12:05 - 05/03/2018
Xuân ngược xuôi miền biên viễn
Lấy Hà Nội làm tâm, quay một vòng com-pa trên bản đồ, không địa danh nào ở phía Bắc xa hơn A Pa Chải, nơi có ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung.
Từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên Phủ 500km, tiếp đó là 260km đường núi quanh co lên A Pa Chải. Nhưng xa mà gần. Xa nhất có cái quý của xa nhất. Vì thế, nó lại trở thành gần.
Sau nhiều lần tách nhập rồi lại tách tỉnh, A Pa Chải thuộc về tỉnh Điện Biên từ 15 năm nay, cho dù nhiều người nói tỉnh Lai Châu mới xứng đáng để quản lý vùng ngã ba biên giới này hơn. Chẳng gì thì tỉnh Điện Biên mới tái lập cũng tách từ Lai Châu ra. Có A Pa Chải chẳng khác có bảo bối. Này nhé, đây là “điểm đầu đặt bút vẽ bản đồ nước Việt”. Đây là chỗ đặt cột mốc phân chia ba nước, “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”, dù chẳng có gà nào ở trên đó, nhưng cũng là “giơ máy selfie một cái, ba nước cùng vào tấm hình”. Cột mốc số 0 nằm ở độ cao 1.864m so với với mực nước biển ở A Pa Chải khởi đầu của đường biên giới Việt – Trung chạy tút lút sang phía đông đến cột mốc 1378 ở cửa sông Bắc Luân (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là cột mốc cuối cùng. Đây cũng là một trong hai “ngã ba biên giới” ở Việt Nam, cái kia là “ngã ba Đông Dương” phân chia Việt Nam, Lào, Campuchia ở gần cửa khẩu Bờ Y (tỉnh Kon Tum).
Địa vị “bảo bối” của A Pa Chải khiến cho Điện Biên sáng hơn những năm gần đây. Con đường từ Điện Biên qua Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé vào A Pa Chải sáng lên, mướt lên từng ngày. Đường núi quanh co 260km nhưng xe ô tô chạy nhanh chỉ hết sáu giờ đồng hồ. Các phượt thủ bớt vất vả hơn, những người du lịch bình dân bớt “sợ” hơn khi nghĩ đến sự xa xăm cách trở của miền biên viễn. Chắc chỉ hơn một năm nữa thôi, khi đường lên núi Khoang La San làm xong, ô tô sẽ đưa khách thẳng từ đường liên huyện lên đến chân cột mốc biên giới số 0, chứ không phải leo bộ gần 4km đường núi như bây giờ. Vài tháng trước, Viettel cho triển khai dịch vụ 4G tới tận A Pa Chải. Tháng trước tết, đoàn lãnh đạo Uỷ ban thường vụ quốc hội lên trồng cây lưu niệm trên đồn biên phòng 317. Chương trình đêm 30 tết Mậu Tuất 2018 của đài Truyền hình Việt Nam cũng lấy đồn biên phòng 317 A Pa Chải làm một điểm cầu truyền hình trực tiếp, dẫu rằng thời điểm ghi hình “trực tiếp” cũng trước đêm 30 tết gần cả tháng (thông tin từ đồng bào dân tộc).
Đồn biên phòng 317 với hơn 60 lính, ngoài mốc số 0, chịu trách nhiệm tuần tra 24km biên giới Việt – Trung và 19km biên giới Việt – Lào. Các bạn trẻ tưởng đâu đời lính miền biên viễn gian khổ thật nhiều, nhưng chẳng phải, “thần tiên” là đằng khác. Ngoài những ngày đi tuần dọc biên giới, ở đồn có đủ loại hình thể thao, giải trí, rau sạch, thịt sạch tự tăng gia. Lương và phụ cấp của một thiếu uý mới được phân lên chốt cũng được 10 triệu đồng mỗi tháng, nhờ chính sách đặc biệt cho bộ đội biên phòng, đủ thấy các lãnh đạo quan tâm rất mực đến phên dậu, bờ cõi quốc gia thế nào.
A Pa Chải với cột mốc số 0 đang trở thành một điểm du lịch đặc biệt. Phía bên Trung Quốc, người ta cho dựng cầu thang bậc gỗ lên tận cột mốc. Khách Trung Quốc lên đó có khi còn đông hơn khách Việt Nam. Còn phía Lào thì chưa có gì. Chả mấy mà khu này sẽ mọc lên nhiều hàng quán, nhà nghỉ. Trường, từ quê Hưng Yên lên, là một người mau mắn như vậy, đã kịp dựng lên một nhà hàng đặc sản, đang cho xây cất nhà nghỉ. Có người cắc cớ hỏi “từ dưới xuôi lên đây làm ăn, chắc phải có ‘tay to’ gì chứ nhỉ?”, Trường gãi đầu “làm gì có”.
Mâm cơm tối ngày tết của những kẻ “tự nguyện tha hương” có đủ vùng miền. Một ông già 70 tuổi với nguyện vọng tới đủ cả bốn cực đông tây nam bắc của tổ quốc trên đất liền. Mấy cô cậu rất trẻ say sưa kể về những cột mốc biên giới đặc biệt họ đã từng qua. Một đoàn mấy anh từ Đồng Nai đi xe máy ra, bắt đầu phượt từ phía đông bắc vào trước tết qua tây bắc lúc đó. Họ nói về những chuyến đi, những chuyến di cư. Rồi họ chùng xuống khi nghe anh lái xe ô tô người Điện Biên kể về những chuyến di cư của người H’Mông, bỏ núi rừng tây bắc vào với núi rừng Tây Nguyên, vào Dăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum tìm sinh kế mới từ những năm 1980, 1990. Trên đường về Điện Biên Phủ, qua ngã ba thị trấn Mường Chà, anh lái xe chỉ vào những người H’Mông xúng xính váy áo truyền thống đang đứng bên đường: “Họ đang chờ xe đi Dăk Lăk đấy…”.
bài, ảnh Đinh Hiệp
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này