15:39 - 31/10/2023
Thị trường 24/7: Giá dầu có thể ‘tăng sốc’ lên mức 150 USD/thùng; Châu Á thiếu các văn phòng Net Zero
Giá dầu sẽ tăng sốc nếu xung đột Israel – Hamas lan rộng: Theo báo The Guardian ngày 30/10, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo lớn đầu tiên về rủi ro kinh tế nếu xung đột Israel và Hamas lan rộng ra ngoài Dải Gaza.
Một kịch bản “gián đoạn lớn” về nguồn cung dầu thô có thể xảy ra nếu viễn cảnh này thành sự thật. Mức độ gián đoạn tương đương hậu quả của cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và khối Ả Rập năm 1973. Nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định tình hình chiến sự tại Dải Gaza, căng thẳng Nga – Ukraine đang khiến xung đột trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
WB ước tính nếu xung đột Israel – Hamas leo thang thành xung đột khu vực, giá dầu thô có thể tăng lên tới khoảng 140 USD đến 157 USD/thùng. Kỷ lục trước đó – chưa được điều chỉnh theo lạm phát – là 147 USD/thùng vào năm 2008.
Giá vàng miếng SJC giảm 50.000 đồng mỗi lượng vào chiều 31/10: Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào với giá 69,85 triệu đồng, bán ra 70,55 triệu đồng; Eximbank mua vào với giá 69,85 triệu đồng, bán ra 70,35 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 69,8 triệu đồng, bán ra 70,6 triệu đồng…
Giá vàng nhẫn chất lượng 4 số 9 giảm mạnh 200.000 đồng mỗi lượng, công ty SJC mua vào còn 58,6 triệu đồng, bán ra 59,7 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục thống trị thị trường vàng vì tốc độ mua hàng mạnh nhất kể từ năm ngoái, đạt 800 tấn trong quý 3, một kỷ lục mới. Nhu cầu của ngân hàng trung ương là động lực lớn nhất của vàng vật chất trong quý trước, trong đó chứng kiến sự suy giảm tổng thể.
Kiểm tra tiền công đức trên toàn quốc: Sau khi thí điểm tại Quảng Ninh, Bộ Tài chính vừa hướng dẫn các tỉnh kiểm tra tiền công đức tại các di tích và giao cho từng huyện thực hiện.
Hiện, nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích tự quyết định và chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ khoản thu chi, bảo đảm minh bạch. Do đó, Bộ Tài chính cho biết các cuộc kiểm tra nhằm tổng hợp, đánh giá quản lý tiền công đức tại các di tích, giúp các tổ chức, cá nhân quản lý minh bạch, tạo niềm tin cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội của địa phương.
Halloween có thể mang lại 12 tỷ USD cho kinh tế Mỹ: Dù chỉ là lễ hội diễn ra trong một ngày, Halloween vẫn kích thích chi tiêu với mọi loại sản phẩm tại Mỹ, dự kiến lập kỷ lục với 12,2 tỷ USD, theo kết quả khảo sát thường niên do Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) thực hiện.
Trong đó, người Mỹ ước tính chi 4,1 tỷ USD cho trang phục, 3,9 tỷ USD để trang trí nhà cửa và 3,6 tỷ USD cho kẹo. Tất cả đều tăng so với năm ngoái. Số tiền trung bình một người dự tính chi trong dịp Halloween năm nay cũng lên kỷ lục 108 USD.
Halloween (All Hallows’ Evening) hay còn gọi là lễ hội ma quỷ, lễ hội hóa trang diễn ra ngày 31/10 có nguồn gốc từ phương Tây. Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là trick-or-treat (trẻ em hóa trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô để đèn lồng, xem phim hoặc kể chuyện kinh dị.
Châu Á thiếu các văn phòng sẵn sàng cho Net Zero: Báo cáo mới đây của hãng dịch vụ bất động sản toàn cầu JLL cho biết, dù các mục tiêu đưa phát thải carbon ròng về mức zero (Net Zero) sắp áp lên doanh nghiệp, các thành phố hàng đầu ở châu Á thiếu hụt trầm trọng các cao ốc văn phòng Net Zero.
Thành phố Sydney của Úc dự kiến thiếu hụt 79% nguồn cung văn phòng Net Zero so với nhu cầu trong 5 năm tới. Sự thiếu hụt này vẫn diễn ra bất chấp Sydney đứng ở thứ hạng cao nhất trong Chỉ số thành phố văn phòng bền vững (SOCI) của JLL. Chỉ số SOCI xếp hạng các thành phố dựa trên số lượng văn phòng hạng A được cấp chứng nhận xanh của họ, cũng như các chỉ số khác như rủi ro khí hậu và sự chủ động ứng phó của chính phủ.
Hiện tại, không có thành phố nào ở châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Singapore và Melbourne, hai thành phố được xếp hạng cao nhất sau Sydney trong chỉ số SOCI, có đủ nguồn cung văn phòng sẵn sàng cho Net Zero. Báo cáo của JLL cho biết, đến năm 2027, nguồn cung cao ốc văn phòng đáp ứng quy chuẩn ESG ở Singapore sẽ thiếu hụt 56% so với nhu cầu.
Lợi nhuận của Samsung Electronics giảm hơn 77%: “Đại gia” công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronics ngày 31/10 báo cáo lợi nhuận hoạt động quý 3/2023 đã giảm 77,57% so với cùng kỳ năm trước, ngay cả khi việc phát hành các mẫu điện thoại thông minh (smartphone) mới giúp tăng doanh thu.
Theo báo cáo, Samsung Electronics đạt lợi nhuận hoạt động 2.400 tỷ won (1,7 tỷ USD) trong quý 3 nhờ doanh số bán hàng của các mẫu smartphone cao cấp và nhu cầu lớn về màn hình. Tuy giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, kết quả trên phần lớn phù hợp với dự báo trước đó của Samsung Electronics về lợi nhuận ước giảm 77,9% trong quý kết thúc vào tháng Chín.
Samsung Electronics cho hay doanh thu từ bộ phận kinh doanh bán dẫn bị ảnh hưởng do nhu cầu chậm phục hồi. Song bất chấp khả năng những bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn tiếp diễn sang năm 2024, Samsung Electronics vẫn kỳ vọng tình hình thị trường chip nhớ sẽ khởi sắc.
Indonesia cam kết ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài: Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết nước này sẽ tiếp tục miễn giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian chưa áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT).
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư BNI 2023 diễn ra ở Jakarta mới đây, Bộ trưởng Bahlil tuyên bố: “Việc miễn giảm thuế là rất quan trọng. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các chính sách miễn giảm thuế”. Ông Bahlil cho rằng các quy định về GMT là một “con bài” của các nước phát triển và là chiến lược thu hút đầu tư vào các nước này. Do vậy, đây không phải là cuộc chơi công bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Trước đó, ông Bahlil đã yêu cầu xem xét lại quy định GMT ở mức 15% với lý do nếu được triển khai quá sớm, chính sách này sẽ làm gián đoạn chương trình phát triển công nghiệp chế biến hạ nguồn của Indonesia.
Thiếu lao động, các doanh nghiệp Đức sử dụng robot thay thế: Tại nhà máy sản xuất phụ tùng máy móc S&D Blech, có trụ sở ở Zemmer, Đức, người đứng đầu bộ phận mài vừa nghỉ hưu. Với tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở Đức, rất ít ứng viên muốn đảm nhận công việc chân tay đòi hỏi sự lành nghề nhưng bẩn thỉu và nguy hiểm này. Vì vậy, nhà máy quyết định thay thế vị trí làm việc này bằng robot.
Các công ty vừa và nhỏ khác ở Đức cũng đang chuyển dần sang tự động hóa khi lực lượng lao động thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ em” (Baby Boomer) thời hậu chiến (sinh ra ở giai đoạn 1946-1964), đến tuổi nghỉ hưu. Thực trạng này khiến thị trường lao động ngày càng khó khăn.
Dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 1,7 triệu việc làm ở Đức bị trống trong tháng Sáu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết hơn một nửa số công ty đang phải vật lộn để lấp đầy các vị trí làm việc bị bỏ trống.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này