
17:11 - 22/01/2024
Thị trường 24/7: Vàng SJC giảm còn 76 triệu đồng mỗi lượng; Xuất khẩu rau quả tăng đột biến tháng đầu năm
Vàng SJC giảm còn 76 triệu đồng mỗi lượng: Giá vàng SJC lùi về mức 76 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng giao dịch ở mức 2.023 USD/ounce. Theo đó, giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 15,2 triệu đồng/lượng.
Đầu giờ chiều 22/1, giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở mức 73,5 – 76 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng chiều mua và giảm 700.000 đồng chiều bán. Chênh lệch giá mua – giá bán duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn lại tăng lên. Vàng nhẫn SJC 99,99 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ được niêm yết ở mức 62,8 – 64 triệu đồng/lượng, cao hơn 150.000 đồng so với chốt phiên cuối tuần. Tuy nhiên, giá vàng miếng của SJC cao hơn vàng nhẫn SJC đến 12 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tăng vượt mốc 25.000 đồng: Phiên đầu tuần, giá USD trên thị trường chính thức đồng loạt giảm. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường chợ đen lại bất ngờ tăng rất mạnh.
Theo cập nhật giá cả từ thị trường, tỷ giá USD trên thị trường tự do hôm nay đã tăng 180 đồng chiều mua và 200 đồng chiều bán so với mức giá niêm yết trước đó. Theo đó, đồng USD giao dịch phi chính thức ở mức tại 24.980 – 25.080 đồng/USD (giá mua – giá bán).
Đáng chú ý, tỷ giá trên thị trường tự do đã đi ngược xu hướng của thị trường chính thức. Ngày 22/1, tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được NHNN công bố ở mức 24.031 đồng/USD, giảm 6 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn là 22.829 đồng/USD, tỷ giá trần là 25.233 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá mua – bán USD cũng đồng loạt giảm. Đầu giờ chiều, Vietcombank niêm yết về mức 23.330 – 24.700 đồng/USD, giảm 15 đồng cả hai chiều so với cuối tuần trước.
Xuất khẩu rau quả tăng đột biến tháng đầu năm: Theo số liệu sơ bộ từ Hiệp hội Rau quả công bố dựa trên tính toán từ hải quan, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu rau quả đạt 459 triệu USD, tăng 89,2% so với cùng kỳ 2023. Đây cũng là tháng đầu năm có tăng trưởng cao nhất so với các năm trước.
Xuất khẩu rau quả tháng đầu năm tăng mạnh do các sản phẩm sầu riêng, chuối, thanh long được Trung Quốc mua nhiều. Hiện, các đợt lạnh liên tục khiến nguồn cung chuối nội địa của Trung Quốc hạn chế. Nhiệt độ xuống thấp, trái chuối trên cây bị bầm đen không bán được. Thị trường Trung Quốc khan hàng giúp hoạt động xuất khẩu chuối Việt Nam thuận lợi hơn.
Ngoài ra, giữa năm, thanh long Trung Quốc dồi dào, nay đang hết vụ. Theo truyền thống, người Trung Quốc rất thích dùng quả thanh long làm vật phẩm thờ cúng trong Tết nên nhu cầu tăng cao. Mùa tiêu thụ thanh long của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc thường kéo dài từ đầu năm đến cuối tháng 5 hàng năm.
Giá hồ tiêu tăng mạnh: Ngày 20/1, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết trong 15 ngày đầu tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 7.616 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 triệu USD.
Theo khảo sát, giá tiêu liên tục tăng lên trong 5 ngày gần đây, hiện dao động trong khoảng 79.500 – 82.500 đồng/kg tại thị trường nội địa. Cụ thể, giá hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai và Gia Lai từ 79.500 – 80.000 đồng/kg; tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Phước, ở mức 81.500 đồng/kg và 82.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông 82.500 đồng/kg.
Trên các diễn đàn, nhiều hộ nông dân dự báo giá hồ tiêu sẽ còn tăng cao, vượt qua mốc 100.000 đồng/kg và quay lại thời kỳ hoàng kim, tương tự như mặt hàng cà phê hiện nay.
Ngân hàng phải công khai cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ: Từ 1/7, ngân hàng phải công bố thông tin những cổ đông nắm từ 1% vốn cùng người có liên quan, theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hôm 18/1.
Theo đó, kể từ 1/7/2024 khi luật này có hiệu lực, các ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe hơn về tỷ lệ sở hữu của cổ đông cũng như việc minh bạch thông tin.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng ban hành từ 2010 (hiện hành), các ngân hàng chỉ phải công khai thông tin của thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành cùng người có liên quan… Các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán có thêm quy định về Luật chứng khoán là công bố thông tin với các cổ đông lớn, nhóm người liên quan nắm từ 5% vốn trở lên. Tuy nhiên, Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi vừa thông qua yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng.
GSM có thêm dịch vụ cho thuê xe tự lái: Công ty CP Di chuyển xanh và Thông minh GSM sau khi có dịch vụ taxi điện, xe ôm điện, giao hàng bằng xe máy điện thì nay có thêm dịch vụ cho thuê xe tự lái. Theo đó, khách hàng có nhu cầu thuê xe tự lái trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến có thêm lựa chọn thuê xe tự lái bằng ô tô điện từ 5-7 chỗ ngồi.
Gói thuê xe theo ngày có mức giá từ 720.000 đồng, giới hạn quãng đường tối đa là 200 km/ngày. Trường hợp người thuê xe sử dụng vượt số km quy định trong ngày sẽ được phụ thu từ 2.500-7.000 đồng/km, tùy mẫu xe.
Đối với gói cho thuê từ 1 ngày đến dưới 30 ngày đối với xe VF 5 là 720.000 đồng/ngày; VF e34 là 1,050 triệu đồng/ngày, VF 8 Eco 1,5 triệu đồng/ngày, VF 8 Plus 1,67 triệu đồng/ngày, VF 9 Eco 2,33 triệu đồng/ngày và VF 9 Plus 2,55 triệu đồng/ngày.
Bộ Giao thông yêu cầu hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ: Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng hải VN yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ tăng cao.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo đảm hệ thống cảng biển thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, nghiên cứu, triển khai ngay các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải.
Cục Hàng hải có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng và việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu thuyền vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ, châu Âu. Đồng thời, khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về VN, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa.
Indonesia sẽ chi 7,6 tỷ USD cho an ninh lương thực trong năm 2024: Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, năm 2024, Chính phủ Indonesia phân bổ 114.300 tỷ rupiah (tương đương 7,6 tỷ USD) từ ngân sách cho an ninh lương thực, tăng 13.400 tỷ rupiah so với năm 2023. Khoản chi này nhằm bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho 278,8 triệu dân số (tính đến năm 2023).
Trong kế hoạch ngân sách nhà nước (APBN) năm 2024, khoản ngân sách này được đưa vào chi tiêu ưu tiên của năm, cùng với ngân sách dành cho giáo dục, bảo trợ xã hội, y tế, luật pháp và quốc phòng.
Liên tục trong 5 năm qua, ngân sách an ninh lương thực của Indonesia đã duy trì xu hướng tăng, từ 75.000 tỷ rupiah (năm 2020), lên mức 114.300 tỷ rupiah năm 2024. Tuy nhiên, ngành lương thực, thực phẩm ở Indonesia vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong sản xuất lương thực. Khoản ngân sách trên sẽ nhằm tăng cường tính sẵn có, khả năng tiếp cận và ổn định giá lương thực.
Có thể bạn quan tâm
Bản tin hội nhập số 119
‘Mua bán nước trời’
Thị trường 24/7: Giá USD thị trường tự do giảm sâu; Mỗi tín chỉ carbon lúa của Việt Nam được định giá 20 USD
Niềm tin nhà đầu tư vẫn còn, nhưng cần sớm có lộ trình mở cửa rõ ràng
Thị trường 24/7: USD ngân hàng vượt mốc 25.000 đồng; Thái Lan giảm thuế rượu để kích cầu du lịch
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng dầu giảm lần thứ ba liên tiếp; Thái Lan tăng cường quản lý nguồn cung trái cây

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này