
09:40 - 16/10/2016
Thủy điện xả lũ khiến người dân trở tay không kịp
“Thủy điện xả lũ trong đêm, nước lên quá nhanh chỉ trong chốc lát nhà đã ngập gần tới nóc. Mọi người chỉ biết bỏ của chạy thoát thân nên tài sản trôi hết”.

Hình ảnh con bò vô vọng chụp ở nhà ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Xuân Hạ, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đây cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lụt này. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Tại Hà Tĩnh, tính đến sáng ngày 16/10, nước lũ trên các sông suối ở Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn trên báp động 3, hàng ngàn nhà dân ở huyện miền núi này vẫn bị nước lũ cô lập.
Theo người dân nguyên nhân họ chịu thiệt hại lớn ngoài việc mưa to, thì việc thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ trong đêm khiến họ trở tay không kịp.
Chị Nguyễn Thị Sen, trú xã Lộc yên, huyên Hương Khê, bức xúc: “Thủy điện xả lũ trong đêm, nước lên quá nhanh chỉ trong chốc lát nhà đã ngập gần tới nóc. Mọi người chỉ biết bỏ của chạy thoát thân nên tài sản trôi hết”.
Liên quan đến vấn đề thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ gây thiệt hại nặng đối với người dân, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, cho rằng việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô là chưa đảm bảo quy trình.
Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian quá gấp, nước lên quá nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn.
Trước đó, vào sáng ngày 15/10 phát biểu sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s – 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp.

Dù có chuẩn bị, một số nhà dân vẫn không kịp di dời những đồ đạc lớn như bàn ghế, thiết bị điện máy. “Sau đợt lũ này, những dụng cụ nào còn dùng được thì sẽ chùi rửa để sử dụng. Đối với quạt điện, nồi cơm điện bị hư hỏng thì phải sắm mới”, ông Nguyễn Văn Thành (trú xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh) nói. Ảnh: VnExpress
Đến sáng ngày 16/10, tại Quảng Bình đã có 9 người chết, 3 người mất tích, 13 người bị thương do mưa lũ, Ban chỉ huy và phòng chống thiên tai tỉnh này cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Ban chủ huy và phòng chống thiên tai Quảng Bình cho biết, thống kê mới nhất, mưa lũ đã làm có 71.192 nhà bị ngập, 59 nhà bị tốc mái; nhiều nhất là thị xã Ba Đồn với 22.873 ngôi nhà bị ngập sâu.
Huyện Lệ Thủy có 19.800 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, 26 nhà bị tốc mái do lốc xoáy.
Huyện Quảng Ninh có 8.100 nhà bị ngập; huyện Tuyên Hóa với 8.767 nhà bị lũ; huyện Bố Trạch có 4.500 hộ bị nước vây; TP Đồng Hới có 1.396 nhà bị ngập…
Về nông nghiệp, huyện Lệ Thủy bị thiệt hại hoa màu trên 70%, cây trồng hàng năm bị hại hơn 600ha, lương thực bị hư hỏng 2.000 tấn, gia cầm chết 3.0000 con, diện tích ao hồ bị thiệt hại 300ha.
Tại huyện Quảng Ninh, gia cầm bị chết và trôi 43.000 con, lợn bị trôi và chết 103 con, trâu bò chết 02 con do bị sét đánh, thiệt hại 297 ha nuôi trồng thủy sản, thóc ướt 239 tấn.
Thiệt hại chưa thống kê toàn thể nhưng quá nặng nề, UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá: “Trong lúc nguồn lực của địa phương còn rất hạn chế, lại vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ khẩn cấp cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại không có gạo để ăn 5.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn. Hỗ trợ 250 tỷ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra”.
Quảng Bình cũng đề nghị Chính phủ có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra; đồng thời, tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống hàng trăm ngàn người dân vùng lũ.
Theo Người Lao Động/Tuổi Trẻ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này