10:18 - 01/04/2021
Chuỗi siêu thị VinMart ‘thầu’ luôn dịch vụ tài chính và thanh toán số
Chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+, hiện do Masan sở hữu, sẽ trở thành dịch vụ một điểm đến (one-stop shop) phục vụ tất cả các nhu cầu thiết yếu về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng.
“Chúng ta sẽ phát triển ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số”, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang nói trong bản báo cáo thường niên của Masan.
Chủ tịch Masan nói Techcombank sẽ là đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho tập đoàn.
Sau khi mua lại mảng bán lẻ VinCommerce của VinGroup, Masan đã đóng cửa hơn 700 siêu thị mini VinMart+. Tập đoàn đã tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả hiệu quả logistics, tình gọn danh mục hàng và luân chuyển hàng hóa, tập trung phục vụ người tiêu dùng thay vì chạy theo doanh số.
Kết quả cho thấy VinCommerce đã đạt EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) hoà vốn trong quý 4/2020 và dự kiến đạt EBITDA dương vào quý 1/2021 này.
Đây là nền tảng có thể giúp Masan đạt doanh số tham vọng 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp tăng trưởng hai chữ số vào năm 2025 cho lĩnh vực bán lẻ.
Chủ tịch Masan nói kế hoạch 5 năm tới của Masan là phục vụ 30 – 50 triệu người tiêu dùng – tức khoảng 50% dân số của Việt Nam – thông qua mạng lưới 10.000 cửa hàng bán lẻ tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền.
Tuy vậy, một số nhà phân tích nói rằng tham vọng của Masan giống như “siêu ứng dụng đa dịch vụ” mà Grab hay Gojek đang xây dựng. Việc Masan bắt tay với Techcombank trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng chưa rõ sẽ thực hiện như thế nào, trên nền tảng công nghệ số hay Techcombank sẽ đặt thêm cửa hàng vật lý tại mỗi cửa hàng VinMart hay VinMart+.
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,2 – 54,6 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.680,7 USD/ounce, giảm tới 31 USD/ounce, tương đương 1,81% so với chốt phiên trước. Giá vàng tiếp tục giảm khi đồng USD tăng giá, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng lên đồng thời hy vọng vào khả năng kinh tế Trung Quốc phục hồi khiến cho nhu cầu đối với tài sản an toàn giảm.
2/ Thị trường dứa quả thương phẩm của tỉnh Lào Cai đang được tiêu thụ mạnh với giá từ 5.500 – 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng dứa sẽ có lãi khá cao so với các năm trước. Hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 900 ha dứa trồng tập trung ở các huyện biên giới Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và dự kiến vụ này cho thu hoạch khoảng 25.300 tấn quả thương phẩm, thu về hàng trăm tỷ đồng. Vùng dứa Mường Khương, lớn nhất tỉnh Lào Cai, hiện có 755 ha, trong đó cho thu hoạch 708 ha, năng suất ước 25 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt gần 18.000 tấn. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn nhưng vụ dứa năm nay, nông dân Lào Cai được mùa nhưng không lo mất giá.
3/ CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Công ty The Walt Disney (khu vực Đông Nam Á) để trở thành nhà phát hành độc quyền các phim điện ảnh chiếu rạp của The Walt Disney Studios tại thị trường Việt Nam, bao gồm cả các bom tấn hành động ăn khách đến từ các hãng sản xuất Marvel Studios, Disney Studios, 20th Century Studios, Lucasfilm cho tới các phim hoạt hình của Pixar Studios và Walt Disney Animation Studios. Được biết, Galaxy Studio sẽ thành lập công ty TNHH MTV Galaxy Links để thực hiện nhiệm vụ duy nhất là đưa tất cả phim của The Walt Disney Studios tới khán giả Việt Nam. Theo Galaxy Studio, việc hợp tác này thể hiện chiến lược phát triển bền vững lâu dài của The Walt Disney Studios đối với nền điện ảnh Việt.
4/ Mô hình bong bóng du lịch giữa Nhật Bản và Việt Nam cho các kỳ nghỉ công tác ngắn hạn đã không đạt được thành công đáng kể sau 5 tháng kể từ khi ra mắt, vì các du khách tiềm năng từ Nhật Bản đã bị cản trở bởi các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Việt Nam. Làn thủ tục nhanh cho doanh nhân xuất nhập cảnh (Business Track Framework) giữa Nhật Bản và Việt Nam đã bắt đầu vào tháng 11/2020 để đưa các chuyên gia, giám đốc điều hành và kỹ sư Nhật Bản đến Việt Nam làm việc sau khi đường bay thương mại định kỳ bị gián đoạn. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, các vị khách Nhật Bản phải gửi trước nhiều tài liệu, bao gồm lịch trình chi tiết các địa điểm cụ thể và những người họ dự định đến thăm. Và khi đến Việt Nam, du khách phải được nhân viên chính phủ tháp tùng mỗi khi ra ngoài và được yêu cầu làm xét nghiệm Covid-19 hai ngày một lần.
5/ Số liệu thống kê từ Cảng hàng không Côn Đảo cho thấy, việc di chuyển bằng đường hàng không từng là một trong những “nút thắt” của hoạt động du lịch tại Côn Đảo, hiện đã thay đổi rõ rệt từ khi có sự tham gia cạnh tranh bằng các đường bay thẳng của Bamboo Airways, sau gần 1 thập kỷ các đường bay tới Côn Đảo hầu như nằm trong thế độc quyền và đại đa số phải bay nối chuyến, tốn nhiều thời gian và công sức. Theo đó, Sân bay Côn Đảo ước tính đã đón gần 221.000 lượt khách chỉ tính riêng trong quý I/2021, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Côn Đảo cũng đón dòng vốn đầu tư của Bamboo Airways, thông qua việc xây dựng và đưa vào khai thác phòng chờ hạng thương gia đầu tiên và duy nhất tại Cảng hàng không Côn Đảo. Trong thời gian tới, Bamboo Airways dự kiến tiếp tục đưa vào hoạt động phòng vé chính thức nằm tại trung tâm Côn Đảo.
6/ Hơn 11.000 lít rượu vang của Úc đã bị tạm giữ ở Thâm Quyến khi Trung Quốc tiếp tục lệnh cấm nhập khẩu rượu từ Úc. Rượu vang từ nhà vang Bunnamagoo Estate và nhà cung cấp tư nhân Lindsdale là những lô hàng mới nhất bị giữ ở cảng Trung Quốc. Vụ giam hàng này là diễn biến mới nhất trong cuộc đụng độ thương mại Úc – Trung. Hiện Trung Quốc đã chính thức áp thuế chống bán phá giá lên tới 218,4% đối với một số loại rượu vang của Úc. Bộ thương mại Úc cho biết xuất khẩu rượu vang đã giảm xuống dưới 1 triệu AUD (759.000 USD) trong tháng 1 vừa rồi. Trước khi xảy ra xung đột, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 40% lượng rượu vang xuất khẩu của Úc trị giá khoảng 1 tỷ AUD mỗi năm.
7/ Các nhà khoa học ở Australia vừa cho kiểm tra cách thức sử dụng gần 100 loại hóa chất trong nông nghiệp trên 168 quốc gia, để xác định hàm lượng thuốc trừ sâu nào vượt quá mức khuyến cáo. Kết quả khiến nhiều người gây sốc, bởi chỉ khoảng 64% diện tích đất nông nghiệp có hàm lượng hóa chất trừ sâu trong mức cho phép. Một phần ba còn lại cao hoặc vượt mức tiêu chuẩn nhiều lần. Con số này bao gồm cả 60% đất nông nghiệp châu Âu, vốn thường được xử lý bằng hóa chất diệt cỏ, diệt nấm và diệt côn trùng ở mức độ nguy hiểm. Cũng trong nghiên cứu này, châu Á là nơi có quỹ đất chịu nguy cơ cao nhất, với tổng diện tích lên đến 5 triệu ha. Trung Quốc chiếm hơn một nửa số này, và đa phần nằm ở các vùng đồng bằng màu mỡ, hoặc sản xuất nông nghiệp chủ lực của nước này.
8/ Xiaomi đã bất ngờ tuyên bố sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực xe điện thông minh trong vòng 10 năm sắp tới. Theo đó, việc kinh doanh xe điện sẽ được vận hành bởi một công ty con do Xiaomi sở hữu hoàn toàn với khoản đầu tư trong 10 năm tới. Xiaomi hiện đang ở thời kỳ đỉnh cao và đủ khả năng để bắt tay xây dựng mảng xe điện thông minh. Theo kết quả báo cáo tài chính mới nhất, các sản phẩm smartphone toàn cầu của Xiaomi đạt 146 triệu chiếc, giúp công ty đứng vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng. Mục tiêu của Xiaomi gồm mở rộng hệ sinh thái thông minh AIoT và cung cấp cho người dân một cuộc sống tốt hơn thông qua cải tiến về công nghệ.
9/ Hệ thống thanh toán quốc tế PayPal sẽ cho phép người dùng sử dụng các đồng tiền điện tử để thực hiện giao dịch trên nền tảng này, điều được cho là sẽ tiếp tục đẩy giá Bitcoin tăng phi mã. Theo đó, nền tảng thanh toán hàng đầu thế giới này đã tiếp tục cho thấy sự “ưu ái” dành cho tiền kỹ thuật số với tính năng “Checkout with Crypto” – cho phép người dùng thanh toán các giao dịch bằng tiền điện tử. Tính năng mới này sẽ cho phép người dùng chuyển đổi các loại tiền điện tử phổ thông như Bitcoin, Ethereum, Litecoin…sang đồng USD để thanh toán giao dịch. Với những sự ưu ái dành cho tiền kỹ thuật số, PayPal đã và đang trở thành một loại ví điện tử được nhiều người sử dụng và là một “sàn giao dịch” tiền điện tử phổ biến.
10/ AirAsia đã công bố doanh thu năm 2020 với lợi nhuận tệ nhất đến nay, do tác động của Covid-19. Theo đó, quý IV/2020, hãng bay giá rẻ này đã ghi nhận khoản lỗ ròng 2,44 tỷ ringgit (589,1 triệu USD), trong khi cùng kỳ 2019 chỉ lỗ 384,4 triệu ringgit. Doanh thu giai đoạn này cũng chỉ còn 267,4 triệu ringgit, so với 3,23 tỷ ringgit cùng kỳ. Kết quả kinh doanh quý 4 khiến lỗ ròng cả năm 2020 của AirAsia tăng vọt lên 5,1 tỷ ringgit, cao hơn nhiều mức lỗ 315,8 triệu ringgit năm 2019. Tuy nhiên, AirAsia vẫn tỏ ra lạc quan về tương lai và cho biết sự phục hồi đang ở trước mắt nhờ các chương trình tiêm chủng đang được đẩy nhanh trên toàn thế giới, năng lực xét nghiệm được cải thiện, khả năng ra mắt hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số toàn cầu, nhu cầu du lịch giải trí tăng và quy trình không tiếp xúc mà AirAsia đã áp dụng.
11/ Ban Đại diện các Hãng hàng không Australia (BARB), tổ chức đại diện cho các hãng hàng không nước ngoài như Singapore Airlines, Emirates, Qatar Airways, Etihad Airways và Cathay Pacific, đã kêu gọi chính phủ Australia hỗ trợ các hãng hàng không quốc tế. Các hãng đã lên tiếng kêu cứu khi số hãng bay thường xuyên đã giảm từ 54 xuống còn 15 hãng. Số liệu mới nhất của Chính phủ Australia cho thấy trong tháng 1/2021, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Australia hoạt động với chỉ 14% tổng số lượng ghế trên máy bay có khách ngồi, so với 83,6% một năm trước đây. Mặc dù chỉ hoạt động với các máy bay hầu như không có khách, các hãng hàng không nước ngoài vẫn phải trả 13.000 AUD (khoảng 10.000 USD) cho mỗi chuyến bay đến cho công ty dịch vụ hàng không Airservices Australia.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này