10:09 - 10/06/2021
Mỹ xếp Việt Nam vào mức có tỷ lệ lây lan Covid-19 thấp
Khuyến cáo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm cảnh báo mức độ 1, tức mức độ lây lan Covid-19 thấp.
Mức độ 1 được CDC công bố hôm 7/6 (giờ Washington) kèm với lời cảnh báo: “Hãy bảo đảm quý vị được tiêm chủng đầy đủ trước khi du lịch tới những điểm đến này.”
Mức độ 2, là mức trung bình, đi kèm cảnh báo: “Hãy bảo đảm quý vị được tiêm chủng đầy đủ trước khi du lịch tới những điểm đến này. Những du khách chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 nên tránh du lịch không cần thiết tới những điểm đến này.”
Cảnh báo đối với mức độ 3, mức lây nhiễm cao, là “Hãy bảo đảm quý vị được tiêm chủng đầy đủ trước khi du lịch tới những điểm đến này. Những du khách chưa tiêm chủng phải tránh các hành trình không cần thiết tới những điểm đến này.”
Mức cao nhất, mức độ 4, đi kèm lời khuyến cáo: “Tránh du lịch tới những điểm đến này. Nếu quý vị phải du lịch đến những điểm đến này, hãy bảo đảm bạn được tiêm vắc xin đầy đủ trước khi đi.”
Dù CDC thông báo nới lỏng khuyến nghị về du lịch đối với 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Canada, Mexico và Nhật Bản, nhưng từ chối dỡ bỏ bất kỳ hạn chế đi lại nhằm phòng chống Covid-19, theo Reuters.
Một số nước lân cận Việt Nam bị đánh giá có mức độ cao hơn gồm Campuchia, mức trung bình; Philippines nằm ở nhóm nguy cơ cao, tương đương với mức độ 3. Cùng trong nhóm này có Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), là nơi đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa thi đấu vòng loại World Cup 2022.
Trong khi đó, Nhật Bản được hạ mức cảnh báo xuống mức “cao” (mức độ 3), ngay trước thời điểm Olympic Tokyo. Trước đó, vào ngày 24/5, Bộ Ngoại giao Mỹ từng khuyến cáo công dân không đi tới Nhật Bản vì rủi ro dịch bệnh cao.
Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong nhóm lây lan rất cao, có Myanmar và Ấn Độ. Một số quốc gia đáng chú ý khác gồm Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Cuba…
Trong khi đó, tuy đã mở cửa cho du khách nước ngoài nhập cảnh, nhưng các tiểu bang và lãnh thổ thuộc Mỹ vẫn phân loại khách theo loại vắc xin mà họ đã tiêm. Trong một thông cáo nối lại chuyến bay từ Seoul đi Saipan – một lãnh thổ thuộc Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, hãng hàng không giá rẻ Jeju Air đã lưu ý hành khách về các quy định nhập cảnh của Saipan và Guam (lãnh thổ thuộc Mỹ).
“Guam và Saipan hiện miễn hai tuần cách ly bắt buộc đối với hành khách nhập cảnh đã tiêm các loại vắc xin Pifzer, Moderna và Janssen. Những khách tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc khách chưa tiêm vắc xin buộc phải thực hiện xét nghiệm tại phi trường và trãi qua hai tuần cách ly tại các khu cách ly ở địa phương”, nhật báo The Korea Times trích dẫn thông cáo của Jeju Air.
Nhật báo Hàn Quốc cũng nói rằng du khách Hàn Quốc đã tiêm ngừa đầy đủ vắc xin có thể đi du lịch đến những nước có tình hình dịch ổn định sớm nhất là trong tháng 7 tới.
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,65 – 57,25 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn giữ nguyên 600.000 đồng so với hai hôm đầu tuần. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.894 USD/ounce, giảm 5,7 USD, tương đương 0,3% so với chốt phiên trước. Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Pháp Société Générale nói rằng giá vàng sẽ có thể vượt ngưỡng 2.000USD/ounce trước thời điểm cuối năm 2021, tuy nhiên động lực tăng giá của vàng có thể đang yếu dần.
2/ Từ ngày 8/6, ví điện tử AirPay đã chính thức thông báo đổi tên thành ví ShopeePay. Cùng với nền tảng hợp tác sẵn có với Shopee, ví ShopeePay kỳ vọng sẽ mang đến cho người dùng các giá trị tiện ích, thuận lợi trong việc thanh toán và mua sắm. Được biết, ShopeePay sẽ khởi động chương trình “Dùng ShopeePay, giảm ngay 50%” từ ngày 13 đến 16/6 cho người dùng khi tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử Shopee và thanh toán qua ví ShopeePay. Theo đó, người dùng ShopeePay sẽ có 3 ưu đãi độc quyền gồm: mã mua sắm với mức giảm đến 50%, cơ hội sở hữu hàng nghìn e-voucher với giá chỉ từ 1 đồng và chính sách miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 0 đồng.
3/ Ủy ban đầu tư của Bộ Kinh tế Đài Loan, cơ quan phải chấp thuận các khoản đầu tư ra nước ngoài của các công ty Đài Loan, đã thông qua khoản tiền 101 triệu USD đầu tư vào Việt Nam của Pegatron Corp. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng vào công ty con của Pegatron tại Việt Nam để sản xuất và kinh doanh máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị truyền thông và linh kiện điện tử. Được biết, Pegatron hiện đang có kế hoạch đầu tư 3 giai đoạn tại Hải Phòng, sản xuất các sản phẩm cung cấp cho các đối tác như Apple, Microsoft hay Sony. Năm ngoái, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Pegatron có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một khu liên hợp sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ tại thành phố Hải Phòng.
4/ Dù Covid-19 đang trở lại nhưng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn lạc quan và nền kinh tế dự báo sẽ trở lại mức như trước Covid-19 trong nửa cuối năm 2021, trong đó GDP dự báo sẽ tăng 7,6% trong năm 2021, cao nhất trong toàn khu vực. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics vừa công bố, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế thế giới tăng trưởng trong năm 2020 nhờ thành công trong việc chống dịch. Thành công sớm này giúp nền kinh tế hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động kinh doanh toàn cầu và nhận đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo và xuất khẩu.
5/ Trên khắp thế giới, từ Bangladesh cho đến Nepal hay Rwanda, có nhiều khu vực dễ chịu tổn thương đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chương trình triển khai tiêm vắc xin Covid-19. Phần lớn tình trạng thiếu vắc xin Covid-19 này có thể được cho liên quan đến một doanh nghiệp duy nhất: công ty Serum Ấn Độ. Theo đó, từ tháng 4/2021 đến nay, công ty đã không thể nào xuất khẩu được vắc xin Covid-19 ra toàn cầu bởi chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất vắc xin Covid-19 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá Ấn Độ. Serum được biết đến như doanh nghiệp cung cấp vắc xin Covid-19 hàng đầu cho liên minh vắc xin toàn cầu Covax, một tổ chức được hậu thuẫn bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
6/ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đã tuyên bố rằng WB không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa Covid-19 do lo ngại điều này sẽ cản trở sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm. Ngoài ra, WB cũng một lần nữa kêu gọi các quốc gia giàu có nhanh chóng hỗ trợ các nước đang phát triển số vắc xin đang dư thừa của mình. Được biết, tuyên bố này kêu gọi tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin, các thiết bị và phương pháp điều trị Covid-19, đồng thời kêu gọi các công ty dược phẩm chia sẻ hiểu biết và dữ liệu của họ. Nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Ấn Độ, New Zealand và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vắc xin toàn cầu GAVI đã hoan nghênh ý tưởng này.
7/ Giá hàng hóa rời khỏi các nhà máy của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, gây áp lực đè nặng lên các nhà lãnh đạo của đại lục khi họ phải vật lộn với một đợt tăng giá hàng hóa mới. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất đã tăng 9% vào tháng 5, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 9/2008 và vượt xa dự báo của các nhà kinh tế. Sự phục hồi công nghiệp mạnh mẽ của Trung Quốc đã thúc đẩy sự phục hồi của hàng hóa nhưng chi phí tăng, khiến lợi nhuận có nguy cơ bị siết chặt. Giá tiêu dùng tại Trung Quốc cũng đã tăng 1,3% trong tháng 5, cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái, nhưng giảm 0,2% so với tháng trước.
8/ Theo báo cáo của cơ quan thống kê Eurostat, so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Eurozone giảm 1,3% còn kinh tế EU giảm 1,2%. Với mức giảm 0,6% tại Eurozone và 0,4% tại EU trong quý 4/2020, đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của cả hai khu vực trên giảm, ngược với đà phục hồi mạnh mẽ trong quý 3/2020. Trong khi đó, trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% so với quý trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,6% so với quý 4/2020 và 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà phục hồi chậm này tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch Covid-19 thứ 3 đã bùng phát vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19 và các đợt đóng cửa sau đó.
9/ ProPublica, cơ quan báo chí điều tra phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, đã công bố chi tiết “kho dữ liệu khổng lồ của Sở Thuế vụ Mỹ” bao gồm hoạt động khai thuế của hàng nghìn người Mỹ giàu có nhất, bao gồm Warren Buffett, Jeff Bezos, Mike Bloomberg và Elon Musk, trong hơn 15 năm qua. Theo đó, thông qua cuộc điều tra về vụ rò rỉ hồ sơ cá nhân của các tỷ phú, cơ quan Thuế Mỹ phát hiện nhiều người trong số họ đóng thuế rất ít dù số lượng tài sản tăng lên. Được biết, với một chiến lược tránh thuế hợp pháp, 25 người giàu nhất nước Mỹ chỉ đóng 13,6 tỷ USD tiền thuế thu nhập liên bang từ năm 2013-2018.
10/ Sau khi Luật Bitcoin được quốc hội thông qua ngày 9/6, thì El Salvador đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên coi đồng tiền số Bitcoin là đồng tiền hợp pháp. Tổng thống của El Salvador khẳng định việc áp dụng tiền kỹ thuật số sẽ mang lại nguồn tài chính, đầu tư, du lịch, đổi mới và phát triển kinh tế toàn diện cho đất nước Trung Mỹ này. Theo ông, Bitcoin là cách nhanh nhất để chuyển hàng tỷ USD kiều hối về El Salvador mà không bị thất thoát hàng triệu USD cho các bên trung gian. Kiều hối của những người El Salvador làm việc ở nước ngoài chiếm một phần chính trong nền kinh tế nước này, tương đương khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội. Theo báo cáo chính thức, vào năm 2020, lượng kiều hối về nước này đạt 5,9 tỷ USD.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này