19:37 - 25/10/2016
Tháng 7/2017, VN có thể không còn được vay theo điều kiện ODA
Nguồn vốn ODA đã vay sẽ được chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3,5% từ tháng 7/2017.
Thông tin trên được ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài diễn ra chiều 25/10.
Ông Hoàng Hải cho biết thêm, nếu Việt Nam không còn nằm trong nhóm những nước nhận được các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) thì khi “tốt nghiệp” IDA, Việt Nam sẽ phải cam kết trả nợ nhanh, cụ thể phải tăng gấp đôi tốc độ trả nợ gốc.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, phía WB cho phép Việt Nam đưa ra các phương án xử lý linh hoạt.
Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.
Từ thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011-2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Đại diện Bộ tài chính cũng cho biết thêm, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong đó, “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại”.
Đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm bao gồm: 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương theo mức độ trợ cấp, và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách Trung ương.
Về vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm gồm: nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về Trung ương. Cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, căn cứ tính chất nguồn vốn và mức độ ưu đãi về điều kiện cho vay lại hiện hành.
Cũng xuất phát từ các vướng mắc trong quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài thời gian qua và yêu cầu về quản lý trong giai đoạn tới, ông Hoàng Hải cho biết, Bộ Tài chính đã quy định một số nội dung quy định mới trong Thông tư số 111/2016/TT-BTC tập trung vào các nội dung như:
Hướng dẫn rõ nội dung và quy trình xác định cơ chế tài chính ngay từ khâu đề xuất chương trình, dự án; dẫn chiếu đến các quy định đã có tại Nghị định số 16 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và làm rõ thêm yêu cầu trình bày tại báo cáo của đơn vị đề xuất.
Về khâu lập kế hoạch và kiểm soát chi, quản lý giải ngân: Thông tư mới bỏ quy định của Thông tư 218 về việc được giải ngân vượt kế hoạch; cơ sở kiểm soát chi là kế hoạch được giao hoặc kế hoạch vốn bổ sung do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về quy trình kiểm soát chi, đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng quy trình chung về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, thanh toán chi giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Hải cũng cho biết thêm, bình quân mỗi năm nguồn ngân sách nhà nước sẽ chi khoảng 1 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi từ việc vay nợ nước ngoài.
Với Việt Nam, nguồn vốn ODA trong thời gian qua đã phát huy nhiều tác dụng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Song hiệu quả thật sự của đồng vốn ODA được sử dụng đến đâu là câu chuyện lớn rất nhiều bộ ngành, quốc hội, dư luận quan tâm.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang chuẩn bị một bản báo cáo trước Quốc hội về quản lý vay và sử vốn ODA. Về cơ bản nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi.
Nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công.
Theo TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này