giảm đi kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2015. Lực lượng lao động ở nước này vào năm 2030 sẽ giảm 26 triệu người so với 15 năm trước và giảm gần 25% vào năm 2050, tương đương 239 triệu người.
Có thể bạn quan tâm
Hàn Quốc tranh luận sôi nổi vì ‘giá mì ăn liền’
TP.HCM đề xuất các giải pháp lưu thông hàng hóa và đi lại với 5 tỉnh lân cận
Giá tiêu tăng trở lại
Huawei chuyển hướng sang nuôi heo công nghệ cao
Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc
Tin khác


Thị trường 24/7: Người Việt chi 33,3 triệu USD mua tôm hùm Australia; Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Singapore giảm mạnh

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này