10:39 - 27/05/2021
Nghịch lý heo béo phì và heo khổng lồ ở Trung Quốc
Giá thịt heo ở đất nước đông dân nhất thế giới đang trên đà trượt dốc, giảm tới 40% so với hồi Tết Nguyên đán bởi nhu cầu đang yếu và nông dân bắt đầu bán tháo đàn heo vỗ béo quá mức.
Không hiếm những con heo 200 ký ở nước này, trong khi có những con heo “cá biệt” với trọng lượng lên đến 500-700 ký được kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn cho các chủ trại.
Cuối năm ngoái, nông dân Trung Quốc vỗ béo đàn heo với trọng lượng mỗi con tăng gấp đôi so với bình thường. Họ hy vọng sẽ kiếm được lợi nhuận lớn hơn, nếu giá thịt heo vẫn duy trì ở mức cao như trong suốt ba năm qua, kể từ khi dịch tả heo châu Phi làm suy giảm 50% đàn heo.
Tào Thanh – một thương lái ở tỉnh Thiểm Tây – cho biết nhiều con heo đang mua có trọng lượng hơn 200 ký, cao gấp đôi mức trọng lượng thông thường trước đây. Ông nói: “Một số nông dân ôm đàn heo béo phì, không thể di chuyển với hy vọng giá sẽ phục hồi”.
Giá thịt heo trong năm 2019 đã tăng hơn 30% so với năm 2018 khi dịch tả heo và các dịch bệnh tàn phá các trang trại nuôi heo. Nhiều nông dân ở tỉnh Cát Lâm và Quảng Tây đã bắt đầu tìm cách nuôi những con heo khổng lồ to như gấu Bắc cực có trọng lượng đến 500 ký, có những con đến 700 ký. Giá heo tiếp tục tăng suốt năm 2020 đã khiến lòng tham của các chủ trại vỗ béo đàn heo.
Nhưng giờ đây, các chủ trại đang trả giá khi giá heo bắt đầu giảm sau Tết, nhưng giá các loại nông sản làm thức ăn gia súc lại gia tăng.
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Rabobank ở Hà Lan, giá heo hơi đang neo cao ở hầu hết các thị trường trên thế giới do các nhà chế biến thực phẩm đổ xô đi tìm nguồn cung cấp thịt heo nguyên liệu và nhu cầu của người tiêu dùng bắt đầu tăng lên. Trong khi đó, sự phục hồi của đàn heo trên thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro, khiến cho ngành chăn nuôi heo đang trở nên thận trọng hơn, thậm chí thu hẹp ở một số nơi. Một trong những rủi ro lớn mà ngành chăn nuôi toàn cầu hiện đang phải đối mặt là tình trạng giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong những tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã tăng trung bình 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,25 – 56,65 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu 400.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.905,1 USD/ounce, tăng 24,6 USD/ounce, tương đương 1,31% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Sáng 26/5, lô vải thiều đầu tiên sản lượng 20 tấn trong niên vụ 2021 của tỉnh Bắc Giang đã lên đường sang Nhật Bản, mở màn cho mùa xuất khẩu vải thiều bội thu. Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lô vải thiếu đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật do 3 doanh nghiệp là Ameii, Toàn cầu và Chánh Thu thực hiện. Được biết, kế hoạch đầu tiên dự định sẽ xuất khẩu 15 tấn, nhưng trong lễ xuất khẩu đầu tiên sáng 26/5, thì phía Nhật Bản đã tăng số lượng nhập khẩu lên 20 tấn. Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).
3/ Khảo sát mức sống của dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch Covid-19. Người dân có xu hướng giảm dần tinh bột, nhưng lượng tiêu thụ rượu bia và thịt có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020. Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018.
4/ Tour du lịch đi tiêm vắc xin tại Mỹ đã bị tạm ngưng sau buổi làm việc với Sở Du lịch TP.HCM trong bối cảnh các doanh nghiệp cho rằng cần tính kỹ lại thời điểm để khởi động lại. Theo đó, nhiều doanh nghiệp cho biết chỉ mới giới thiệu tour để thăm dò thị trường nên nếu ngừng lúc này vẫn sẽ chưa phát sinh nghĩa vụ liên quan tiền cọc và chi phí. Việc tạm ngưng lúc này là cần thiết để tránh rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn du khách, nhưng về lâu dài doanh nghiệp vẫn kỳ vọng cho tour này. Được biết, ngoài việc vẫn đang giữ nguyên quy định cách ly 21 ngày, thì Việt Nam vẫn hạn chế số chuyến bay hồi hương và số chuyến bay có xu hướng bị siết lại khi dịch trong nước bùng phát; điều này dễ gây ra nhiều bất trắc cho đơn vị tổ chức tour và người đi tour.
5/ Uniqlo đã chiếm vị trí số 1 về cung cấp đồ nội y tại Nhật Bản khi người tiêu dùng ngày càng tập trung vào tính năng cơ bản của sản phẩm trong Covid-19. Theo đó, vào năm ngoái, Uniqlo, thuộc tập đoàn Fast Retailing, đã vượt Wacoal Holdings Corp để dẫn đầu về thị phần đồ nội y ở Nhật Bản. Euromonitor cho biết, thị phần đồ lót của Uniqlo đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây. Thành công của Uniqlo đến từ quyết định tăng gấp đôi sản xuất áo ngực không gọng vào đầu năm 2011, nhiều năm trước khi xu hướng đồ lót thoải mái trở nên phổ biến. Quyết định này đã được chứng thực trong thời kỳ đại dịch khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng thay thế áo ngực có gọng nhằm tìm kiếm sự thoải mái. Tại Mỹ, trong khi doanh số bán áo ngực giảm 1% trong nửa cuối 2020, doanh số áo ngực không gọng lại tăng 14%.
6/ Trước khi vợ chồng tỷ phú Bill Gates công bố ly hôn, quỹ tín thác của tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation đã có những thay đổi rất lớn về đầu tư. Theo trang Barrons, trong quý 1 năm nay, quỹ tín thác này đã bán tất cả các cổ phiếu Apple và Twitter và chuyển sang đầu tư vào công ty thương mại điện tử Coupang có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc. Tính tới cuối năm 2020 quỹ này vẫn còn sở hữu lượng cổ phiếu Apple trị giá 1 triệu USD. Tuy nhiên đến ngày 31/3 năm nay, họ đã bán hết số cổ phiếu đó. Được biết, quỹ tín thác này đã mua vào 5,7 triệu cổ phiếu Công ty Coupang, mặc dù công ty này mới chỉ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong tháng 3.
7/ Hôm 25/5, Mỹ đã đệ đơn khiếu nại phản đối những động thái của Canada với các sản phẩm bơ sữa theo Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản nâng cấp của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết sau khi các cuộc đàm phán không giải quyết được vấn đề trên, Đại diện Thương mại Mỹ đã kêu gọi thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp theo USMCA. Dự kiến, ủy ban này sẽ tiến hành các cuộc họp để tìm hiểu và xem xét vấn đề trên. Quyết định sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 4 tháng theo các điều khoản giải quyết tranh chấp của hiệp định.
8/ Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn chấp thuận kế hoạch vay 16 tỷ USD của chính phủ để bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. Theo đó, chính phủ Thái Lan có thể vay 500 tỷ baht (16 tỷ USD) tại thị trường trong nước hoặc nước ngoài để tài trợ các biện pháp cứu trợ Covid-19 cho người dân và doanh nghiệp. Khoản vay mới được huy động bằng nhiều phương thức và phải hoàn tất vào tháng 9/2022. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi hỗ trợ tài chính có mục tiêu hơn để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Được biết, khoản vay mới này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đợt bùng phát mới đây đã làm suy yếu triển vọng phục hồi của Thái Lan, với mức thu hẹp 2,6% trong quý đầu năm.
9/ Các nhà đầu tư chứng khoán Nhật Bản tin rằng hủy Olympic là điều có lợi hơn cho thị trường. Họ lo ngại sự kiện này có thể gây ra đợt bùng phát dịch mới trong thời điểm Nhật Bản đang nỗ lực kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư. Tuy nhiên, Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn khẳng định Olympic sẽ diễn ra vào ngày 23/7 sắp tới sau khi đã bị hoãn vào năm ngoái, dù 60-80% số người tham gia khảo sát của truyền thông trong nước gần đây muốn hủy hoặc hoãn sự kiện này.
Nhật Bản đang gia tăng nỗ lực phát triển nguồn vắc xin trong nước với 4 hãng dược nội địa được cấp khoản tài trợ 48,4 tỷ yen, khoảng hơn 445 triệu USD trong nghiên cứu và phát triển vắc xin. Các đàm phán giữa chính phủ và các hãng dược Nhật Bản với các hãng dược Mỹ trong việc sản xuất nhượng quyền vắc xin ngừa Covid-19 hiện không đạt tiến triển.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này