
08:50 - 28/06/2019
Các nước Đông Nam Á tìm cách hạn chế rác thải
Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa, tổ chức Hoà bình Xanh kêu gọi các nước Đông Nam Á cấm nhập rác thải từ các nước phát triển.
Lời kêu gọi diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo trong khu vực tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 từ ngày 22 – 23/6/2019 tại Bangkok, Thái Lan.
Khu vực Đông Nam Á thời gian qua chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa và rác thải điện tử từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc – nhà tái chế rác thải hàng đầu thế giới ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa hồi năm ngoái, khiến hàng triệu tấn rác thải nhựa và điện tử nhanh chóng được chuyển hướng tới các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn.
Theo Liên hiệp quốc, mỗi năm, con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có tới 8 triệu tấn trôi ra các đại dương. Rác thải nhựa đổ ra đại dương gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng, ảnh hưởng tới môi trường sinh sống của các loài động vật biển như cá heo, rùa biển, chim biển. Các hạt vi nhựa có kích cỡ dưới 5mm có thể tích tụ trong cơ thể các loài cá, gây độc hại cho sức khoẻ con người nếu ăn phải.
Nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa, Philippines và Malaysia mới đây đã tiên phong chuyển số rác thải nhựa này quay trở lại nơi xuất xứ. Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị các quan chức chính phủ nước này thuê một công ty vận tải tư nhân để chuyển 69 container rác thải trở lại Canada. Chỉ ít ngày sau đó, bộ trưởng Năng lượng, công nghệ, khoa học, biến đổi khí hậu và môi trường Malaysia Yeo Bee Yin cũng tuyên bố gửi trả 3.000 tấn rác thải nhựa về những nước xuất xứ của số rác thải này. Malaysia xác định số rác nhập từ ít nhất 14 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Anh.
Đầu tháng 5.2018, Liên hiệp quốc cho biết, gần như tất cả các nước trên thế giới đã nhất trí một khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc, nhằm ngăn chặn rác thải nhựa, vốn đã trở thành mối đe doạ lớn đối với môi trường biển. Theo công ước Basel sửa đổi, được 180 chính phủ thông qua, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý, và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Trong một thông cáo báo chí, ban thư ký công ước cho biết, sửa đổi trên sẽ khiến cho hoạt động buôn bán rác thải nhựa trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn và được quản lý tốt hơn, trong khi đảm bảo rằng việc xử lý chúng sẽan toàn với sức khoẻ con người và môi trường.
Trong khi đó, theo cơ quan Thống kê trung ương và hiệp hội Công nghiệp nhựa Indonesia, mỗi năm quốc gia này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển. Trên thực tế, rác thải nhựa có thể phải mất hàng chục tới hàng trăm năm mới có thể phân huỷ. Nguy hiểm hơn khi rác thải nhựa sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa, là mối đe doạ tiềm tàng cho hệ sinh thái biển và sức khoẻ con người. Một nghiên cứu của trường đại học Georgia, Mỹ, đã chỉ ra rằng có khoảng 28% số cá đang tiêu thụ tại Indonesia có chứa hạt vi nhựa.
Bộ trưởng Biển và nghề cá Indonesia, Susi Pudjiastuti báo động: “Nếu chúng ta tiếp tục xả rác ra biển, thì tới năm 2030, nhựa sẽ nhiều hơn cá. Hơn nữa chúng ta cũng cam kết với thế giới sẽ giảm 70% số rác nhựa vào năm 2025.Tôi đề nghị chúng ta hạn chế sử dụng nhựa trong cuộc sống hàng ngày một cách tối đa. Chính phủ kết hợp chính quyền địa phương kêu gọi thay vì sản xuất nhựa một lần, hãy sản xuất nhựa có thể tái chế hoặc sử dụng các sản phẩm giấy sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Năm 2019, Indonesia đã quyết định chi 10.000 tỷ rupiah (hơn 700 triệu USD) cho các địa phương có thành tích và nghiêm túc trong việc quản lý và xử lý rác thành năng lượng điện dựa trên công nghệ xanh. Hiện nay, tại Indonesia có 12 thành phố đã thành công trong việc xây dựng nhà máy điện năng lượng rác thải.Dự kiến, các nhà máy này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, và đặt mục tiêu có thể sản xuất ít nhất 234 megawatt (MW) điện từ khoảng 16.000 tấn rác thải mỗi ngày trong giai đoạn 2019 – 2022.
Theo TGHN
Có thể bạn quan tâm
Tàu 2.560 tấn chở tro ở nhiệt điện Vĩnh Tân chìm tại Mũi Né
Bị tù vì khai thác đồn đột vượt mức
Liên Hợp Quốc ‘báo động đỏ’ về biến đổi khí hậu
Bill Gates cùng Samsung phát minh nhà vệ sinh có lò đốt
Người dân phải được khuyến cáo mạnh hơn cho kịch bản thiếu nước
Tags:đông nam árác thải
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này