11:11 - 09/02/2021
Sông nước Mekong và chiếc khăn rằn
Từ Myanmar, Thái Lan, qua Lào, xuống Campuchia, xuôi về vùng châu thổ sông Cửu Long (Việt Nam), đi ghe xuồng dọc theo sông chính, chi lưu hay kênh rạch hoặc trên các cánh đồng mênh mông mùa nước, ở làng mạc, chợ quê đều có thể gặp các bà mẹ, cô gái, trai tráng nông dân quấn khăn rằn quanh cổ, cuộn đội trên đầu, vắt chéo từ vai xuống thắt lưng, quấn tròn quanh bụng…
Nó là hình ảnh văn hóa và tập quán đặc trưng riêng cho vùng sông nước, làng mạc lưu vực sông Mekong. Chất liệu làm khăn chủ yếu bằng vải cotton, sau này có pha thêm polyester; còn sang trọng, đắt tiền hơn thì làm từ tơ tằm hoặc sợi se từ tơ sen. Cho dù hình thức hoa văn ở hai đầu khăn đôi khi có khác, màu sắc thông thường vẫn là các màu trắng – đen, đỏ – trắng, xanh – trắng, hoặc cả dạng nhiều màu sắc phối trộn tạo thành các hình ô vuông, thành các dải dọc theo chiều dài của khăn.
Đặc điểm trước tiên là tấm khăn rằn rất nhẹ, mềm mại và cơ động, chúng dễ giặt, dễ phơi khô nên rất tiện cho những người đi sông nước. Khăn có thể dài ngắn khác nhau về kích thước cho tiện bề sử dụng nhưng chúng đều có những nét rất chung và làm ngạc nhiên với nhiều du khách vì tính đa dụng tuyệt vời.
Khăn rằn là cái nón đội đầu tránh nắng hay che đầu trong những cơn mưa nhẹ. Các cô gái khi e thẹn có thể kéo đầu khăn để che đôi má ửng hồng, giấu nụ cười kín đáo.Khi đêm xuống sương gió lành lạnh, dân thương hồ dùng nó quấn quanh cổ, choàng qua vai cho ấm.Khi ngủ, cái khăn rằn có thể thành một mảnh chăn mỏng đắp nhẹ trên thân.
Khi đi tắm, nó trở thành cái khăn lau nước, tắm xong quấn quanh hông một cách điệu nghệ để thay quần, nhanh, gọn và khá kín.Khi cần phơi, khăn rất mau khô, đôi khi cũng chẳng cần phơi, chỉ vắt hờ qua vai, nắng và gió đồng sẽ làm nó khô nhanh chóng.
Đi chợ, cuốn vòng cái khăn thì nó thành chiếc giỏ đựng thức ăn. Các chị các bà có em bé nhỏ thì có thể dùng khăn quấn chéo qua vai như một cái địu con. Cho con bú chỗ đông người, bà mẹ vẫn thản nhiên vạch vú cho bé bú và chỉ cần tấm khăn che qua là đủ kín đáo. Khăn có thể biến thành võng ru cho bé nằm ngủ.
Quý bà đi ăn giỗ, lúc nhai trầu thì khăn đích thực là khăn lau miệng. Đi xe trên con đường đầy bụi hay khi nấu ăn, đốt đồng, un khói, cái khăn rằn biến thành mặt nạ che mũi che mắt. Ngồi trên xe ngựa, xe bò, xe đò, khăn là gối dựa cổ hay đai dây an toàn buộc chéo qua thân những người hay ngủ gục.
Nấu cơm, nấu canh khi nồi còn nóng thì mấy má biết tháo khăn rằn lau mồ hôi và cặp vào quai nồi nhắc ra khỏi bếp không sợ nóng tay hay vuột nồi. Các chị đi ghe, đi đồng, đi chợ… kẹt cầu tiêu tiểu thì nó thành tấm chắn che tạm để giải quyết điều khó nói.
Trước kia, miền châu thổ sông Mekong đầy tôm cá, đầy sản vật ruộng vườn và rừng ngập nước như ếch nhái, rùa rắn, lươn chuột…, khăn rằn vẫn được tận dụng khi bắt cá, chụp đìa, nhét hang chuột, nhử bắt rắn độc. Các ông anh tát cá, ngâm mình dưới nước quần đùi ướt sũng nước và bùn, dễ bị tuột thì khăn rằn quấn quanh bụng thành một sợi dây đai, dây nịt. Một cái khăn rằn lớn cuốn bốn góc như tay nải chứa gọn cả chục ký cá tát đìa. Nghe chuyện ngày xưa, khi bắt cá sấu trên sông rạch, gặp phải thiếu dây thừng, mấy ông lão Nam Bộ còn dùng khăn rằn để trói chặt sấu nữa. Leo cây hái trái trong vườn, một người hái, thảy xuống dưới đã có hai thằng bé cầm hai đầu khăn trải rộng, hứng trái từ trên cây xuống.
Thời chiến tranh Đông Dương, các phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Campuchia và Lào vẫn chụp được những tấm hình du kích, binh lính tuy trang bị quân phục khác nhau vẫn mang thêm tấm khăn rằn. Cái khăn có thể cuộn theo băng đạn, khi bắn nhau, nòng súng quá nóng thì dùng khăn nhúng nước cho ướt để giải nhiệt binh khí rất hiệu quả. Khi bắt được đối phương ngoài chiến địa, họ dùng khăn rằn để trói khuỷu tay ngược sau lưng hay bịt mắt dẫn tù binh giải đi. Với người bị thương, tấm khăn rằn có thể là cái băng cầm máu, như gạc y tế tạm thời, hoặc dùng để buộc cố định tay chân bị thương.
Một công dụng quan trọng nữa của khăn rằn là nó có thể thành cái màng lọc nước. Sông Mekong vào mùa nước nổi đầy ắp phù sa, cả khi mùa khô nước kênh rạch hạ thấp lợn cợn nhiều bùn đất thì các bà má biết xếp vuông khăn rằn thành chiếc màng lọc. Đổ nước qua xấp khăn xếp dày, phù sa, bùn cát bị giữ lại, nước trong hơn. Nếu có thể thêm cục phèn nhỏ, quậy quậy vào lu vài phút thì nước đã trong hơn rất nhiều, có thể dùng nấu ăn uống.
Chẳng biết có nhà xã hội học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu dân gian, văn hóa văn minh bản địa nào lý giải được vì sao cái khăn rằn chỉ phổ biến nhiều nhất ở các khu dân cư nông thôn dọc theo sông Mekong và các chi lưu của nó mà không tìm thấy ở những đồng bằng sông khác. Tính tiện dụng, lợi ích của cái khăn rằn đã rõ, nhưng đâu là minh chứng lịch sử về luồng thông thương tập quán phong tục cho các cư dân vùng này, qua nhiều nước, mà trước đó hàng trăm năm việc đi lại, giao tiếp rất hạn chế, thậm chí có những giai đoạn bị cắt đoạn.
Trong khi tìm hiểu thêm các giải thích, dù sao chiếc khăn rằn có thể có các tên gọi khác nhau cho từng dân tộc, nhưng cái tên chung mà chúng ta có thể dùng là “khăn rằn Mekong”, thể hiện đặc thù văn hóa của cả khu vực, của mỗi vùng miền trong lưu vực. Cho dù hiện nay văn minh và công nghệ có thể tạo ra những vật dụng mới đắc dụng hơn, nhưng chiếc khăn rằn vùng sông nước Mekong vẫn là hình ảnh thân thương và quen thuộc.
Bài và ảnh Tuấn Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này