10:54 - 11/02/2021
Cay đắng và vinh quang của ‘trái táo tình yêu’
Bạn đang ăn cà chua mỗi ngày. Ăn dưới nhiều dạng: nấu chín, xay thành sinh tố, xắt lát ăn sống như rau, hoặc món tương cà chua nổi tiếng mà người Mỹ quen gọi với tên ketchup.
Ở Việt Nam, cà chua được xem là thứ rau trái đầu bảng của các bà nội trợ.
Thời gian đầu khi trái cà chua và củ khoai tây được Kha Luân Bố (Christopher Columbus) mang từ Tân thế giới về châu Âu, lục địa già này chỉ đón nhận củ khoai tây, còn ngó lơ trái cà chua.Vì đâu nên nỗi?
Mọi chuyện bắt đầu từ truyền đời về thứ trái cấm ở vườn Eden. Thứ trái cây ấy bị cho rằng cứ ăn vào là “biết tuốt”. Số là dân Tây ngày xưa phần đông đều tin có khu vườn Eden, nơi loài người từng bị trục xuất khỏi đó.Lúc đầu Eden chỉ có một hộ với hai khẩu Eve – Adam và các thực động vật phong phú. Con rắn thâm độc – đừng nhầm với rắn tốt bụng chữa bệnh trên gậy của y tổ nhân loại Esculape, muốn hại hai nhơn tổ này nhằm độc quyền làm chủ vườn. Nó đã chọn người đàn bà để xúc tiến sát chiêu. Rắn tính toán và nhận thấy đàn bà cả tin hơn đàn ông, đàn ông dễ nghe lời vợ hơn. Thế là nó “twist” cho bà một fake news (tin giả) rằng ăn trái “biết tuốt” cấm thì con người sẽ “dàm”, buộc được cả Trời. Eva xực một quả và “tư vấn” ông chồng xực một quả. Theo Sáng thế ký trong Kinh thánh Cựu ước, thảm họa đã xảy ra. Ăn xong họ chẳng thấy “dàm trời” gì cả mà chỉ biết mình đang… trần truồng. Họ bị trục xuất khỏi vườn Eden vì ăn trái cấm. Fake news ra đời từ đó chăng?
Không biết có đồng tâm trạng không mà ông vua nhà Nguyễn bị mất ngôi Hàm Nghi đã sáng tác bức tượng đồng Femme à la coloquinte tạc bà Eve. Tượng đồng đúc năm 1925 diễn tả Eve, một tay cầm trái được cho là táo, một tay che mặt xấu hổ, thân thể trần truồng, bị Thượng đế đuổi khỏi vườn Eden. Tượng cao 52cm. Hàm Nghi học điêu khắc với bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin mỗi năm 3 tháng, là thời gian được phép ở Pháp trong những năm bị tù đày quản thúc.
Trái “biết tuốt” cấm và vườn Eden ám ảnh nhân loại từ thời xa xưa đến tận ngày nay.Nhiều nhà thám hiểm lên đường đi tìm vườn Eden ấy. Trong đó không thể không có nhà thám hiểm vĩ đại Kha Luân Bố. Ông chắc mẩm về vị trí của Eden bên cạnh Ấn Độ, nên đem theo hai thành viên thủy thủ đoàn thạo tiếng Chaldee và tiếng Do Thái. Hai ngôn ngữ này được cho là có khả năng cao được cư dân vùng Eden sử dụng.
Nhưng sự nhầm lẫn vĩ đại của Kha Luân Bố đã đem lại cho châu Âu lắm thứ tài nguyên và cả đất đai. Như đã nói ở trên, trong những thứ ông ta mang về có loại trái ông gọi là tomato (cà chua), nhưng hầu hết người châu Âu ban đầu gọi nó là poma amoris, hoặc táo tình yêu. Người Hungary thẳng thừng gọi là paradise appfel – apple of paradise (trái táo thiên đàng).Cà chua hội đủ mọi thứ mà trái cấm được cho là có thể có. Đó là một loại trái cây đỏ rực, mọng nước cốt và hương vị độc đáo. Gọi là táo tình yêu bên Tây thời đó có nghĩa là một thứ trái kích dục. Điều càng khiến nó trở nên đáng sợ hơn đối với cư dân lục địa già là nó giống với trái của một loài thực vật có tên là mandrake (tiếng Việt có nơi dịch là khoai ma). Còn được gọi là táo Satan hoặc táo tình yêu. Loài cây này có bộ rễ trông giống như hình người, hay giống lingua, tùy theo cảm nhận. Trong Kinh thánh Cựu ước, nó được bà Leah dùng để kích thích Jacob ăn nằm với bà nhằm có đứa con trai.
Táo tình yêu làm ta nhớ đến ca từ đầu tiên của Phạm Duy khi phổ lời Việt cho bài L’Amour c’est pour rien của Enrico Macias một thời vang bóng: “Ngon như là trái táo”, trong khi nguyên tác lại là tính ngữ “comme une salamadre” (như một con tắc kè – ý nói về tình yêu đổi màu như con tắc kè), chẳng liên quan đến táo tiếc gì cả. Đúng là ông “nhạc phu” này bị “tình ám”. Táo của ông chắc chắn là “táo tình yêu”, là trái cà chua bất hạnh.
Nói bất hạnh vì nó bị tín đồ Ki Tô giáo thận trọng “quăng cục lơ” trong ít nhất 150 năm.Phải đến đầu những năm 1700, nó bắt đầu được chấp nhận, chủ yếu ở Ý, dưới hình thức xốt trái cây trang trí. Nhưng phần còn lại của phương Tây vẫn tẩy chay cà chua. Họ nói ăn vào rụng răng, mùi dễ làm người ta phát điên. Dân Yankee Bắc Mỹ cũng một giuộc. Vào những năm 1880, con gái của một nhà thực vật học nổi tiếng người Anh – Montague Alwood, đã viết rằng điểm nổi bật của bữa trà chiều tại nhà cha cô là “sự du nhập loại trái cây mới tuyệt vời này – hay nó là một loại rau?”. Cho đến cuối thế kỷ 20 các nhà văn như Henri LeClerc vẫn xếp cà chua với mandrakes như một “trái ác quỷ… bội bạc và gian dối”.
Ngoài ra, nước xốt và nước chấm được coi là một thứ thấp hèn, chứng tỏ cà chua tiếp tục bị coi rẻ. Trong tín lý Công giáo còn có một tội là “mê ăn uống”. Nước chấm và nước xốt bị coi là Satan xảo quyệt vì chúng làm cho món ăn… ngon hơn. “Bản chất con người không phải là người ăn nước xốt”, Thánh Clement, người Alexandria, có ảnh hưởng sâu rộng ở thế kỷ thứ 3, đã viết vậy.
Bây giờ cà chua đã bước lên đài vinh quang.Ở Mỹ có đến 97% gia đình có hũ tương cà chua để trên bàn ăn, gọi là ketchup. Ketchup tiếng Mỹ chỉ là một từ phiên âm từ “khuê chấp” (鮭汁) tiếng Tàu. Ketchup lại là một chuyện khác có liên quan đến Việt Nam, có dịp sẽ kể sau.
Những món cá chiên sốt cà trong bữa ăn người Việt hẳn có thể xếp vào hàng món ngon với màu đỏ làm cho… con mắt sáng lên. Không thấy các món cá đóng hộp thường đi chung với cà chua đó sao.
Vậy mà năm 1820, ông Robert Johnson khi công bố sẽ ăn cà chua trước mặt mọi người, đám đông dân chúng từ khắp nơi lặn lội hàng trăm dặm đến thị trấn ông ở tại New Jersey (Mỹ) để xem ông chết ngay tại trận thế nào. Trái lại, ông đã trở thành anh hùng.
Đặng Kính (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này