15:20 - 17/10/2023
VCCI đề nghị mở rộng diện được mua nhà ở xã hội
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Ủy ban Pháp luật Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở, trong đó có nội dụng về ưu đãi chính sách cho nhà ở xã hội.
Theo VCCI, dự thảo Luật Nhà ở, người được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội, chủ yếu là có thu nhập thấp, không có điều kiện mua nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều người không thuộc nhóm này cũng không có khả năng mua nhà. Ví dụ người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp.
VCCI lý giải, thuế thu nhập cá nhân thực tế không phải là thuế đánh vào những người có thu nhập cao. Những người nộp thuế với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương chưa hẳn là những người có thu nhập cao (lương trên 11 triệu đồng phải chịu thuế). “Với mức lương này cùng với các khoản chi tiêu trong cuộc sống, việc người lao động có thể tích góp để mua được nhà ở thương mại là rất khó”, VCCI cho biết.
Cụ thể hơn, một khảo sát trước đó của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về nhà ở xã hội cho thấy, với những người có thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng một tháng, thực tế cũng chỉ tiết kiệm được 4,7 triệu đồng cho mua nhà.
Trong khi đó, lấy thí dụ với một căn nhà xã hội khoảng 1,5 tỷ đồng, đóng trước 20% giá trị (khoảng 300 triệu đồng), thời gian vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất là 8,2%, mỗi tháng người mua phải trả cả vốn lẫn lãi là 10 triệu đồng.
Theo đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở nên mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo hướng những người thuộc diện phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định về thuế thu nhập cá nhân cũng thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.
“Tuy nhiên, có giới hạn về mức đóng thuế, có thể là đóng thuế ở mức lũy tiến thứ 2, tức phần thu nhập tính thuế trên 5-10 triệu đồng một tháng” – VCCI lưu ý.
Gỡ nút thắt “nhà ở” cho người lao động
Trước đó, như DĐDN đã thông tin, sau khi Đề án đầu tư 1 triệu căn nhà ở xã hội được thông qua, và các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, việc phát triển nhà ở xã hội đã ghi nhận nhiều tín hiệu vui. Theo báo cáo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng hơn 94.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.
Tuy nhiên, các tiêu chí điều kiện người mua nhà ở xã hội được đánh giá là đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn, cần xem xét “nới” điều kiện.
Theo TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.
Ông Đính cũng cho rằng, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.
Trong khi đó, tại hội thảo khoa học góp ý “Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn giai đoạn 2021-2030” do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng chỉ ra 6 nhóm chính sách lớn cũng cần được tập trung giải quyết.
Bao gồm: Chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Theo Diệu Hoa/DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Tìm cách ‘thoát ế’ cho gần 4.000 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm
Công an Gia Lai bác tin được tặng điện thoại Huawei
Quy định mới về cách tính lương hưu
Hà Nội đóng cửa nhiều quán karaoke không phép
Bộ Tài chính ‘sắp xếp’ lại ngành thuế: giảm 2 phó Tổng Cục trưởng
Tags:nhà ở xã hộiVCCI
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này