09:49 - 19/02/2024
Phan Đan, đêm Sài Gòn trồi sụt
Những ngày đầu năm mới, ngồi ở góc phố Sài Gòn thênh thang, tôi lại thèm đọc những dòng viết về Sài Gòn.
Đó là một nỗi nhớ kỳ lạ với chốn mà mình yêu thương mà khắc khoải đến khôn cùng. Tôi nhắn tin cho bạn bè xin họ viết về Sài Gòn cho tôi đọc. Rồi tôi chợt nhớ ra, trong một tập thơ của một tác giả mà trong lãnh vực nghệ thuật, nhắc đến tên ai cũng biết, đó là nhà thơ Phan Đan, dù ông cũng chẳng thích ai gọi mình là “nhà thơ”, nhưng ngay cả một danh từ được gọi tên, chỉ là cái cớ để cho những dòng này xuất hiện trên nhân gian:
“… đêm Sài Gòn trồi sụt
bình minh nghiêng em vào ngực tôi tiếng nước chảy ban mai
cái hôm trầm buồn như đất lở
cơn hỗn loạn màu.
(Bốn tảng đá đêm – Thơ Phan Đan- NXB Hội Nhà Văn 2023).
Một tập thơ của Phan Đan lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn trong nước. Tôi nghe kể lại rằng không phải vì thi sĩ muốn có nó, mà là do những người bạn lâu nay vốn vô cùng yêu quý những gì ông viết, cố thuyết phục để ông đồng ý in. Cuối cùng thì nó đã là một thực thể rất riêng, tồn tại với chính nó trong con mắt và cảm trạng người đọc, tự chọn cho mình những câu thơ, ca điệu cho mỗi tâm hồn.
Tất nhiên, thi ca chưa bao giờ chết, hội họa cũng thế, văn chương lại càng không dù người ta sợ sách sẽ tuyệt diệt bởi các thiết bị công nghệ. Nhà thơ Phan Đan thổ lộ rằng: “Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và chính điều này làm mờ nhạt vai trò của các thông điệp cá nhân”. Ông cho rằng sức mạnh của nhân loại bắt đầu bằng con người cá nhân, thông điệp cá nhân, bản sắc cá nhân liệu có thể sẽ bị “hòa ta trong một thứ “ngôn ngữ nhân loại” giàu tính kỹ thuật mà thiếu tính nhân bản”?
Tôi thì nghĩ khác, khi mà nhân loại vẫn còn những kẻ lang thang trên chuyến viễn du cuộc đời, hay như một thiền sư chỉ cho ta cách thế để sống “làm sao trong con mắt nhìn, thế giới này chỉ tồn tại như hạt sương trên đầu ngọn cỏ” (Tuệ Sỹ), thì chắc chắn đây là tiếng lòng của tất cả chúng ta:
“Ôi bàn tay của mình, của người, của Em, cho tôi úp mặt,
Cho tôi che lên ngực trái, nơi sinh ra tiếng âm thầm
Em chảy vào tôi dòng máu lạnh của thở than hối hận
[…]
Tôi vãi những giọt mưa xanh giọt máu xanh tôi lên trang giấy đòi quyền yêu thương ướt đẫm
Ngủ giữa bàn tay mình êm êm tiếng võng ru của thiên nhiên đầy ứ mộng.
Tuổi thơ ơi, tuổi già ơi, khép hai làn mi đưa về một ánh lửa,
Mình lại khóc trên nét chữ của mình, tôi cứ viết mãi về Em”
(Bốn đoạn tùy bút, khổ 2- sđd).
Cái cõi riêng trong cái cá nhân ấy, tận sâu thẳm nỗi khổ đau của con người, vốn dĩ lại của chung giống loài homo sapiens này:
“Thao thức để nói về mình,
Là một nghìn lần,
Nặng nhọc
(Nói một chút cho mình, khổ 6- sđd)
Thơ Phan Đan, là tình yêu thương con người vĩnh cửu. “Em” trong những bài thơ ông, trừu tượng và vắng bóng. Chính cái không ấy lại làm thức tỉnh mọi cảm trạng trỗi dậy:
“Em hãy đến chìa bàn tay cho cây long não một lẵng thơm đầy tiếng
Và cho những giấc mơ tối tăm một nụ cười”.
Trên hành trình làm lữ khách, Phan Đan gặp gỡ Rimbaud, cả hai rủ nhau đi chung một chuyến tàu. Nhưng có khi ở thế kỷ này, trên từng trang viết này, tái sanh một thi sĩ chỉ viết những câu thơ dưới buổi chiều lặng lẽ:
“Em không về những khung cửa trầm ngâm”
(Những cánh hoa màu đen – khổ 2, sđd)
Một trăm năm mươi chín bài thơ viết theo nhiều thể điệu khác nhau, có lẽ cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong những trang viết hàng ngày của Phan Đan, nhưng khi được sắp xếp ở cùng nhau trên 415 trang của một tập thơ khổ 18 x 24cm, nó trở thành tất cả trong một. Và trong một có tất cả. Như chúng ta vốn cũng không thể tách rời thế giới, dẫu có là từng cá nhân mạnh hay yếu giữa thời đại tưởng chừng như mỗi ngày đi trong cơn lốc của công nghệ, thì cũng sẽ có nhiều khi vẫn thèm ngồi lặng lẽ, để chiêm nghiệm về vẻ đẹp mong manh của một kiếp người được yêu đương:
“Em vỡ ra trong nước mắt của anh”.
(Đêm khép cửa, khổ 8, sđd).
Tuy vậy, mở đầu một tập thơ bằng một bài “coda”, nghĩa là cũng đã kết thúc để chuyển sang trạng thái vật thể khác, trong khúc mở đầu này, khiến ta luôn như trông chờ: “Giấc mơ nào thổn thức trong trái tim con chó nhỏ sau cỗ xe tang cô quạnh của W.A.Mozart?- Có lẽ là một tình khúc đầy ánh sáng”.
Hơn bốn trăm trang thơ, lời và nhạc, không một dòng nào về tác giả, tôi cũng không muốn tìm hiểu thêm nhà thơ Phan Đan tên thật là gì, sinh năm nào, ông làm gì và đi lưu lạc ra sao… có lẽ chỉ cần đọc tập thơ đầu tiên sau gần 40 năm cầm bút của một thi sĩ tài hoa, ta sẽ thấy ông sống trong đó, sinh động, cuốn hút, hấp dẫn và tràn đầy yêu thương. Thế là đã đủ cho một kiếp người, nếu có thêm thì cũng là do mong cầu của chúng ta, muốn được sống lại, được đánh thức bởi những vần điệu ấy.
Và cho cả những cảm thức một mùa mới, cứ từ đó mà sinh ra.
Tịnh Thủy (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này