09:45 - 09/07/2022
Nhớ cá đục sông quê ngoại
Tôi vỡ lòng con cá đục vào thời gian ở trọ nhà cậu Mười để đi học đại học Duyên Hải gần đèo Rù Rì cho gần. Lúc đó chỉ mới biết con cá đục sống trong dòng sông quê ngoại xanh trong.
Phần đông ai cũng có một dòng sông để thương nhớ. Ngay cả dân Sài Gòn cũng có những con kinh, dòng sông để sống với. Dòng sông quê ngoại tôi là con sông Cái Nha Trang, chảy qua hai cái cầu đầy nhịp – cầu Xóm Bóng và cầu Hà Ra, cây cầu nổi tiếng với những quán bán món gỏi cá mai.
Sông Cái là con sông hung dữ như nhiều con sông khác ở miền Trung, vì gần núi. Con sông mỗi cuối năm đều gây ngập lụt cho quê ngoại ở gần cầu sắt xe lửa. Cậu Mười tôi trở thành phu chữ vì phải bơi ghe đưa tôi tới bờ đê đường sắt để từ đó tôi vác xe đạp lên đi học ở gần đèo Rù Rì. Khu campus ấy là hưởng xái từ những trại lính của sư đoàn công binh Cây Dừa xứ Đại Hàn.
Cậu Mười cũng là người vỡ lòng cho tôi nhiều thứ cá sông như cá đục, cá dìa, cá dò, cá lá, v.v. Cá đục chỉ có mỗi món hồi đó tôi mê nhứt là mợ Mười nấu canh lá me non. Sau đó cá gắp ra dầm nước mắm. Nước mắm Nha Trang thuở ấy phần đông nhà làm, ăn thịt con cá đục giầm nước mắm ngon kể gì. Ngày xưa, nước mắm là nước mắm.Người ta không phải bửa đầu ra để biết thứ nào là nước mắm truyền thống, thứ nào là nước mắm công nghiệp.Ngày xưa nước mắm ủ chượp từ cá và muối có cả một ngành kỹ nghệ. Con cá đục giầm nước mắm ngon nhứt. Thịt con cá ngọt hổng hiểu sao được nước mắm làm tăng thêm độ ngọt một tầng. Đến độ nhiều anh chàng tán gái phải mượn đến món nước gia vị ấy. Nước mắm ngon giầm con cá liệt/ em có chồng nói thiệt anh nghe. Cá liệt giầm nước mắm ngon thiệt, nhưng kết cấu thịt cá liệt chỉ đáng xách dép cho cá đục.
Ngày đó, nhà cậu Mười nghèo rớt mùng tơi. Cậu là con út, ham chơi, học hành chẳng đến đâu. Nhà có con gà nào thịt được là rủ bạn bè đến ăn nhậu. Đến tuổi lính, cậu xa nhà nhiều năm.Rồi cậu được thuyên chuyển về Nha Trang với chức hạ sĩ, làm “cai ngục” cho quân trấn.
Nhà nghèo lại đẻ con năm một, quanh năm ăn cơm độn bắp, có khi chỉ bắp ròng. Hồi đó, Nha Trang, chưa ai có được cái sáng kiến “thần sầu” là hạ giá thành gạo bằng cách giành giựt với heo hột gạo tấm. Gạo tấm miền Trung là gạo tấm thiệt, không phải gạo gãy như ở Sài Gòn. Sạn trong gạo nhiều phải biết, vì hột sạn bằng hột gạo tấm nên lọt sàng, dành cho heo. Muốn ăn gạo tấm phải có nghề vo gạo gạn sạn theo pháp hạt sạn nặng hơn ở lại rá, gọi là đãi gạo.
Những ngày không trực, cậu Mười thường vác lưới ra sông bơi ghe đi xuống tuốt dưới cầu Hà Ra đánh cá. Nhưng năm thì mười họa mới xuống được tới nơi, vì bạn bè trên bờ thấy bóng cậu là đã hú nhậu. Một là đám bạn ở Phù Sa bên kia sông, hai là đám bạn ở Gò Dê gần Hà Ra. Cho nên, cậu đi lưới đêm thường mới có cá. Nói cho ngay, cậu Mười đánh cá chỉ đáng học trò cậu tám. Dở ẹc! Mà cũng là học trò thiệt.Cậu Tám từ nhỏ đến lớn đã quen sông nước, đánh cá cừ nhứt làng.Trong những bữa nhậu bên nhà ngoại, chén thú chén tạc, cậu Mười thọ giáo cậu Tám. Cũng may sông ngày xưa cá tôm còn nhiều, đánh cá dở như cậu Mười mà cũng có cá cho bà ngoại đem ra chợ bán đong gạo.
Về sau, lênh đênh Sài Gòn, tôi mới biết con cá đục biển qua một số thực đơn của hàng quán. Sau nhiều lần không tìm được cái ngon của con cá đục nấu chua lá me gắp ra đem giầm nước mắm. Cái chua của me thấm vào, cái ngọt của cá, cái ngọt thơm nồng nàn của nước mắm không bao giờ tái ngộ. Chúng đã ở lại Nha Trang. Cá đục ở Sài Gòn thường là cá từ ‘nhà xác’, không tươi như cá mới đánh lưới từ sông lên. Lá me không có. Canh chua Sài Gòn không giống canh chua miền Trung. Nước mắm không ngon. Cậu Mười đã cởi hạc vì gãy xương sống. Thế là chọn lựa cá đục nướng cho có chút hương thơm. Cũng là chấm nước mắm. Ăn tạm. Ngon từ cái ngon của nỗi nhớ là chủ yếu. Ăn cá đục mà nhớ con sông xanh trong.
Tạ Tấn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
EuroCham đề xuất miễn thị thực du lịch cho các nước EU
Nhị trân xứ Quảng Nam
Đi qua những ngôi làng cổ
Lòng vàng của người xứ Quảng
Tộ chỉ để kho cá rô mề!
Tags:cá đục sông quê
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này