11:11 - 22/02/2016
Bầu cử tổng thống Mỹ: Bất ngờ và thú vị
Khi bà Hillary Clinton tuyên bố mình ra tranh cử tổng thống thì một nhân vật tiếng tăm khác cũng gia nhập cuộc chơi đó là Jeb Bush.
Dân Mỹ và giới quan sát chính trị thở dài và lắc đầu ngao ngán: thôi rồi, đấy chỉ là cuộc đua song mã thuộc hai dòng dõi trâm anh thế phiệt, và các ứng viên khác coi như chỉ là những viên đá lót đường.
Ấy là bởi bà Hillary Clinton thì đã quá nổi tiếng, từng là cựu đệ nhất phu nhân, từng là ngoại trưởng và là một luật sư và chính trị gia từng trải. Còn Jeb Bush thì lại là con nhà tông khi có cả cha lẫn anh đều là tổng thống Mỹ, bản thân lại là người sắc sảo và thông minh, ngân sách tranh cử dồi dào cả trăm triệu USD.
Thế mà mọi thứ dường như nháo nhào thay đổi không theo một trật tự có lý của nó. Và các cuộc bầu cử sơ bộ ở các tiểu bang đầu tiên cho thấy một kết quả khác: Jeb Bush dường như hụt hơi, còn bà Clinton thì gặp đầy các thách thức.
Ở cuộc đấu đầu tiên ở bang Iowa ngày 1/2/2016 ông Bush đã đuối khi người về đầu là Ted Cruz. Ông trùm tỉ phú Donald Trump, người đã liên tục dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò, về thứ hai.
Ở phe dân chủ, bà Clinton có một chiến thắng sít sao trước một ứng viên đang lên là Bernie Sander.
Kịch tính xuất hiện tại bang New Hampshire. Tỉ phú ăn to nói lớn Donald Trump đã về nhất của phe Cộng hoà với 35%. Trump hầu như không tốn một đồng xu quảng bá, và chỉ đến vận động ở tiểu bang này chừng một tháng, và đã giành vị trí thứ nhất ở đây.
Jeb Bush, sau cú ngã ngựa đầu tiên ở Iowa, đã dành hẳn 57 ngày ăn dầm nằm dề ở New Hampshire, bỏ ra 30 triệu USD quảng bá hình ảnh của mình cho cử tri trên truyền hình, lại chỉ giành được vị trí khiêm tốn thứ 4 với 11%. Bên phía đảng Dân chủ, một người cực tả là Sander đã giành chiến thắng áp đảo với 60% số phiếu bên phía Dân chủ.
Thử hình dung cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ là cuộc tranh đấu giữa Donald Trump và Sander, thì quả thật có nhiều điều để nói. Cả hai đều được cho là những người có các tư tưởng hết sức cực đoan. Donald Trump giỏi tiếp thị mình với cử tri với những hình ảnh đình đám, ăn to nói lớn, mạt sát đối thủ không nề hà.
Thế mà lạ thay, cứ sau một lần mạt sát đối thủ thì lại kéo thêm được nhiều ủng hộ viên hơn. Thử hình dung, nếu Trump là tổng thống, và các chính sách của ông được thực thi, thì sẽ như thế nào? Mỹ sẽ trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp và con cái của họ, đánh thuế 45% vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, giết thân nhân của các nghi phạm khủng bố và cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Đ
ình đám nhất là chuyện xây một bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico để ngăn chặn người Mễ vượt biên vào, những người mà Trump gọi là “những kẻ hiếp dâm”.
Tại các cuộc vận động tranh cử trên khắp nước Mỹ, đề tài này được xướng lên hàng trăm lần. Ấy là khi một chiếc trực thăng sơn tên ông từ trên trời đáp xuống, và giữa đám đông, Trump cất tiếng hỏi: “Chúng ta sẽ xây gì?”. “Một bức tường!” đám đông hò đáp lại. “Ai sẽ trả tiền xây?” “Mexico!”
Ở phía Dân chủ, Bernie Sander cũng giới thiệu mình với cử tri các chính sách hết sức cực đoan. Ở tuổi 74, ông tự gọi mình là một “nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ”.
Ông cho rằng chủ nghĩa tư bản Mỹ bị thao túng bất lợi cho 99% dân chúng, nên hứa phá bỏ các ngân hàng và đưa bảo hiểm y tế Medicare vào một hệ thống y tế phổ quát. Đặc biệt là ông hứa hẹn sẽ miễn học phí đại học công lập và xoá nợ tiền học đại học cho dân Mỹ. Để có tiền làm thế thì ông tuyên bố sẽ tăng thuế của giới nhà giàu, của những người thu nhập cao. Người Mỹ vốn đã chịu thuế cao rồi hẳn sẽ khó chịu với chính sách này.
Vậy mà vị thượng nghị sĩ 74 tuổi lập dị và mặc những bộ vét nhàu nát này lại đang thu hút khá đông đảo giới trẻ, nhất là những thanh niên từ 18 – 29 tuổi để râu, đeo chuỗi hạt và bất mãn. Một bên là sự huyên náo của Trump, một đằng là sự đối nghịch của Bernie, nước Mỹ quả thật là thú vị.
Ứng viên nặng ký nhất là Hillary Clinton hẳn lấy làm lo. Bà là người có đầy đủ tố chất của một vị tổng thống mới khi từng trải và dày dạn kinh nghiệm.
Tuy nhiên, uy tín của bà cao bao nhiêu thì tai tiếng của bà cũng lớn bấy nhiêu, khi bị khui ra vụ dùng email cá nhân cho các thư có nội dung tuyệt mật thời còn làm ngoại trưởng, khiến các đối thủ khai thác là người “bất khả tín”. Kẻ phá bĩnh Sander đang lấy đi rất nhiều lá phiếu từ giới trẻ, cả đàn ông lẫn phụ nữ. Bà hứa hẹn sẽ bảo vệ các di sản của tổng thống đương nhiệm Barack Obama.
Nhưng người Mỹ vốn ưa những cái mới, và rất có thể họ sẽ bầu chọn cho mình vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử, như điều họ đã làm với vị tổng thống da đen đầu tiên của mình. Nhiều cử tri Cộng hoà hẳn sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton nếu ứng viên của đảng họ là Trump, theo cách nói của họ là “nhảy thuyền”.
Để cân bằng quyền lực, họ sẽ bỏ phiếu cho các thượng nghị sĩ là người Cộng hoà. Và như thế, rất có thể, như nhiều người dự đoán, nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống vào năm 2017.
Nhưng trước hết thì cần phải giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ để được phe Dân chủ đề cử làm ứng viên đã. Sau thất bại ở New Hampshire, bà phát biểu: Tôi vẫn yêu New Hampshire. Và chặng đường dài gian nan vẫn còn phía trước. Gần nhất sẽ là cuộc so tài ở South Carolina vào ngày 20.2 tới, và bà sẽ nhờ tới tài ăn nói và sức hấp dẫn của đức lang quân danh tiếng mà cũng đầy tai tiếng của mình – cựu tổng thống Bill Clinton – đi vận động.
Bà Clinton thì đặt cược lớn tại Nevada, nơi mà năm 2008 bà hơn ông Obama 602 phiếu, nhưng do cách tính ưu tiên cộng điểm vùng sâu vùng xa nên ông Obama đã giành thắng lợi chung cuộc. Cả ông Clinton lẫn các tình nguyện viên đang toả đi khắp nơi để vận động cho bà Clinton.
Bên phe Cộng hoà, các cuộc thăm dò cho thấy Donald Trump vẫn dẫn đầu cuộc đua giống như ở New Hamshire, với 36%. Tiếp sau đó là ông Ted Cruz, với 20%. Jeb Bush, bất chấp dòng dõi thế gia và dồi dào tiền bạc, dường như đã hụt hơi, dù tuyên bố vẫn không bỏ cuộc.
Trần Phi Tuấn
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này