10:28 - 30/01/2024
Vì sao họ lại khác biệt?
Ngay trong ngày đầu năm mới, Nhật Bản đã hứng chịu thảm họa với 155 trận động đất khiến ít nhất tám người thiệt mạng, gây ra sóng thần cao hơn một mét, hỏa hoạn lớn ở một số khu dân cư, nhà cửa sụp đổ, hư hại và thiệt hại nặng nề chỉ sau một đêm.
Và kế đó là vụ tai nạn của chiếc máy bay số JAL 516 ngay trên phi đạo. Cuối cùng thông tin về cuộc sơ tán hoàn hảo vẫn đáng kinh ngạc: khi tám cửa trượt thoát chỉ còn sử dụng được có ba, toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn chỉ mất tổng cộng 18 phút để thoát khỏi chuyến bay đang bốc cháy.
Ngay khi nghe tin tai nạn, tôi tìm đọc Reuters. Hãng tin tường thuật lớt phớt, rồi ca ngợi cuộc sơ tán là điều thần kỳ – a miracle. Không có gì thần kỳ, chẳng qua họ được đào tạo kỹ, thường xuyên tập luyện hướng dẫn khách thoát hiểm trên mặt đất và mặt nước. Video cho thấy hành khách la hét bên trong cabin đầy khói của máy bay, giọng đứa trẻ thét “Chúng ta hãy ra ngoài nhanh lên! Chúng ta hãy ra ngoài nhanh lên!”. Các tiếp viên bảo hành khách cứ bình tĩnh và đưa từng người xuống phao trượt.”
Không có thần kỳ! Đó là tính chuyên nghiệp cùng với tinh thần hy sinh vì chức nghiệp. Đó cũng là sự văn minh, kỷ luật. Nói chung, lúc hoảng sợ cũng có lao xao nhưng vẫn tuân kỷ luật chung và sự hiểu biết đã giữ trật tự, một bản lĩnh điềm tĩnh rất Nhật. Không có những người “khôn” hơn, đạp lên đầu người khác để thoát trước, rồi tất cả đạp nhau thành náo loạn và cùng… chết?
Đó là người Nhật đứng trước cái chết.
Và tôi lục lại tài liệu tôi ghi chép sau chuyến đi du lịch chớp nhoáng giữa tháng 10/2023. Cũng có những ghi nhận về người Nhật.
Giữa tháng 10 vừa rồi, tôi đi Tokyo dự một diễn đàn của Trí thức người Việt ở Nhật. Chị có đôi ngày rảnh rỗi, tôi được con trai chị đưa đi thăm vài nơi. Thăm chùa cổ nhất Tokyo, chùa Asakusa Konnon. Thăm chợ cá lớn giữa Tokyo. Thăm công viên Hachiko và khu đông đúc nhất, và ngã tư Shibuya, gần nhà ga rộn rịp nhất thế giới, đón tiếp 2,4 triệu người đi lại mỗi ngày.
Chùa Asakusa lớn, đẹp tráng lệ đông du khách như nêm. Nhưng họ không chen lấn, ồn ào và nhất là những nam thanh nữ tú mặc kimono đi thành từng đoàn. Thanh thoát, nhàn nhã, không vội, không động.
Tôi thú vị nhất là khu vực rút thẻ xăm, giống kiểu xin xăm bên mình. Các cô gái và những chiếc kimono, mây và hoa trên áo thật nhã. Họ đi cùng nhau, từ tốn, nhẹ nhàng. Họ cùng đến rút thẻ để đoán rủi may số phận năm tới. Hai cô trong số họ khều nhẹ nhau, chuyền cho nhau xem lá xăm và tủm tỉm cười rồi đem tới một tấm bảng gồm hàng loạt dây giăng sẵn, “công dụng” là dành cho những ai gặp lá xăm không vui.
Hay rút lá xăm khác may mắn hơn và cột lá xăm cũ lại, cột chéo quanh sợi dây, thanh thản gửi lại, bỏ qua những điều không vui và tìm ngay vận số mới. Vui thôi mà, nhẹ nhàng thôi, ta đổi vận được ngay thôi mà. Tôi thú vị với sự nhẹ nhàng điềm tĩnh của người Nhật trong trò chơi may rủi rút xăm.
Góc công viên Hachiko khá đông. Ở đây, chẳng có tượng thần vệ nữ hay tượng anh hùng, chỉ có tượng đồng của chú chó. Chuyện rằng một giáo sư đại học mua chú chó này và nuôi nấng trong nhiều năm. Mỗi sáng, chú chó đưa ông chủ đến nhà ga gần đó để ông đến trường dạy học, và ngồi đợi đến chiều cùng ông về. Tháng 5/1925, giáo sự bị tai biến đột ngột qua đời. Chú chó Hachiko vẫn cứ ngày ngày đến khu công viên gần nhà ga đợi ông chủ.
Cho đến hơn tám năm sau, gia đình ông giáo cảm nghĩa chú chó trung thành, đã tạc tương chú chó cùng ông chủ. Ngày 8/3/1935, Hachiko qua đời vì già nua. Người ta lập một bức tượng nữa ở đây và lấy tên chú đặt cho một cửa ngõ của nhà ga. Năm 2023, nước Nhật và cả thế giới đã mừng sinh nhật 100 tuổi của Hachiko. Du khách khắp nơi hàng ngày đến thăm tượng Hachiko, để chia sẻ tình yêu với động vật, lòng quý trọng đối với tình bạn và sự trung thành với người chủ của Hachiko.
Ấn tượng nhất của tôi là khu chợ vỉa hè bán thức ăn vặt chung quanh chợ cá. Có tất cả và ai cũng an lòng về độ tươi của trái cây, cá sống còn tôi thì ngạc nhiên về giá mỗi món. Chỉ 2 USD hay 3 USD.
Tất cả ngon, tươm tất, sạch sẽ và…văn minh. Họ làm chocolate, phủ lớp áo bên ngoài các món ngon như mắc ca, vỏ bưởi… thật khéo. Qui cách thật vừa tay cầm, bao bì giản dị tinh tế, và giá thì mềm. Tôi nghĩ khung cảnh đẹp vậy, họ thu gấp đôi, gấp ba cũng chẳng ai phàn nàn. Mà người Nhật …không biết kiếm lời, tất cả chỉ chừng ấy, hợp lý và tử tế.
Tôi nhận ra, tập cho được tâm thế đó thì mở trường gì, mất bao lâu? Họ đang làm du lịch tuyệt đối “chống 3C” – tức không chèo kéo, không chen lấn và không chửi bới – nếu khách không mua hàng hay trả giá. Không lẽ không có ai mách cho họ cơ hội chặt chém vô tận với hàng triệu khách du lịch mỗi ngày.
Tôi không có ý định viết về một cung cách làm du lịch của người Nhật dù tôi phục họ lắm trong lặng lẽ. Nhưng khi biết câu chuyện 379 người Nhật (chuyến bay nội địa) đã cùng nhau tôn trọng kỷ luật để cùng thoát khỏi chiếc máy bay to đang cháy đùng đùng, thì tôi lại hiểu hơn phong thái họ khi nhẹ nhàng trả lại lá xăm xấu hay không hề tăng gia chém chặt du khách.
Họ làm ăn từ tốn, điềm tĩnh, thiện lương, tử tế.
Một du khách không phải nhà báo cũng nói đâu khác tôi bao nhiêu như bạn vừa đọc ở đầu bài.
Họ khác biệt. Họ là người Nhật.
Vũ Hạnh Phước (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Cồn Sơn – sức sống diệu kỳ
Nực quá thèm canh chua
Bobun Paris
‘Diên Hồng’ phương án trong kiến thiết nước Nhật
Pacific Foods tìm kiếm những bờ bến mới
Tags:người nhậtNhật Bản
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này