10:56 - 02/02/2022
Nguyễn Thị Ngọc Hải: Mơ ước về đồng bằng xanh
Nếu phải “khai báo”, tôi tạm chia đời mình thành hai giai đoạn. Thời làm báo ở Hà Nội trong chiến tranh và đói nghèo bao cấp.
Thời đổi mới, trở thành kiểu chỉ Sài Gòn mới tạo ra được: bạn không ở biên chế tòa báo nào, nhưng vẫn có thể phấn đấu thành người viết chuyên nghiệp, nếu yêu nghề.
Nghề báo đưa tôi đi khắp nơi, nhưng mà không được đi chơi. Đó là lúc lăn lộn cả tháng trời ở Lạng Sơn, Tuyên Quang để viết về chiến tranh biên giới phía Bắc. Hay lần đầu tiên sang Nga, lúc Liên xô chưa sụp đổ. Nhìn thấy tuyết, tôi vục tay bốc lên và ngạc nhiên thấy… khá bẩn. Bên dưới lớp tuyết trắng phau là bùn đất. Tuyết đang tan.
Bây giờ đọc báo thấy người Hà Nội có “thừa rét mướt”. Họ thích lên Fansipan nằm chờ để “săn tuyết” – thú chơi của một xã hội thoát đói nghèo. Thấy tuyết tận mắt, mọi người tức điên khi bị lừa tấm hình giả tuyết Sa Pa. Vậy là được đi khắp trong ngoài nước, nhưng đi lo việc, trong tâm thế căng thẳng, không kiểu du lịch thưởng ngoạn như sau này khi đất nước đổi mới. Xuống Đồng bằng sông Cửu Long, tôi mới có được cảm giác đó.
Ngày đầu tiên, tôi xuống đồng bằng kiểu du lịch. Thật ra là bám theo phỏng vấn khách nước ngoài do Saigon Tourist trên chuyến ca nô đường sông. Tôi phải quan sát khách xem họ thích gì, hỏi tìm hiểu gì. Đó là lần đầu tiên tôi đi chợ nổi Cái Bè và được vào vườn trái cây hái ăn chứ không phải mua ngoài chợ.
Bây giờ thì tôi đã đi chơi nhiều rồi. Ai mà chả ham đi du lịch. Đi viếng Chùa Bà, lên núi Cấm, chùa Vĩnh Tràng – ngạc nhiên thấy có dấu ấn kiến trúc Hoa, Việt, Khmer và cả châu Âu. Rồi chèo thuyền hát hò vang rừng ngập mặn Trà Sư – An Giang…
Làm sao đi hết được, có hơn 40 điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng. Dịch Covid, Cần Thơ người ta triển lãm thực tế ảo du lịch đồng bằng. Tôi chưa đi hết, nhưng về đồng bằng khiến tôi thấy lòng bình yên. Nghe nói đồng bằng có cả hơn chục tỉnh đạt chỉ số năng lực cạnh tranh, điều hành giỏi và ít tham nhũng, làm ăn ít phải chi tiền dưới “gầm bàn” nhiều như các vùng khác.
Tôi mê đồng bằng vì ở đó có những vườn cây trái bạt ngàn. Miền quê ít đào giếng hơn những vùng miền tôi đã qua. Dân chủ yếu xài nước mưa và nước sông. Ở vùng quê Bắc Bộ, giếng đào thăm thẳm mà ít nước nên nhà nào cũng hứng nước mưa, buộc cái mo vào thân cây cau cho nước mưa vào vại. Chỉ được dùng đun nước pha trà cho tiết kiệm, giặt rửa thì ra ao. Nông dân đồng bằng làm du lịch, có nhà tới chục công đất và mấy trăm gốc sầu riêng. Có cả trang trại nghỉ dưỡng. Ông bà tây đầm mặc đồ bà ba đen lội ruộng bắt cá, sướng quá vì ngã oành oạch. Họ lóng ngóng bưng tô, cầm đũa ăn hủ tíu trên ghe, cũng xì xoạp ngon lành. Sao mà không thích đồng bằng dù giàu lên nhưng không chảnh, con người hiền hòa thiện lương. Những cái tên thô mộc vẫn giữ: Cái Răng, Cái Bè… Vẫn đi cầu khỉ vào xóm dù đã nhiều cầu xây.
Mới đây cô hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên làm tan chảy bao trái tim khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo Miss Grand International 2021. Đại ý là nếu bây giờ có cơ hội để gặp một người để thảo luận thì bạn chọn ai. Thùy Tiên nói sẽ xin gặp nhà khoa học nữ – giáo sư Sarah Gilbert sáng chế ra vaccine AstraZeneca và hiến tặng cho thế giới, không giữ bản quyền. Câu trả lời thông minh quá.
Hay khi được hỏi muốn nói chuyện với ai, tài tử Leonardo DiCaprio, tỷ phú Jeff Bezos, thủ tướng Boris Johnson và hoàng tử William của Anh đều trả lời muốn gặp tổng thống Carlos Alvarado Quesada, 40 tuổi của đất nước Costa Rica ở Trung Mỹ. Bởi ông là “nhà lãnh đạo xanh”, xem thiên nhiên là một loại hình phát triển, bùng nổ du lịch sinh thái và bảo tồn biển rộng lớn. Họ sẽ khử hoàn toàn carbon vào năm 2050, nỗ lực bảo vệ 30% trái đất vào cuối thập kỷ này.
Chợt ao ước đồng bằng không chỉ xanh trên bản đồ dịch Covid, mà còn mãi giữ màu xanh hiền hòa. Để rồi du khách mọi nơi trả lời rằng đây là nơi họ muốn chọn cho những chuyến đi và những cuộc gặp.
Nguyễn Thị Ngọc Hải (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này