10:11 - 01/02/2024
Hãy là doanh nông của một đất nước giàu tài nguyên bản địa
Năm 2023 là cột mốc đánh dấu chương trình Khởi nghiệp xanh của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA – bước vào năm thứ 10.
Dọc theo chặng đường hấp dẫn nhưng khó nhọc này, chương trình đã không ngừng tạo ra những đột phá và định hình tương lai với 9 cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tài nguyên bản địa” đã diễn ra. Mỗi cuộc thi là một cơ hội để những ý tưởng và tâm huyết kinh doanh nảy mầm và đổi mới. Qua đó, chương trình không chỉ là nơi khơi nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp mới mà còn là nơi tạo ra môi trường cho sự phát triển của một thế hệ “Doanh nông trẻ”. Những người trẻ đó không chỉ mang theo tinh thần năng động và đam mê, mà còn có trách nhiệm và nhạy bén với những thách thức mà xã hội và môi trường đặt ra. Và nhân dịp này, một cuốn sách có tên “10 năm khởi nghiệp xanh – Hành trình kiến tạo một thế hệ doanh nông Việt Nam từ tài nguyên bản địa” đã được xuất bản. Ở đó, các nhà lãnh đạo, chuyên gia đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về ý nghĩa của chương trình, đồng thời nhấn mạnh những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trẻ trong việc định hình tương lai xanh của kinh tế và môi trường.
Thế Giới Hội Nhập Xuân 2024 trân trọng giới thiệu:
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Lê Minh Hoan: Hỗ trợ khởi nghiệp là một hành trình hạnh phúc
Dấu chân BSA đã đi qua nhiều vùng đất của quốc gia, đã kích hoạt tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp của các bạn trẻ đến từ mọi miền, mang lại hạnh phúc cho ngành nông nghiệp và đất nước. Nghĩ đến hành trình 10 năm của chương trình Khởi nghiệp xanh, tôi bất chợt nhớ đến quyển sách có tên Hạnh phúc tại tâm. Tôi tin rằng hành trình hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp này là một hành trình hạnh phúc. Tôi luôn nhớ những gương mặt, những câu chuyện mà tôi đã được gặp gỡ, lắng nghe và trải nghiệm từ các bạn doanh nông trẻ từ Hà Giang, Tuyên Quang đến đất miền Trung và xuống Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của các bạn khi gieo trồng hy vọng trên mảnh đất quê hương mình.
Khởi nghiệp không chỉ là chuyện của hôm nay mà khởi nghiệp là câu chuyện của cả mai sau. Hôm nay chúng ta gieo trồng, trong tương lai chúng ta mới nhận lại kết quả. Hôm nay chúng ta có những bạn trẻ chập chững bước chân vào con đường khởi nghiệp, thì 5 năm sau, 10 năm sau… chúng ta sẽ có những thế hệ doanh nhân cho đất nước. Tôi nghĩ rằng đó chính là sứ mệnh mà BSA đã đảm nhận và tôi hạnh phúc khi là một người đồng hành với sứ mệnh này.
Tôi ước mơ rằng làm sao mình có thể tạo nên một không gian khởi nghiệp đầy đặn hơn. Vừa rồi tôi có gặp một nhóm bạn trẻ TP.HCM đi xuống Đồng Tháp, tới câu lạc bộ Đàn Sếu Khởi Nghiệp, để hướng dẫn kỹ năng gọi vốn. Sau đó tôi lên tôi nói rằng, tôi không biết kỹ năng gọi vốn, nhưng tôi có kỹ năng gọi tri thức trước. Tức là chúng ta phải có sự chuẩn bị tri thức cho các bạn khởi nghiệp. Đó là một hành trình tiền đề, là việc chúng ta đắp một cái nền cho vững chắc.
Còn một chuyện nữa, tôi hay nói với anh em là người Việt mình lạ lắm. Chưa ra ngõ đã sợ trời mưa rồi. Hãy cứ ra ngõ đã khi đó mưa nhỏ thì mình đội mũ, mưa lớn thì mình mặc áo mưa, chừng nào bão bùng dữ lắm thì mình hãy quay về. Như vị bộ trưởng giáo dục Israel từng nói về khởi nghiệp: “Người Israel chúng tôi muốn vào nhà là phải vào cho bằng được, cửa chính không được thì đi bằng cửa sổ. Cửa chính đóng, cửa sổ đóng thì trổ nóc nhà đi xuống”. Hay ông cũng nói rằng: “Nếu có một học sinh nào đó nói với tôi rằng, bộ trưởng ơi em muốn hái một vì sao trên trời. Tôi sẽ nói với bạn đó, ok, ngồi đây cùng với bác, mình lập kế hoạch”. Đó là tinh thần tôi ước và tôi muốn chúng ta, các bạn trẻ khởi nghiệp của chúng ta có được.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, Chủ tịch CLB DN dẫn đầu (LBC): Khởi nghiệp là một hành trình vạn dặm, nhưng nó không bắt đầu từ bước chân của bạn!
Những dự án khởi nghiệp được chọn vào vòng chung kết mà tôi làm giám khảo đều có những ý tưởng mới và giải pháp độc đáo. Các doanh nhân trẻ này đã sản xuất thành công những sản phẩm từ nông sản bản địa để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, của đất nước và con người. Đáng trân trọng hơn, họ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người trong quê làng có được cuộc sống ổn định và ấm no hơn. Tuy nhiên sau vài năm hoạt động, có vài doanh nghiệp khởi nghiệp dự thi đã không thành công trên thương trường như mong đợi mặc dù với tất cả cố gắng và nhiệt huyết từ những người sáng lập.
Trong lúc ngồi tại bàn giám khảo hay đi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, tôi hỏi và được nghe những doanh nhân khởi nghiệp trẻ dự thi chia sẻ những câu chuyện về ý tưởng và hành trình khởi nghiệp của họ. Tôi rất đồng cảm vì những câu chuyện khởi nghiệp này cũng không khác gì mấy với những câu chuyện khởi nghiệp của cá nhân tôi. Khởi nghiệp là một hành trình bắt đầu từ sự tự chủ bản thân, đến thành lập một doanh nghiệp vì mục tiêu có lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và đóng góp vào sự phát triển đời sống xã hội tốt đẹp hơn cho mọi người.
Lão Tử có câu “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Khởi nghiệp là một hành trình vạn dặm. Nhưng nó không bắt đầu từ bước chân của bạn. Nó bắt đầu từ nhu cầu của người khác, của cộng đồng, của xã hội. Tình cờ hay cố ý trong khoảnh khắc nào đó, bạn ngộ ra được nhu cầu bức thiết của mọi người xung quanh ở thời điểm hiện tại, những ngày sắp tới hay tương lai xa hơn. Lúc đó, lòng bạn sẽ nung nấu ước mơ giúp mọi người giải quyết nhu cầu ấy. Xin chào bạn! Vì tư duy của bạn đã bước vào quy trình khởi nghiệp – quy trình biến đổi từ ý tưởng thành sản phẩm được cộng đồng và xã hội tin dùng, tiến tới độc quyền nắm giữ thị trường, phát triển sự nghiệp kinh doanh bền vững.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan: Khởi nghiệp xanh phát triển, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc
Những dự án Khởi nghiệp xanh thú vị của các bạn trẻ đã tiếp thêm động lực cho tôi, như việc kết hợp phương pháp truyền thống với công nghệ mới để làm ra các sản phẩm sạch và chất lượng cao. Không chỉ đưa ra lời khen cho những dự án xuất sắc, tôi còn chú trọng đến ý nghĩa của Khởi nghiệp xanh trong nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp cần chuyển đổi sang cách làm mới, chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm và bền vững. Cách làm xanh này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm chi phí cho nông dân, đồng thời giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Về mặt thị trường, Khởi nghiệp xanh trong nông nghiệp còn giúp thúc đẩy xuất khẩu. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu thành công. Nếu ta không đảm bảo được an toàn thực phẩm, làm thế nào có thể tiếp cận thị trường quốc tế? Chính vì vậy, Khởi nghiệp xanh là cơ hội để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản và mở rộng thị trường.
Tôi đánh giá cao đội ngũ khởi nghiệp xanh và tôi tin tưởng vào khả năng của họ. Tôi ấn tượng với tiêu chí Khởi nghiệp xanh làm trong nông nghiệp và sự xuất hiện của những người trẻ có đam mê và lòng kiên định. Họ không chỉ tạo cơ hội cho bản thân mà còn đóng góp vào phát triển nông thôn và cải thiện cuộc sống của nông dân.
Khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là hành trình của riêng họ, mà còn là hành trình của cả xã hội. Nó đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều bên, từ các cơ quan chính phủ, tổ chức hỗ trợ đến các doanh nghiệp và những người tiêu dùng. Nếu chúng ta cùng hỗ trợ và tạo điều kiện cho Khởi nghiệp xanh phát triển, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc và góp phần vào sự bền vững và thịnh vượng của đất nước.
Trong quá trình hỗ trợ các dự án khởi nghiệp xanh, tôi đã nhận thấy sự phấn khích và đam mê của người trẻ. Sự học hỏi, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các dự án khởi nghiệp đã thúc đẩy sự phát triển và cải tiến liên tục. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng thành công trong Khởi nghiệp xanh không đơn thuần là việc biết sản xuất cho thị trường, mà còn là khả năng tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế và đạt được các chuẩn mực xanh của thế giới. Vì vậy, việc xây dựng và duy trì một thương hiệu chung như “Khởi nghiệp xanh” có thể giúp tăng cường sự nhận diện và giá trị của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh trong nước và trên thị trường quốc tế.
PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: Một mô hình nông thôn mới với tư duy mới đã định hình
Các bạn đã đưa tôi từ ngọt ngào con tôm của mênh mông rừng ngập mặn Cà Mau, đến trái táo hữu cơ Ninh Thuận, trái lê đặc sản Hà Giang; những sản phẩm mới từ mật hoa dừa nước Trà Vinh, đến dầu trái bơ Đắk Lắk, rồi vòng về con ong dú Ninh Thuận, cái giống ong mà tôi chỉ mới nghe lần đầu. Những nông sản tưởng quen thuộc, giản đơn cũng được nâng lên một giá trị mới, với công nghệ, khoa học và tâm huyết của những bạn trẻ khởi nghiệp: củ sen kẹp bơ, tinh dầu xông (Đồng Tháp), bột rau (TP.HCM), đến cả tương ớt (TP.HCM) cũng quyết tâm vươn ra quốc tế cùng Sriracha. Và đâu chỉ là nông sản, đồng quê của ta còn cả phương thức sản xuất mới, cánh đồng chia sẻ (Hải Phòng) đến du lịch nông thôn (Bến Tre)…
Những dự án, những Khởi nghiệp xanh này, đâu phải còn nằm trên giấy mà đã là những hoạt động triển khai đầy triển vọng và đang phát triển, dù ngay trong thời dịch bệnh. Các tiến bộ về công nghệ thông tin, mạng xã hội, Tiktok… đã được các doanh nông trẻ tìm hiểu khai thác, nhằm chuyển đổi phương thức kinh doanh để phục vụ xã hội, thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh và không để cho dự án của mình bị dừng lại. Cái bài học rút ra từ những thành quả thực tế, trong giai đoạn khó khăn này mà tôi cảm nhận sâu sắc, là nhận thức về trách nhiệm xã hội hiện rõ trong từng dự án. Dịch bệnh không ngăn được các doanh nông trẻ chùn bước, mà những khó khăn, thử thách đó càng rèn thêm ý chí, nặng hơn trách nhiệm, dày hơn kinh nghiệm và để thấm hơn thế nào là Khởi nghiệp xanh.
Các bạn trẻ đang bày ra và tôi đã thấy bầu trời mênh mông xanh, thật đẹp của làng quê, đất nước, từ Bắc đến Nam, từ cao nguyên đến đồng bằng, ngổn ngang sức sống, hừng hực đam mê vươn lên, chứ nào đâu là dịch bệnh, nào đâu chỉ là ly nông! Một mô hình nông thôn mới với tư duy chuyển các tài nguyên bản địa thành sản phẩm xanh có giá trị, chuẩn mực và vươn ra thị trường trong, ngoài nước. Những ước mơ khởi nghiệp từ nông thôn. Ước mơ về một nông thôn khá giả, với những doanh nhân trẻ đang khao khát vươn lên.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, Chủ nhiệm Chương trình Khởi nghiệp Xanh: Vì mục tiêu ươm tạo một thế hệ doanh nông tử tế
Hành trình 10 năm nhìn lại chuyển mình từ nông nghiệp chung sang Nông nghiệp xanh, tôi đã cùng đồng đội tổ chức được 407 lớp huấn luyện (từ 1 đến 4 ngày) tại 205 lượt địa phương với gần 30.000 lượt học viên tham dự. Đã tổ chức được 46 diễn đàn – hội thảo tại 35 lượt địa phương có 8.658 lượt người tham dự. Mục đích để các doanh nghiệp kết nối, hợp tác với nhau, hỗ trợ và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm phát huy nguồn lực. Chương trình Khởi nghiệp xanh đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, Startup tour tới Study tour (từ 2 đến 7 ngày) học hỏi giao lưu với các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong ngoài nước. Chúng tôi cũng đã tổ chức 19 đợt trong nước với 780 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp; 6 đợt đi học tập giao lưu nước ngoài với 181 lượt doanh nghiệp được tham quan. Tại các Startup tour đều có các chuyên gia đi cùng để hướng dẫn, chia sẻ thêm kinh nghiệm cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Vui nhất là lúc làm Phiên chợ Xanh – Tử tế, nơi mà Trung tâm BSA lập ra để có chỗ cho các bạn đem sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm của các ông bà nông dân, làng nghề ra trình làng với dân thành phố và dân cả nước. Cá nhân tôi được giao làm chủ chợ, lụi hụi đến giờ đã 7 năm, đã làm được hơn 316 phiên chợ với 11.220 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia.
Trong các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, từ năm 2015 nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đã được ưu ái có không gian khởi nghiệp riêng, 25 đợt với 600 lượt doanh nghiệp tham gia. Gan hơn là từ 2017 mỗi năm chúng tôi còn dám dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp đi giao lưu với các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp ở nước ngoài, tham gia các kỳ hội chợ thương mại quốc tế. BSA đã tổ chức 11 đợt với 166 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ, Sial Thượng Hải, Thaifex, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, v.v..
BSA tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp với những chủ đề đơn giản khởi đầu, như cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp nông nghiệp – từ tài nguyên bản địa, rồi Phát triển bền vững đến đổi mới sáng tạo, và đến năm thứ 10 – 2023 thì là Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh.
Tổ chức lần thứ nhất vào 2015, cho đến giờ đã 9 lần thi, liên tục, năm sau đông hơn năm trước, quy tụ được số lượng địa phương tham gia ngày càng nhiều. Có nhiều dự án tham gia cuộc thi là của các bạn trẻ thuộc các dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Hoa, H’Mông, Thái, Cờ Lao, Thổ, Ê Đê, Chăm, S’Tiêng, Mường… Đã có 1.170 dự án của 254 lượt tỉnh thành, với 1.598 lượt người tham gia các cuộc thi. Chương trình khởi nghiệp của Trung tâm BSA đã đoạt giải nhì khi tham gia cuộc thi giới thiệu Dự án khởi nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Hệ sinh thái khởi nghiệp Mekong do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức vào tháng 5.2015 tại Việt Nam.
Nhiều mục đích, nhiều tham vọng… nhưng đều quy về duy nhất mục tiêu ươm tạo một thế hệ doanh nông tử tế!
Doanh nông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Công ty Vinamit: Cộng đồng doanh nông lớn mạnh, sản phẩm nông nghiệp sẽ vươn xa
Thật may mắn và tự hào khi tôi được biết đến các bạn – nhóm doanh nông trẻ của tổ chức BSA vẫn luôn dành tình yêu bất tận, sự miệt mài và sáng tạo cho những sản phẩm của quê hương. Trò chuyện với các bạn, tôi như tìm được chính mình – anh chàng Lâm Viên ở độ tuổi 20 – 25. Với những gì đã trải qua, tôi tin bản thân mình hiểu rất rõ từng khó khăn mà người khởi nghiệp từ nông nghiệp mắc phải. Chính vì vậy, tôi không hề do dự mà đã quyết định đồng hành cùng BSA từ những ngày đơn vị này còn thai nghén cho đến khi lớn mạnh như hiện tại.
Nói về mối nhân duyên và mục đích tôi có mặt ở BSA, bên cạnh tình yêu đối với nông nghiệp, điều khiến tôi đau đáu chính là đặt bản thân mình vào vị thế “doanh nông của một đất nước giàu tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp”. Tài nguyên bao la là vậy nhưng làm sao để khai thác tài nguyên đó đúng và hiệu quả? Sản phẩm nông nghiệp nhiều vô kể nhưng làm sao để sản phẩm chất lượng, đúng với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng? Đó chính là những bài toán khó, đầy nan giải đối với một doanh nông. Và hiển nhiên rằng, tôi không thể tìm ra lời giải một cách hoàn hảo khi đơn độc; sự có mặt và góp sức của các “tân binh trẻ” chính là những bước đi đưa bài toán ấy dần tới đáp án. Tin chắc rằng, với một cộng đồng doanh nông ngày càng lớn mạnh như hiện tại, nền nông nghiệp của đất nước ta sẽ có những bước chuyển mình đầy mới mẻ, kịp thời cùng nhiều giá trị vượt trội đủ để góp phần thay đổi bộ mặt đất nước.
Tôi vẫn mong rằng, tối đa trong vài năm nữa, những sản phẩm được tạo ra từ mồ hôi nước mắt của nhà nông sẽ được đón chào hơn nữa ở thị trường trong nước và cả quốc tế!
PGS-TS Nguyễn Phú Son – Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ: Cơ hội cũng đang đến từ bên ngoài
Chúng ta đang thấy có những mô hình thiết thực như: tận dụng rơm để làm nấm rơm và sau đó là phân rơm; tận dụng nước thải, bã bùn, bùn đáy ao trong quá trình chế biến, nuôi cá tra để làm phân hữu cơ, tận dụng phân bò để nuôi trùn quế, nuôi ruồi lính đen để xử lý rác hữu cơ ở nhà máy chế biến xoài… ứng dụng kinh tế tuần hoàn ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… Tất cả đều cho thấy những ý tưởng và cách cung cấp giải pháp kỹ thuật – công nghệ khắc phục hạn chế về môi trường, giải quyết những cù cặn của các ngành hàng mũi nhọn, được xem là điểm mạnh thứ nhất trong các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp xanh. Các giải pháp sinh học được ứng dụng gắn với kinh tế tuần hoàn đã tiết kiệm được nguồn lực xã hội rất lớn. Đây được xem là điểm mạnh thứ hai đối với các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp xanh. Điểm mạnh thứ ba của các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh là nhận thức xã hội về bảo đảm không gian hành động, xu hướng tiêu dùng thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình kinh tế nâu sang kinh tế xanh ngày càng mạnh hơn. Với những điểm mạnh nói trên, các doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp theo hướng xanh có thêm những thuận lợi từ bên ngoài – cơ hội.
PGS-TS Lê Anh Tuấn – Đại học Cần Thơ: Rất cần tính kiên trì từ các bạn trẻ
Trong sản xuất nông nghiệp, với sự ứng dụng công nghệ môi trường và điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ hoàn toàn có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo để áp dụng chu trình kinh tế tuần hoàn và tạo ra các chuỗi sản phẩm trong một nền kinh tế xanh. Ví dụ, đó là một chuỗi vòng khép kín theo nguyên lý kinh tế xanh “từ trang trại đến bàn ăn”. Tuy nhiên, với những người trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp với nguồn vốn hạn chế, kinh nghiệm thực tế chưa nhiều và chưa có những mối quan hệ rộng để đưa sản phẩm ra thị trường, không nhất thiết phải bắt đầu từ tất cả các giai đoạn, từ sản xuất ban đầu đến phân phối cho người dùng cuối cùng và quay vòng đồng vốn. Các bạn trẻ khởi nghiệp nên kiên trì làm việc và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi khác nhau, bắt đầu từng giai đoạn sản xuất nhỏ hơn, đơn giản hơn và an toàn hơn trước khi tìm hiểu các giai đoạn mới và mở rộng dần quy mô sản xuất của mình theo tình hình, nhu cầu thực tế.
Ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ ngành Bán lẻ, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Tài năng Việt Nam: Khởi nghiệp xanh tạo cơ hội sinh kế cho cộng đồng
Từ mái nhà BSA, đã có hàng trăm dự án khởi nghiệp xanh được ươm tạo, dìu dắt trong cả hành trình khởi nghiệp đầy bỡ ngỡ và khó khăn, để rồi dần trưởng thành, tạo nền tảng vững vàng cho những thế hệ khởi nghiệp sau bước tiếp.
BSA và Chương trình Khởi nghiệp xanh không chỉ dành cho các câu chuyện về khởi nghiệp, mà còn tạo tác động rất lớn đến một phạm vi rộng lớn hơn, đó là chuyện về sinh kế. Có thể hình tượng hóa câu chuyện của Chương trình Khởi nghiệp xanh của BSA với góc nhìn sinh kế giống như một mạng lưới mở rộng, trong đó các đầu mối là các khởi nghiệp trẻ được bồi dưỡng, hỗ trợ liên tục và hiệu quả. Từ đó, họ dần trưởng thành và kế thừa tinh thần cộng đồng của BSA, tác động đến các sinh kế địa phương thông qua hoạt động kinh tế. Đó có lẽ là tầm nhìn dài hạn đầy tính nhân văn của BSA trong hành trình của mình, tạo nên sự khác biệt, đo lường bằng những cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng. Đặc biệt, các dự án khởi nghiệp tại các vùng cao, vùng có các đồng bào dân tộc thiểu số tạo ra những tác động rất cụ thể tới sinh kế của người dân, nhất là các dự án du lịch cộng đồng, phát triển nghề truyền thống có bản sắc lâu đời hay việc sử dụng lao động là các nghệ nhân dân gian.
Bên cạnh đó, trong các cuộc thi Khởi nghiệp xanh, câu chuyện văn hóa bản địa luôn là một đề tài nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia trong mạng lưới của BSA. Đội ngũ chuyên gia đồng hành (mentor) của BSA đã chia sẻ tích cực và sâu sắc các nguồn lực của cá nhân, tổ chức mình đang công tác với các khởi nghiệp.
ThS Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia Tư vấn Cấp cao tại GIBC, Giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM: Có một nguồn cảm hứng mới
Tôi luôn hỏi làm thế nào để câu chuyện khởi nghiệp xanh trở thành nguồn cảm hứng. Tôi bắt đầu nhận thấy có sự chuyển hóa về hệ tư tưởng kinh doanh. Trước đây khi trao đổi hay trình bày, các bạn thường nói về tầm nhìn giúp quê hương, giúp đất nước, giúp đỡ người nghèo, phát triển nhanh, cạnh tranh thế giới…, nay thấy các bạn nói về sáng tạo giá trị từ sản phẩm địa phương, an toàn, tôn trọng tự nhiên và phát triển dựa trên chuẩn mực quốc tế. Đó thật sự là điều tuyệt vời trong tư tưởng kinh doanh, tinh thần này giúp các bạn đang khởi nghiệp xanh bắt đầu từ những tiến hóa sáng tạo nhỏ để hình thành cuộc cách tân lớn hơn trong tương lai. Thành quả này có lẽ đến từ những hoạt động kết nối chuyên gia, kết nối đối tác, khóa đào tạo, tư vấn thực địa, hướng dẫn kinh doanh, các cuộc thi và những hỗ trợ không thể kể hết của 10 năm qua từ Trung tâm BSA và đối tác. Nếu trải tầm nhìn ra xa một chút về những gì sẽ diễn ra cho các bạn khởi nghiệp xanh, chắc chắn đó không chỉ là thành tựu mà doanh nghiệp các bạn lớn mạnh, mà còn là hiện thân của tinh thần doanh nhân nông dân mới: can trường hơn và đàng hoàng hơn!
ThS Nguyễn Đông Triều – Chuyên gia Tư vấn, Huấn luyện Quản trị, Marketing, Thương hiệu: Nhỏ nhưng hãy biết… có võ
Cụm từ “Đổi mới sáng tạo” luôn là một từ khóa rất quan trọng trong các khóa đào tạo tại BSA. Tại sao đây là một yếu tố quan trọng? Bởi đặc trưng của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp là quy mô nhỏ, ít vốn. Vì thế khi bước vào thị trường, yếu tố duy nhất để có thể cạnh tranh là phải luôn liên tục đổi mới với các gã khổng lồ trong thị trường. “Nhỏ nhưng có võ” là chìa khóa để doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua những thử thách và tận dụng cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp. Bằng việc áp dụng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm hướng đi mới và chú trọng phát triển bền vững, doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiến xa. Trong hầu hết các bài giảng của mình đối với các bạn trẻ, tôi đều kết thúc bằng một câu mà tôi đúc kết được và coi như là lời khuyên then chốt cho tất cả các bạn khởi nghiệp: “Tầm vóc của doanh nghiệp không bao giờ vượt quá tầm vóc của bản thân người chủ. Vì thế, có một cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển: bạn phải biết nâng tầm bản thân mình thông qua học tập suốt đời”… Có thể nói cái nôi BSA là nơi mà các bạn đầu tiên được trang bị những kiến thức đổi mới công nghệ sản xuất, marketing, bán hàng, tư duy thị trường, quản lý nhân sự, quản lý tài chính… thông qua các lớp đào tạo và cuộc thi khởi nghiệp trong nông nghiệp.
Lê Anh Đủ tổng hợp (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này