12:11 - 18/02/2018
Vách ngăn khẩu vị
Người ta nói phương Tây và phương Đông có vách ngăn khẩu vị. Món ăn Việt tại Cần Thơ được du khách đón nhận như thế nào, xưa nay vẫn là điều bí ẩn.
Những người kinh doanh du lịch bàn luận xung quanh chuyện khách nước ngoài không bao giờ mua và ăn trên chợ nổi Cái Răng, có ý cho là Tây không quen ăn vặt và khác biệt khẩu vị. Lại có ý kiến phản bác và chứng minh là họ sẵn sàng ăn nếu được mời. Vậy thì họ tiết kiệm? Hay họ sợ bị “chặt chém”? Một người chua chát nói, lẽ nào đi một chặng dài, bị “chặt” riết rồi vách ngăn lớn dần?
Đi từ tây sang đông để học
CÔBA home đã tìm ra nét tương đồng qua Tour Cooking Class đầy bất ngờ thay vì chỉ tìm vách ngăn. Không chỉ là trải nghiệm cách nấu rồi cùng nhau thưởng thức món ăn Việt, mà có vẻ như là một lớp học thực hành nấu ăn, nghiêm túc hơn là dự kiến. Chủ nhân CÔBA home, bà Nguyễn Ngọc Thu vẫn không nghĩ mình sẽ nhìn thấy sự chuyển đổi từ những người khách nhanh như vậy.
Những cặp mắt chăm chú nhìn. Mỗi người đều có giấy bút với những dòng chữ viết nắn nót, tẩy xoá rồi lại ghi chú bên cạnh. Những câu hỏi liên tục được đặt ra đến từng chi tiết nhỏ, tỷ như bao nhiêu đường, muối cho một cái bánh xèo? Tại sao ướp nước mắm mà không phải là muối cho một nồi cá kho?
Thông tin ngắn gọn trên Airbnb và Booking.com, ban đầu là những du khách từ Pháp, Đức tới CÔBA home, bà Thu hướng dẫn họ cuốn chả giò và gỏi cuốn tại căn bếp của CÔBA home, và cứ nghĩ là mình đã làm homestay thì phải bày trò cho khách vui, kiểu như cùng sinh hoạt để trải nghiệm. Ai dè khách lại đề nghị nên tổ chức hẳn một tour hướng dẫn nấu các món Việt. “Chúng tôi rất thích các món ăn Việt Nam, nhiều mùi vị”, đôi vợ chồng trẻ quốc tịch Đức
là Dominik và Linda nói.
Qua trang Airbnb, tám vị khách quốc tịch Mỹ đặt phòng nghỉ và đề nghị bà Thu hướng dẫn họ nấu bốn món: bánh xèo, bánh cuốn, cá kho tộ và chè thưng. Mọi yêu cầu dường như đã được tính trước khi họ tới CÔBA home. Mọi việc được chuẩn bị chu đáo, diễn ra với điều bất ngờ hết sức thú vị là có hai cô bé tuổi 12 – 13, cẩn thận chuẩn bị giấy bút, nghe và ghi đầy đủ.
Trở lại chuyện món Việt ở căn bếp CÔBA home diễn ra trong sự ngạc nhiên lẫn hạnh phúc của những người Việt. Món Việt, ít ra cũng bốn món như vừa kể, phải hấp dẫn cỡ nào đó thì những vị khách Mỹ mới học nấu một cách trân trọng như vậy. Công thức được ghi chi tiết, cá tra cắt khúc cỡ nào, nêm nếm bao nhiêu đường muối nước mắm, sôi liu riu bao lâu… và từng khâu được ghi hình cẩn thận.
Ơ cá kho tộ sôi trên bếp được các vị khách gương mắt nhìn, chờ đợi, rồi cũng đến lúc nhắc xuống. Cơm trắng cá kho được thưởng thức tận tình với nhiều lời ngợi khen, fantastic… very good… liên tục.
Vị khách Mỹ gốc Ấn, Mittra Tricia Marie nói hy vọng là cô sẽ nấu được và nấu ngon các món Việt ưa thích trong những buổi họp mặt bạn bè ở Mỹ. Chồng và hai con cô thích món Việt, đặc biệt là cá kho tộ.
Bạn có ăn mắm được không?
Là câu hỏi khi nấu món chả cá biến tấu theo kiểu CÔBA home, có chấm mắm ruốc Long Vinh mời vợ chồng Elimane và Njuta, quốc tịch Đức. Khách xin được mở hũ mắm ngửi, nếm thử và… Okê! Mắm ruốc thay mắm tôm cho nhẹ mùi, thêm tỏi ớt chanh đường. Cá tra phi lê ướp riềng, mẻ, nướng chín rồi áp chảo với thì là. Rau ăn kèm có tía tô, kinh giới, cải xanh. Cách ăn món chả cá này là gói với rau vừa đủ miếng ăn, chấm nhiều mắm.
Đêm giao thừa tiễn năm 2017 với chai vang trắng Riesling 2015 và giai điệu thiết tha của ca khúc không bao giờ cũ Happy New Year của Abba. Hai dĩa cá hết sạch, kể cả chén mắm ruốc. Eli diễn tả điệu bộ thích thú và luôn miệng “very… very good”. Njuta chưa ăn lần nào nhưng cô thích mắm, và sẽ mua mắm mang về nhà. Chợt nhớ cô bạn định cư ở Pháp, thích mắm lóc, nhưng khi về thăm quê có người tặng hũ mắm cứ một mực chối từ. Chẳng đặng đừng, cô mới khai là mình có cả “kho” mắm ở Paris nhưng chồng con cô, cũng là người Việt nhưng lớn lên ở Pháp, lại không biết ăn mắm. Ở trời Tây đành kho mắm, chưng mắm ăn một mình với nỗi nhớ cồn cào bởi mùi mắm là “mùi xứ sở, hương vị quê nhà”. Suy cho cùng ăn mắm phải ăn tại xứ mình cái ngon mới trọn, cô nói.
Ông bạn đồng nghiệp ghiền mắm ở Sài Gòn còn thê thảm hơn, bởi bữa cơm nào có mắm là hai đứa con bịt mũi đi chỗ khác. Nhớ mắm, ông đành ăn một mình, cô đơn với ký ức nhà quê mình ên.
Đám giỗ hay hơn chợ nổi
Njuta nói như vậy khi được tham dự một đám giỗ tại Sang Trắng, Ô Môn, Cần Thơ. Vợ chồng Eli và Njuta dự trọn vẹn hai ngày, tiên và thường của đám giỗ, và cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa nhất trong chuyến du lịch Việt Nam lần này. Cả hai cùng cắt lá, phơi lá, gói bánh tét, bánh ít với bà con gần xa tề tựu chuẩn bị đám giỗ; hỏi thăm cặn kẽ những tập quán và vô cùng ngạc nhiên trước sự quây quần vui vẻ này. Là kiến trúc sư học ở Pháp, hành nghề ở Đức, Njuta học gói bánh nhanh và khéo. Đòn bánh của cô được các bà nội trợ ngạc nhiên và khen thiệt tình: “Tây gói bánh còn khéo hơn mình”. Njuta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi “ăn đám giỗ” của người Việt. Tình nghĩa bà con chòm xóm như sợi dây vô hình nối kết ràng buộc nhau, đặc biệt là ở ngôi nhà có tới tám đám giỗ một năm, kết nối ấy càng vững bền.
Trước khi rời Cần Thơ, Njuta và Eli một lần nữa cảm ơn CÔBA home, nói rằng mình rất may mắn khi được dự một đám giỗ của người Việt.
Cảm ơn vì tất cả
“Cô Ba“ Thu đưa cho tôi xem thư cảm ơn viết tay của những vị khách đã lưu lại CÔBA home trong những ngày trước tết. Người viết tiếng Anh, người viết tiếng Pháp, lại có cả tiếng Việt ngọng ngịu của những vị khách Tây. Thường thì họ để lại thư trong phòng khi checkout, ngắn gọn: “cảm ơn vì tất cả!”
“Em có cả tủ những lá thư như thế này. Khách Tây rất siêng viết thư cảm ơn để lại cho, dù sau đó sẽ viết review trên trang mạng mà họ mua phòng. Khách Việt thì thỉnh thoảng review, chứ chưa bao giờ viết những lá thư tay”, anh bạn Hưng, homestay ở Cái Răng, cười ruồi, khoe. Nghe mà chạnh lòng.
Ở CÔBA home có những lá thư để trên gối, có những quyển sổ ghi tại bếp nắn nót tới bất ngờ. Lẽ nào ta đã quên giấy bút khi làm quen với bàn phím và những email vô hồn. Và vết chai nơi ngón tay giữa của thời cầm bút đã mất đi từ lúc nào không ai hay.
bài, ảnh Đỗ Sa Huỳnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này