
16:24 - 06/11/2023
Thị trường 24/7: Giá USD ngân hàng giảm mạnh; Elon Musk ra mắt Grok cạnh tranh với ChatGPT

Mỹ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu của Việt Nam.
Mỹ điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhôm nhập từ Việt Nam: Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 24/10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm của nhôm nhập khẩu từ 15 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Mỹ. Phía nguyên đơn cho rằng căn cứ số liệu của Hải quan Mỹ, trong năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào quốc gia này, đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, sau Mexico, Colombia, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ lần lượt là 12,9%, 10,2% và 9,1%).
Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty của Việt Nam. Ngoài 14 công ty này, còn có các công ty khác cũng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Mỹ. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 41,84% (biên độ phá giá cáo buộc cho 15 quốc gia/vùng lãnh thổ trong khoảng từ 25,89%-376,85%) và thấp hơn so với mức cáo buộc đối với 3 nước xuất khẩu cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Việt Nam áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm sợi dài làm từ polyeste: Việt Nam đã đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 3,24% và cao nhất là 12,39%.
Thông tin trên được nêu trong Quyết định số 2866/QĐ-BCT ngày 1/11/2023 về thông báo kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Ấn độ, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Theo đó, có 29 tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu (tạm gọi là tổ chức) nằm trong danh sách của Bộ Công Thương, trong đó có 10 tổ chức chịu mức thuế 3,24%, mức thấp nhất trong quyết định 2866 nói trên. Có 8 tổ chức phải chịu mức thuế 8,05% và 4 tổ chức chịu mức thuế 8,24%. Có 7 tổ chức chịu mức thuế 12,39%, mức cao nhất được đề cập trong quyết định này.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng tăng 9,4%: Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vừa qua ước đạt 536.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng của năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105.400 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 20,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,9% (cùng kỳ năm ngoái tăng 16,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng của năm nay ước đạt 3.988.900 tỷ đồng, chiếm 78,1% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%). Đáng chú ý, doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng qua ước đạt 30.200 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước do các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Google, Facebook, Apple… đã nộp thuế hơn 11.000 tỷ đồng: Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến hết tháng 10 đã có 74 đơn vị đăng ký thuế khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp là 11.498 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 3.478 tỷ đồng; năm 2023 là 8.020 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo danh sách công bố trước đó, các nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế gồm các doanh nghiệp lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple…
So với cuối tháng 7, đã có thêm 12 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử và số thuế đã nộp cũng tăng thêm hơn gần 2.200 tỷ đồng. Riêng đối với cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử trong nước, tính đến ngày 18/10, đã có 375 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin.
Giá USD ngân hàng giảm mạnh: Ngày 6/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.064 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với cuối tuần và giảm khoảng gần 50 điểm so với mức đỉnh hồi tháng 10.
Giá USD được các ngân hàng thương mại cũng đi xuống. Vietcombank niêm yết giá USD quanh 24.230 đồng/USD mua vào, 24.570 đồng/USD bán ra, giảm tới 100 đồng/USD so với hôm qua. Eximbank, Sacombank cùng giao dịch USD mua vào 24.240 đồng/USD, bán ra 24.550 đồng/USD. Các mức giá này đã rất mạnh so với hồi tháng 10 khi đồng USD vượt xa vùng 25.000 đồng.
Tỷ giá trung tâm và giá USD trong ngân hàng hạ nhiệt sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản tại kỳ vọng chính sách tháng 11. Chỉ số đồng USD (DXY) có dấu hiệu đạt đỉnh và đang giảm mạnh xuống còn hơn 105 điểm đến sáng nay.
Đấu giá hạn ngạch nhập khẩu 119.000 tấn đường: Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô năm 2023 của Việt Nam là 119.000 tấn và sẽ được thực hiện theo phương thức đấu giá. Thời gian đấu giá là ngày 28/11, theo thông báo mới nhất từ Bộ Công Thương.
Cụ thể, những thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện có thể tham gia đấu giá lần này.
Số lượng đường trong hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao năm 2023 là 119.000 tấn với mức giá khởi điểm 2.300.000 đồng/tấn và bước giá là 50.000 đồng/tấn. Thời hạn nhận hồ sơ bắt đầu từ 8h sáng ngày 6/11 đến 17h chiều ngày 21/11/2023. Còn thời gian diễn ra đấu giá là ngày 28/11.
Mạng xã hội X ra mắt chatbot Grok cạnh tranh với ChatGPT: Tỷ phú Mỹ Elon Musk – chủ sở hữu mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã giới thiệu chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên “Grok” được tích hợp sẵn trên X và xe điện Tesla, cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT.
Trên trang mạng X, ông Musk cho biết chatbot Grok có thể đưa ra những câu trả lời mang tính hài hước và việc chatbot này được tích hợp sẵn trên X là một “lợi thế lớn” so với các mô hình chatbot AI khác. Sau giai đoạn thử nghiệm phiên bản beta, Grok sẽ ra mắt đối với những người dùng đăng ký dịch vụ X Premium+ (dịch vụ trả phí 16 USD/tháng và không bị quảng cáo làm phiền).
Grok là sản phẩm đầu tiên của công ty khởi nghiệp xAI do ông Musk sáng lập hồi tháng 7. xAI tập hợp các nhà nghiên cứu đến từ công ty công nghệ OpenAI (Mỹ), nhóm phát triển AI DeepMind của Google, Tesla và Đại học Toronto.
Giá các mặt hàng thiết yếu tại Hàn Quốc tăng mạnh: Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 5/11, trong 10 tháng đầu năm nay, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức tăng trên 5% trong ba năm liên tiếp. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn ở Hàn Quốc mức tăng hàng năm là 0% vào năm 2019, tăng 4,4% vào năm 2020 và sau đó tăng lần lượt 5,9% vào năm 2021 và 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn 2009-2011, tỷ lệ lạm phát của các mặt hàng này vượt 5% trong 3 năm liên tiếp.
Nguyên nhân khiến giá thực phẩm và đồ uống không cồn không giảm được cho chủ yếu là do giá thực phẩm chế biến và các sản phẩm khác tăng do giá nguyên liệu thô quốc tế, bao gồm dầu thô và ngũ cốc, tăng. Thời gian gần đây, với nhiệt độ bất thường, giá các loại rau củ quả ở Hàn Quốc cũng tăng theo. Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc dự đoán giá táo trong tháng 11 sẽ tăng tới 94% so với một năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Nghịch lý giá thịt heo
Vàng SJC vẫn ‘một mình một chợ’
Thị trường 24/7: Vàng SJC tiến sát ngưỡng 70 triệu đồng; DN nhỏ có cơ hội vay vốn với lãi suất 1,2%/năm
Du lịch Thái Lan dự báo thất thu năm thứ hai liên tiếp
Go2Joy – phao cứu sinh cho các khách sạn mỏi mòn đợi khách du lịch
Tin khác


Thị trường 24/7: Giá xăng RON95 giảm 34 đồng mỗi lít; Ấn Độ tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này